Cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
COVID-19 thúc đẩy tốc độ đổi mới sáng tạo | |
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Cơ hội để bứt tốc |
Dòng vốn cho startup còn nhiều khó khăn
Phát biểu tại Lễ công bố Dự án ADB Ventures, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) nhận định, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu gần hai năm qua đã làm thay đổi cách nghĩ, thích ứng, vận hành và cách quản trị xã hội.
Là động lực để không chỉ doanh nghiệp mà các quốc gia cũng phải nhanh chóng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để thích ứng với bối cảnh “bình thường mới”.
Giống như các doanh nghiệp khác, đại dịch đã khiến cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư, nhất là dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng có sự giảm sút.
Toàn cảnh Chương trình công bố Dự án ADB Venture |
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam năm 2020 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures công bố gần đây cho thấy, nếu như năm 2019 là một năm thành công của các startup công nghệ Việt Nam khi thu hút lượng vốn đầu tư kỷ lục 861 triệu USD, tăng trưởng gần gấp đôi so với 2018, thì tổng vốn đầu tư rót vào các startup Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 đã giảm từ 284 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái xuống 222 triệu USD.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám Đốc NIC cũng thông tin, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thường gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn đầu, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có thể tạo ra sự thay đổi phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Việt Nam và Đông Nam Á.
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2016-2019, ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chỉ có 2% thương vụ đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ sạch và 1% thương vụ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nông nghiệp. Hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Việt Nam bắt đầu cách đây hơn 15 năm, tuy nhiên, thị trường vốn đầu tư cho lĩnh vực này vẫn đang ở giai đoạn non trẻ và manh mún.
Là một startup về thành phố thông minh và hạ tầng thông minh, ông Nguyễn Bách Việt, Nhà sáng lập VIoT Technology cho biết, những khó khăn trong quá trình gọi vốn có thể kể đến như: Đa phần khách hàng vẫn chỉ thích tiêu chí đầu tư “thơm, ngon, bổ, rẻ”, những giải pháp công nghệ mới, đặc biệt về mục tiêu phát triển bền vững như công nghệ IoT vẫn chưa được quan tâm nhiều. Nhiều quỹ có khẩu vị dành cho cuộc đua đốt tiền thu gom người dùng của thương mại điện tử, siêu ứng dụng.
Khó khăn cũng đến từ mặt pháp lý, khi khó tiếp cận chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ và chính sách hỗ trợ phát triển xanh. Mặt khác, do tác động của đại dịch, nhà đầu tư hoãn kế hoạch rót vốn nên startup cũng tạm hoãn luôn kế hoạch gọi vốn, thay vào đó là tập trung phát triển thêm giải pháp và hệ sinh thái.
Cơ hội mới cho doanh nghiệp
Trước thực trạng đòi hỏi cần có giải pháp nhằm giải quyết vấn đề thiếu vốn cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng với ADB đã nghiên cứu, xây dựng Dự án ADB Ventures và NIC là chủ dự án.
Lễ công bố Trung tâm giải mã gen lớn nhất Đông Nam Á đặt tại NIC trong khuôn khổ sự kiện công bố Dự án ADB Venture |
Với khoản tài trợ 1 triệu USD dành cho Việt Nam trong thời gian thực hiện từ năm 2021-2023, ADB Ventures sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được tiếp cận nguồn vốn viện trợ, đầu tư cũng như các kỹ năng để phát triển kinh doanh. Các đối tượng ưu tiên của Dự án sẽ là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nằm trong các lĩnh vực: công nghệ sạch (cleantech), tài chính (fintech), nông nghiệp (agritech) và sức khỏe y tế (healthtech).
Dự án hướng tới mục tiêu tăng khả năng tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm tại thị trường Việt Nam thông qua các khoản tài trợ, qua đó giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ giải quyết thách thức về rủi ro thị trường cao trong giai đoạn đầu, khuyến khích doanh nghiệp phát triển các giải pháp công nghệ có thể tạo ra sự thay đổi tích cực đến biến đổi khí hậu, bình đẳng giới.
Việt Nam sẽ tham gia thực hiện một phần của chương trình khu vực, đó là 2 hợp phần hỗ trợ kỹ thuật bao gồm Thử nghiệm công nghệ (ADB Ventures Lab) và Hạt giống (ADB Ventures SEED). Thông qua hai hợp phần hỗ trợ kỹ thuật này, ADB Ventures sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp giảm rủi ro thị trường, đồng thời kết nối các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với các khách hàng tiềm năng, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thí điểm các giải pháp công nghệ ở thị trường mới.
Dự kiến, sẽ có 15 ý tưởng kinh doanh khả thi được thử nghiệm trong hợp phần ADB Ventures Lab và 10 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam nhận được khoản tài trợ trong ADB Ventures SEED.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện công bố Dự án ADB Venture, Lễ công bố Trung tâm giải mã gen lớn nhất Đông Nam Á đặt tại NIC cũng đã diễn ra.
Việc Genetica - Công ty giải mã gen ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học phân tử vào con chip bản quyền chuyên sâu giải mã gen dành cho người châu Á, hợp tác với NIC thành lập Trung tâm giải mã gen có quy mô lớn nhất Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều bước tiến cho các nghiên cứu về gen trong thời gian tới, góp sức cho Việt Nam sớm có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hàng đầu khu vực.