Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA
Tận dụng FTA hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu thị trường Á- Âu | |
Doanh nghiệp Việt tận dụng khá hiệu quả EVFTA | |
Xuất khẩu tăng nhờ “đòn bẩy” FTA |
Các chuyên gia nhận định, kết quả việc triển khai các Hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới được ký kết và đi vào thực thi như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA… có đóng góp không nhỏ của các địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp làm quen và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA thời gian qua. Tuy nhiên, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa từ chính quyền các cấp cũng như những đột phá trong tư duy hành động để có thể gia tăng hơn nữa cơ hội từ các hiệp định này mang lại.
Ảnh minh họa |
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi chúng ta ký các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA hay FTA với Vương quốc Anh, Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực thi và căn cứ trên kế hoạch thực thi của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương cũng xây dựng kế hoạch thực thi của mình. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh thành trong cả nước sang các thị trường FTA thế hệ mới gia tăng đáng kể. Có những tỉnh ghi nhận tăng trưởng hai chữ số khi nhiều mặt hàng chiến lược của địa phương được thúc đẩy xuất khẩu. Điều đó cho thấy thời gian qua, các tỉnh thành đã rất chú ý đến việc thực hiện các FTA thế hệ mới.
Tuy nhiên, theo ông Khanh, cũng cần phải nhìn lại một số điểm có thể làm tốt hơn. Đầu tiên là dư địa vẫn còn rất lớn, khi mà chỉ có 38/63 tỉnh thành có ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP và nếu ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu với các nước mới có FTA trước khi ký CPTPP như: Canada, Mexico hay Peru thì con số còn thấp hơn.
“Có thể chúng ta sẽ có thêm những khó khăn, những rào cản nhưng đây là điểm chúng ta cần chú ý. Mặc dù các tỉnh đều có các biện pháp hỗ trợ về đào tạo, về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xúc tiến thương mại hay hỗ trợ về chính sách. Nhưng các hỗ trợ này đều áp dụng chung cho tất cả các ngành. Doanh nghiệp chưa đi sâu vào cụ thể những ngành nghề cần tận dụng FTA, những ngành nghề thực sự là mặt hàng chiến lược, lĩnh vực chiến lược mà chúng ta có thể dựa vào đó để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hay là tăng trưởng tỷ lệ tận dụng”, ông Khanh lưu ý.
Bên cạnh đó, theo ông Khanh, vẫn còn hạn chế trong việc kết nối với các doanh nghiệp. Theo đó, mặc dù các tỉnh thành đều rất tích cực tổ chức các hội nghị tập huấn cho doanh nghiệp nhưng các chủ doanh nghiệp hay người có quyết định rất ít khi tham gia. Vì vậy, họ không đưa ra được quyết sách để điều chỉnh được chiến lược xuất khẩu và tận dụng các FTA.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng, đã đến lúc cần đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình thực thi các FTA. Cách thức hỗ trợ phải xuất phát từ những vấn đề thực tế của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải tạo được một cơ chế kết nối, phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương; giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp.
Bởi theo ông Thạch, rõ ràng vẫn còn có khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu của các doanh nghiệp và khả năng, mức độ đáp ứng của chính quyền các địa phương và cũng không chỉ chính quyền các địa phương mà với các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào tiến trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội từ các FTA.
“Về cách thức để triển khai việc hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào, cần phải xuất phát từ những vấn đề rất thực tế ban đầu của doanh nghiệp. Mặc dù chính quyền địa phương đã xây dựng các kế hoạch hỗ trợ cũng như triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, nhưng ngay từ đầu chúng ta phải tìm hiểu xem nhu cầu của các doanh nghiệp cụ thể ra sao; cần cung cấp thông tin về vấn đề gì, với từng nhóm doanh nghiệp theo quy mô, theo ngành nghề. Chúng ta có thể nghiên cứu, đánh giá sâu ngay từ đầu, trên cơ sở đó mới có thể thiết kế và triển khai được các chương trình hỗ trợ một cách hiệu quả”, ông Thạch đề xuất.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần phải tạo được một cơ chế kết nối, phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương; giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp. Trong tiến trình này chúng ta phải huy động được các lực lượng chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu… các tổ chức có liên quan để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp một cách tốt hơn