Xuất khẩu tăng nhờ “đòn bẩy” FTA
Sản phẩm nông nghiệp: Muốn xuất khẩu bền vững phải bằng đường chính ngạch | |
Hoàn thiện quy trình để nông sản Việt phát huy thế mạnh | |
Để xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới |
Theo số liệu chính thức về tình hình xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan cập nhật, trong 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại thặng dư 9,59 tỷ USD, cao hơn so với ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê. Xuất khẩu giữ được đà tăng trưởng tốt, xuất siêu cao hơn dự báo, đã tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô. Đà tăng của xuất khẩu duy trì trong bối cảnh khó khăn là nhờ các ngành hàng đã khai thác thêm thị trường mới, mở rộng sản phẩm xuất khẩu nhờ sự mở đường của các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nhiều cái tên mới trên “bản đồ” xuất khẩu
Hai FTA lớn đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ nhất trong thời gian qua chính là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo Trung tâm WTO và hội nhập, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau 3 năm thực thi CPTPP, so sánh với những đối tác khác đã phê chuẩn hiệp định này, Việt Nam là nước thành viên tranh thủ khá tốt thị trường để gia tăng thị phần ở châu Mỹ.
Xuất khẩu gạo sang EU tăng trưởng mạnh nhờ thực thi EVFTA |
Nhờ đó trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước tham gia CPTPP tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 6 tỷ USD. Nếu như trước đây ở khu vực châu Mỹ, chỉ có Hoa Kỳ được nhắc tới là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, thì hiện nay đã xuất hiện thêm một số cái tên “mới toanh” khác như Canada, Mexico, Peru, Chile. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã sớm tận dụng được cơ hội từ CPTPP mang lại. Đơn cử như dệt may, trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang thị trường Canada tăng tới trên 50% so với cùng kỳ năm 2021. Hay thủy sản cũng là một trong những mặt hàng tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP để gia tăng thị phần tại các nước thành viên, nhất là tại khu vực châu Mỹ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trước khi có CPTPP, Canada chiếm 2,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thì đến thời điểm này đã chiếm 3,7%. Tương tự, tỷ trọng của Mexico tăng từ 1% lên 1,3%. Tính chung trong nhóm 11 quốc gia thành viên tham gia CPTPP, Việt Nam là thành viên duy nhất gia tăng thị phần ở Canada, Mexico, Peru và Chile. Đối với các nước khác, thị phần đều giảm hoặc đi ngang. Đó là chưa kể thị trường Nhật Bản, vốn là bạn hàng lớn và lâu đời của Việt Nam, cũng ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu ở mức hai con số.
Tương tự như với CPTPP, việc thực thi EVFTA đã giúp Việt Nam mở rộng mặt hàng xuất khẩu, từ đó tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường đầy tiềm năng này. Theo đánh giá của Bộ Công thương, sau hai năm thực thi EVFTA, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân của Việt Nam sang thị trường EU là 18,6%, còn cao hơn cả tốc độ tăng trưởng vào thị trường CPTPP. Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương chỉ ra các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất gồm sắt thép tăng 739% so với 2 năm trước khi thực thi EVFTA; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 260%; máy móc, thiết bị tăng 82,3%; thuỷ sản tăng 17,1%; hàng dệt may tăng 8,3%...
Tránh phụ thuộc thị trường lớn
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thế giới thắt lưng buộc bụng khiến tình hình xuất khẩu hàng hóa khó khăn hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng là nhờ khai thác thêm được các thị trường mới. Mặc dù các thị trường này còn tương đối nhỏ, song trong giai đoạn biến động chung thì việc gia tăng kim ngạch ở nhiều thị trường nhỏ cũng vẫn mang lại mức tăng lớn cho các ngành hàng xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI đánh giá, EVFTA là hiệp định mang lại lợi ích đáng kể nhất được ký kết trong giai đoạn gần đây. Với các FTA khác thì lợi ích kinh tế chỉ tăng thêm, nhưng với EVFTA thì đó là lợi ích tổng thể hoàn toàn mới. “Trước đó Việt Nam chưa có bất kỳ FTA nào riêng với một quốc gia thành viên EU, do đó có thể nói chúng ta ký một hiệp định nhưng mở ra được 27 thị trường”, bà Trang bình luận.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng tại các thị trường mới còn đến từ việc các hiệp hội, ngành hàng đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để hưởng ưu đãi thuế quan từ các FTA này. Bộ Công thương cho biết, tỷ lệ tận dụng C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) để hưởng thuế quan ưu đãi ở thị trường EU tăng rất nhanh, hiện đã chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, dù mới thực thi hiệp định được 2 năm. Hiện nay tỷ lệ tận dụng C/O ở thị trường EU chỉ thấp hơn so với thị trường Hàn Quốc là 24,6%.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp sớm tận dụng được ưu đãi trong CPTPP và EVFTA là nhờ quy định pháp luật đã sớm được ban hành, sửa đổi để đón đầu các FTA này. Theo đó, khi Việt Nam thực thi CPTPP từ tháng 1/2019 chúng ta đã phải tiến hành sửa đổi pháp luật từ trước đó, và khi tới EVFTA thì nhiều quy định pháp luật đã tuân thủ và cơ bản không cần nội luật hoá nữa.
Theo bà Nguyễn Thu Trang, để thực thi EVFTA, có 6 văn bản trong lĩnh vực thương mại hàng hóa và 3 văn bản trong lĩnh vực khác cần được ban hành. Điều đáng mừng là tất cả các văn bản này đều được ban hành nhanh hơn so với tiến độ bình thường ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ nghị định về chứng nhận gạo thơm được ban hành sau Hiệp định khoảng 2-3 tháng, trong khi trước đó các văn bản tương tự phải mất khoảng 12 tháng. Còn đối với CPTPP thì đa số văn bản hướng dẫn được ban hành trong khoảng 6-7 tháng sau khi hiệp định có hiệu lực, cũng nhanh hơn so tới tốc độ chung.
TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, trong bối cảnh lạm phát tăng cao tại Mỹ, EU; tăng trưởng tại nhiều quốc gia giảm tốc; người tiêu dùng thế giới tiếp tục thắt lưng buộc bụng, song vẫn phải chi tiêu cho lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Điều đó tạo cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp, nhu cầu giảm, Bộ Công thương đã khuyến nghị các hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục chủ động chuyển hướng tiếp cận các thị trường khác ở khu vực châu Mỹ, châu Á, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Đây cũng là những nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn, nhu cầu thị trường đa dạng hơn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tranh thủ cơ hội khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép...; nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước... để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường EU.