Vùng đất đỏ Bazan Gia Lai - Đổi thay nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách (Kỳ 1)
Kỳ 1: Vươn lên thoát nghèo, khẳng định vị thế nhờ vốn tín dụng chính sách
Gia đình chị Siu Nhã (thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, Gia Lai) đã dần thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội |
Nguồn vốn hỗ trợ thiết thực
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Gia Lai đã đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững. Tính đến nay, tổng nguồn vốn uỷ thác toàn tỉnh đạt 470 tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng nguồn vốn, tăng 440 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Riêng 9 tháng đầu năm 2024, con số này đã đạt gần 88 tỷ đồng.
Nhiều hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và từng bước vươn lên thoát khỏi khó khăn, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Câu chuyện của chị Kpuih H’Joi (sinh năm 1984, làng Sung Kép, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Nhờ khoản vay 80 triệu đồng, gia đình chị đã sửa chữa nhà ở và đầu tư phát triển 3 ha điều. Giờ đây, cuộc sống gia đình chị H’Joi đã khấm khá hơn, con cái được đi học đầy đủ và ngôi nhà trở nên khang trang hơn.
“Tôi rất mừng khi được xét duyệt vay vốn. Nếu không có khoản vay này, gia đình tôi khó có cơ hội để phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước cùng các cấp chính quyền và Ngân hàng Chính sách xã hội đã mang đến cho bà con chúng tôi cơ hội thay đổi cuộc sống.”, chị H’Joi cho biết.
Tương tự, gia đình hai vợ chồng chị Siu Nhã (sinh năm 1993) và anh Đoàn Công Toàn (sinh năm 1989) trú tại tổ 6, thị trấn Chư Prông, cũng đã thoát nghèo nhờ khoản vay từ nguồn vốn vay ưu đãi tín dụng chính sách. Chị Nhã cho biết, hai vợ chồng chị cưới nhau chưa được bao lâu, thu nhập phụ thuộc tất cả vào việc làm thuê và diện tích 1 ha cà phê già cỗi ít ỏi. Để hiện thực hoá ước mơ thoát nghèo, năm 2022, gia đình chị đã tận dụng 80 triệu đồng từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, sau 2 năm khoản vay đã được trả hết.
“Sau khi trả hết khoản nợ vay, đầu năm 2024, chúng tôi tiếp tục vay thêm 80 triệu đồng để đầu tư vào 1 ha cà phê, 400 trụ tiêu và mua giống trồng thêm 2 ha cà phê nữa. Hiện tại, điều kiện kinh tế gia đình đã ổn định, và chúng tôi hy vọng sẽ thoát cận nghèo trong vài năm tới.”, chị Siu Nhã chia sẻ.
Ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, khẳng định nguồn vốn tín dụng triển khai trên địa bàn huyện đã đến đúng đối tượng và được sử dụng đúng mục đích. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, bình quân mỗi năm giảm khoảng 3% (tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn gần 12%.)
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chư Prông thăm hỏi, động viên chị Siu Nhã tận dụng nguồn vốn vay phát triển kinh tế gia đình, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích |
Với việc triển khai tốt nguồn vốn TDCS, tỷ lệ hộ nghèo huyện Chư Prông đến cuối năm 2023 chỉ còn gần 12% |
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Gia Lai, mặc dù tỉnh đã triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách giảm nghèo, lồng ghép hiệu quả với các nguồn lực xã hội, tình hình kinh tế-xã hội tại các địa phương trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đời sống người ngày càng đi lên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức khi tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, nhất là hộ nghèo dân tộc thiểu số vẫn còn cao. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 31.502 hộ nghèo, chiếm hơn 8% tổng số hộ, trong khi hộ cận nghèo còn 35.749 hộ, chiếm hơn 9%. Đáng chú ý, trong số này có 28.173 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm trên 17%. Những con số này vừa phản ánh những thách thức, vừa là động lực để địa phương tiếp tục nỗ lực trong công tác giảm nghèo. |
Nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số
Vốn tín dụng chính sách không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Chị Rơ Châm Awưnh (làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) đã hiện thực hoá giấc mơ khởi nghiệp với thương hiệu cà phê Organic Jrai Ialy, tạo công ăn việc làm cho chị em trong làng nhờ khoản vay ưu đãi 70 triệu đồng.
Chị Rơ Châm Awưnh chia sẻ: “Từ khi biết được chương trình vay vốn chính sách và được Hội phụ nữ tuyên truyền, hai vợ chồng tôi có thêm động lực để đầu tư vào mô hình cà phê organic. Nhờ nguồn vốn này, tôi đã có bước nhảy vọt trong tư duy của người phụ nữ hiện đại. Tôi dự định sẽ liên kết các chị em trong làng cùng phát triển mô hình kinh tế này.”
Còn chị Rơ Châm H’Luên, cũng cư trú tại làng Mrông Yố 1, đã thoát khỏi diện cận nghèo vào năm 2023 nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng. Chị H’Luên vui mừng cho biết kinh tế gia đình chị đã khởi sắc, với thu nhập hàng năm đạt hơn 70 triệu đồng từ 1 ha cà phê.
“Nếu không có nguồn vốn tín dụng chính sách, có lẽ gia đình tôi khó có được cuộc sống như hiện tại. Con cái được ăn học đầy đủ, kinh tế gia đình cũng cải thiện rõ rệt. Nguồn vốn “mồi” này không chỉ giúp nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp phụ nữ dân tộc thiểu số chúng tôi thay đổi tư duy, tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng, từ đó khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội.”, chị H’Luên xúc động nói.
Theo chị Rơ Châm H’Ken, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ka, huyện Chư Păh, trước đây nhiều hội viên trong xã rất e ngại khi vay vốn để phát triển kinh tế vì lo lắng không có khả năng trả nợ và thiếu định hướng sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả. Tuy nhiên, nhờ sự tuyên truyền tích cực, hiện nay hầu hết các chị em đã hiểu rõ về quy trình vay vốn và mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Gia Lai, bà Rơ Chăm H’Hồng, cho biết qua thực tế triển khai các hoạt động của Hội đã cho thấy một điều rằng, tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ vận động hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Và để đồng vốn vay ưu đãi phát huy hiệu quả cao nhất, Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã hướng dẫn hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, tham gia tích cực vào các mô hình sinh kế và phát triển kinh tế.
Riêng trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, Hội phụ nữ đa cùng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai hỗ trợ vốn cho các ý tưởng khởi nghiệp của hội viên, với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ý tưởng. Đến nay, đã 325 ý tưởng khởi nghiệp được hỗ trợ với tổng vốn hơn 15 tỷ đồng.
Chị Rơ Châm Awưnh, cư trú tại làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, đã hiện thực hoá giấc mơ khởi nghiệp với thương hiệu cà phê Organic Jrai Ialy nhờ nguồn vốn vay chính sách xã hội |
Cũng tại làng Mrông Yố 1, chị Rơ Châm H’Luên đã thoát khỏi diện cận nghèo vào năm 2023 nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng |
Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Gia Lai, nguồn vốn tín dụng chính sách uỷ thác thông qua Hội Phụ nữ đang có xu hướng tăng trưởng ổn định qua từng năm. Tính đến hết tháng 10/2024, tổng dư nợ uỷ thác qua các Hội đoàn thể đạt 7.371 tỷ đồng, tăng 445 tỷ đồng so với đầu năm. Đặc biệt, tổng dư nợ uỷ thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã vượt mốc 2.500 tỷ đồng, phục vụ cho hơn 54.000 khách hàng.
Ông Nguyễn Triều Quang, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Gia Lai, đánh giá cao vai trò của Hội Phụ nữ trong việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng, giúp phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số tiếp cận vốn một cách toàn diện và nâng cao được vị thế, giá trị chính bản thân trong gia đình cũng như trong cộng đồng.