Vùng đất đỏ Bazan Gia Lai - Đổi thay nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách (Kỳ 2)
Kỳ 2: Cầu nối vững chắc giữa Đảng với Nhân dân
Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư |
Hơn nữa triệu hộ nghèo thụ hưởng vốn tín dụng chính sách
Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư vào năm 2014, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác tín dụng chính sách. Tín dụng chính sách đã được triển khai đến 100% các địa phương trong tỉnh, với mức tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm đạt trên 10%. Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại Gia Lai đã vượt 7.300 tỷ đồng, tăng hơn 4.400 tỷ đồng so với năm 2014, phục vụ cho hơn 156.000 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Theo thống kê, tổng doanh số cho vay theo Chỉ thỉ số 40 đã vượt mốc 16.800 tỷ đồng, với hơn 500.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đáng chú ý, số tiền cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt hơn 8.000 tỷ đồng, chiếm trên 47,5% tổng doanh số cho vay, hỗ trợ 250.000 hộ vay vốn. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, Gia Lai đã xây dựng 242.017 công trình nước sạch xây dựng và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia; hỗ trợ xây dựng 3.022 căn nhà cho hộ nghèo và người dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai, cho biết chất lượng tín dụng trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ xấu giảm 50% so với năm 2014, từ 0,45% xuống chỉ còn 0,22%. Nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách, các cấp chính quyền địa phương đã huy động mọi nguồn lực, đồng thời dành nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổng nguồn vốn ủy thác hiện đã lên tới hơn 480 tỷ đồng, chiếm 6,5% tổng nguồn vốn, tăng 440 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW. Những nỗ lực này đã góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới số tại địa phương.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Rah Lan Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, khẳng định: “Toàn bộ hệ thống chính trị trong tỉnh đều nhận thức rõ vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong việc hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách. Đây không chỉ là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương ở các cấp trong triển khai tín dụng chính sách xã hội, mà còn là nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.”
Ông Rah Lan Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, khẳng định toàn bộ hệ thống chính trị trong tỉnh đều nhận thức rõ vai trò của TDCSXH trong việc hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách |
Theo NHCSXH Gia Lai, tính đến tháng 9/2024, tổng nguồn vốn uỷ thác tín dụng chính sách của thành phố Pleiku đã đạt hơn 18 tỷ đồng, tăng hơn 4 tỷ đồng so với năm 2023 |
Tổng doanh số cho vay theo Chỉ thỉ số 40 của Gia Lai đã vượt mốc 16.800 tỷ đồng, với hơn 500.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn |
Triển khai hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu
Tại huyện Kbang, nơi có gần 48% số hộ là người dân tộc thiểu số và điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trung bình hằng năm đã giảm 2% chỉ trong vài năm thực hiện Chỉ thị số 40. Tổng doanh số cho vay trên địa bàn huyện đã đạt trên 1.000 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 800 tỷ đồng. Tổng dự nợ hiện đạt 500 tỷ đồng với hơn 7.500 hộ nghèo và đối tượng chính sách còn dư nợ.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn ngân sách huyện uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt 12 tỷ đồng, bổ sung vốn từ nguồn thu lãi là 1 tỷ đồng. Nhờ những nỗ lực này, nguồn vốn chính sách xã hội được triển khai 100% các thôn làng, tổ dân phố; hỗ trợ cho hơn 29.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất, trong đó có 1.381 hộ vượt qua ngưỡng nghèo.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Bí thư Huyện uỷ Kbang, cho biết: “Chúng tôi xác định hoạt động tín dụng chính sách là nội dung cực kỳ quan trọng trong công tác phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân. Do đó, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã quán triệt sâu sắc nội dung này đến từng cơ sở Đảng trực thuộc.”
Còn tại thành phố Pleiku, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt nhờ vào việc triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo. Theo số liệu thống kê mới nhất, tỷ lệ hộ nghèo tại đây hiện chỉ còn 0,23% (148 hộ nghèo với trên 600 khẩu), trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm mạnh từ 2,94% (năm 2021) xuống còn 1,28% (năm 2024).
Ông Nguyễn Hữu Sung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku, cho biết thành công này đến từ việc thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và chính sách hỗ trợ thiết thực. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, các cấp ủy và chính quyền địa phương đã chú trọng đến việc chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách. Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách của thành phố Pleiku ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã vượt mốc 18 tỷ đồng. Doanh số cho vay từ đầu năm 2024 đến nay đạt 96 tỷ đồng, bằng 96% so với cùng kỳ năm 2023, phục vụ cho 2.600 khách hàng.
Thực tế cho thấy, chỉ sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 40, hiệu quả rõ rệt đã được ghi nhận, với tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Gia Lai giảm sâu từ trên 23% năm 2014 xuống còn hơn 8% vào cuối năm 2023. Toàn tỉnh hiện còn khoảng 23.886 hộ nghèo, chiếm 6,07%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 21.377 hộ, chiếm 12,71%. Tỷ lệ hộ cận nghèo còn 34.546 hộ, chiếm 8,77%, giảm 0,44% so với năm 2023, trong đó hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 27.671 hộ, chiếm 16,45%, giảm 0,42%.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai, kết quả này đã minh chứng cho chủ trương đúng đắn và sáng tạo của Đảng, phù hợp giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi với tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương. Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, có hiệu quả.
“Tín dụng chính sách không chỉ là cây cầu nối vững chắc giữa Đảng và Nhân dân, mà còn trở thành đòn bẩy quan trọng trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Từ năm 2022 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố Pleiku đã giảm từ 0,56% xuống còn 0,23% |