Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp vượt đại dịch
Cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo | |
Tìm đường cho startup Việt vượt thách thức mùa dịch | |
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với đại dịch |
“Gồng mình” vượt qua đại dịch
Phát biểu tại Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc tế: Doanh nghiệp trẻ và những nỗ lực vượt khó do Covid-19, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Thường trực VCCI nhận định, năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn không chỉ với Việt Nam và với nhiều nước khác trên thế giới. Nền kinh tế trong nước phát triển không mấy thuận lợi, nếu không muốn nói là hết sức gian nan.
Không chỉ các doanh nghiệp Việt, mà theo bà Ana Maria Torres - đại diện Mạng lưới Khởi nghiệp Toàn cầu (GEN), hiện nay nhiều doanh nhân khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn cầu gặp phải thách thức lớn là sự thiếu chắc chắn và mong manh khi khởi nghiệp. Có khoảng 61% doanh nhân trên toàn cầu bị đe dọa vì Covid-19. Đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi và sự tương tác giữa con người cũng thay đổi rất nhiều. Vì vậy đây cũng là cơ hội nhưng cũng là thách thức để các doanh nghiệp có thể thích nghi với sự thay đổi này.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp đang đối mặt với nhiều cơ hội cũng như thách thức sau đại dịch Covid-19 |
Dẫn kết quả một cuộc khảo sát do Youth Colab thực hiện, ông Beniam Gebrezghi - Chuyên gia chương trình, UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ ra, 92% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực và 85% đã phải thay đổi lại mô hình kinh doanh, 7% bị giảm doanh số so với năm trước hơn rất nhiều.
“Đây là một hành trình đầy thách thức trong việc kinh doanh và bán hàng. Tuy nhiên, mặc dù có các khó khăn nhưng kết quả của chúng tôi đã cho thấy các doanh nghiệp đã rất linh hoạt bền bỉ và kịp thời xoay trục kinh doanh với các chiến lược phản ứng với Covid-19”, ông Beniam Gebrezghi cho biết.
Chia sẻ cụ thể về những khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc điều hành một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế cho biết, trong đại dịch, 3 khó khăn mà các doanh nghiệp trẻ gặp phải đó là thiếu thông tin, thiếu kỹ năng và thiếu người dẫn dắt để vượt qua khủng hoảng. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp trẻ rất cần những chính sách hỗ trợ, dẫn dắt để tồn tại sau đại dịch.
Nhiều hỗ trợ dành cho startup
Theo ông Beniam Gebrezghi, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 66 triệu doanh nghiệp trẻ và đây là một con số tuyệt vời mà chúng ta cần phải giúp đỡ họ lớn mạnh hơn. Hiện nay, UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có mặt ở hơn 28 quốc gia và để tạo ra một hệ sinh thái đa dạng hỗ trợ cho các doanh nhân khởi nghiệp.
Trao đổi tại tọa đàm, các chuyên gia nhận định, dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn nhưng cũng đem đến cơ hội mới, khi giúp mỗi doanh nghiệp trẻ nhận định lại được khả năng của mình, cũng như kỹ năng trong việc giải quyết khủng hoảng. Từ đó, doanh nghiệp có sự thay đổi và hành động để thay đổi tư duy, năng lực. Đơn cử như quá trình chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ hay bùng nổ của thương mại điện tử. Những xu hướng mới, nhu cầu mới cũng đòi hỏi doanh nghiệp nhanh nhạy hơn, thích ứng tốt hơn và quyết định khởi nghiệp phải hướng tới sự phát triển bền vững hơn.
Bà Ana Maria Torres cũng cho rằng, chìa khóa cốt lõi để doanh nghiệp trẻ vượt qua đại dịch là làm thế nào để có thể xoay trục thật nhanh, trang bị các kỹ năng kinh doanh kịp thời và tạo ra sự thay đổi về cách suy nghĩ. Hiện GEN đã có chương trình thúc đẩy để dành cho những doanh nhân đã được lựa chọn ở cấp độ quốc gia để họ có quyền truy cập và được hưởng những chương trình cố vấn, huấn luyện để họ có cơ hội phát triển. Đồng thời, GEN cũng có một mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu ở 108 quốc gia nhằm tạo ra những giải pháp, sự thay đổi và sự đóng góp của doanh nghiệp cho nền kinh tế, đồng thời tạo nền tảng cho các doanh nhân đưa ra ý tưởng phát triển doanh nghiệp của mình. GEN cũng có một hệ thống hỗ trợ các doanh nghiệp trên các lĩnh vực: Đảm bảo tiếp cận được nguồn tài chính để phát triển và GEN sẵn sàng làm việc với 6 quốc gia tạo ra sự hỗ trợ về vốn; Kết hợp với các cơ quan như VCCI để tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp ở các quốc gia nhận được sự hỗ trợ này.
Tới đây, Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp toàn cầu (EWC) sẽ giúp tìm ra tài năng giỏi nhất trong top 100 và có hơn 80% đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây thực sự là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thực tế, từ đầu năm 2021 đến nay các doanh nghiệp khởi nghiệp ở các lĩnh vực y tế đã có sự tăng trưởng rất lớn, tạo ra tầm ảnh hưởng xã hội. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ liên quan đến chăm sóc y tế từ xa cũng gặp được những nguồn lực hỗ trợ để họ thích nghi với thay đổi, có nguồn tài chính và có những chương trình khuyến khích phát triển.
“Chúng tôi cũng tạo ra một nền tảng toàn cầu nói chung và tại khu vực Đông Nam Á nói riêng với hơn 118 quốc gia cùng tham dự vào hệ thống này”, bà Ana nói.
Tại Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã mở rộng hợp tác với Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc - UNDP thông qua sự tài trợ của Quỹ Thịnh Vượng Anh để triển khai dự án có tên “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp mới tại Việt Nam”.
Dự án đã tạo sự đột phá khi hướng sự tập trung vào nhóm đối tượng mới là các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp với 3 nội dung chính. Thứ nhất, tập huấn khởi nghiệp và kinh doanh liêm chính; thứ hai xây dựng bộ công cụ kinh doanh liêm chính, cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp; thứ ba, chatbot khởi nghiệp và kinh doanh liêm chính.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể vượt qua đại dịch và phát triển trong tương lai, các chuyên gia đồng tình ý kiến Chính phủ cần có các giải pháp phân bổ nguồn lực, tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Xây dựng hệ sinh thái kết nối nguồn lực của các địa phương. Vấn đề hỗ trợ không chỉ về vốn mà còn là các chính sách mang tính chất mở đường, dẫn dắt để các startup có thể mạnh dạn phát triển bền vững hơn.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)