Họa sĩ Lưu Công Nhân: Vẽ là sống
Gần đây, tên tuổi họa sĩ Lưu Công Nhân tiếp tục được nhắc đến. Đó có thể là những lùm xùm về chuyện tranh giả - tranh thật. Đó có thể là xung quanh một cuộc đấu giá tranh trên mạng. Nhưng ở đây, tôi muốn nói đến khía cạnh tích cực, khi cuốn sách “Lưu Công Nhân và hội họa” (NXB Thế giới) ra mắt bạn đọc. Cuốn sách do nhà báo - nhà nghiên cứu mỹ thuật Đào Mai Trang thực hiện công phu, khi được một người con trai của họa sĩ Lưu Công Nhân cung cấp hàng chục kilôgam tài liệu di cảo gồm thư từ, những trang ghi chép rời, những cuốn nhật ký, sổ tay với bút tích sống động của họa sĩ Lưu Công Nhân. Rồi những bức tranh, phác thảo, ký họa, ảnh tư liệu... Và cả những bài báo cũ đượm màu thời gian, trong đó chỉ dẫn những cứ liệu cần thiết cho thế hệ mai hậu muốn đọc, muốn hiểu về họa sĩ Lưu Công Nhân. Am hiểu về mỹ thuật, nặng tình với họa sĩ, nhà báo Đào Mai Trang đã hoàn thành một cuốn sách với rất nhiều tư liệu quý, mà bất cứ ai khi đọc, cũng có thể tiếp cận một cách rất gần với những tâm tư, suy nghĩ của họa sĩ Lưu Công Nhân.
Tác phẩm “Đi cày” của Lưu Công Nhân |
Họa sĩ Lưu Công Nhân sinh ngày 17/8/1929, tên khai sinh là Lưu Công Nhẫn. Nguyên quán của ông là làng Lâu Thượng, nay thuộc xã Trưng Vương, TP. Việt Trì, Phú Thọ.
Lưu Công Nhân theo học khóa đầu tiên mở tại chiến khu Việt Bắc của Trường Mỹ thuật Việt Nam, do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy (1950-1954). Về sau, khóa học này được nhiều người gọi là Khóa mỹ thuật Kháng chiến. Tại khóa học này, họa sĩ Lưu Công Nhân đã sớm bộc lộ nét tài hoa của mình qua những bức vẽ bài tập và ký họa thực tế.
Dấu ấn hội họa của Lưu Công Nhân càng ngày càng sắc nét khi trải qua những giai đoạn sáng tác mỹ thuật sau này. Người ta vẫn thường nhắc tới những tác phẩm như “Buổi cày”, “Nghỉ trưa hợp tác” được sáng tác năm 1960…
Năm 1960 cũng đánh một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hội họa của Lưu Công Nhân, khi ông bày triển lãm cá nhân đầu tiên với khoảng 200 bức tranh ký họa. Cũng trong năm đó, họa sĩ Lưu Công Nhân gửi 3 tác phẩm “Bác Hồ”, “Buổi cày”, “Nghỉ trưa” tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, và bức “Buổi cày” (tên ban đầu là “Một buổi cày”) được trao giải Ba về hội họa.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân từng nhận xét: “Lưu Công Nhân có tay nghề điêu luyện lạ thường. Ngay những bức thuốc nước trực họa những năm 1950 đã đạt tới đỉnh cao của kỹ thuật đầy trắc ẩn này. Cây xoan, ngõ xóm, cô dân quân, cô nuôi lợn, lão du kích, bà bủ móm mém… lùm tre soi bóng xuống ao bèo, cái tường gạch lở lói bởi thời gian và bom đạn với những khẩu hiệu tuyên truyền thật hồn nhiên và kiên quyết… đã trở thành những hình ảnh tạo hình xuất sắc bậc nhất của thời chống Pháp bên cạnh các ký họa của các bậc thầy Mỹ thuật Đông Dương. Về tranh màu nước ở ta, tới nay tôi nghĩ ít có ai vượt nổi Lưu Công Nhân”.
Vẫn lời nhà phê bình Nguyễn Quân: “Tranh sơn dầu cũng được Lưu Công Nhân sử dụng “điệu nghệ” trong thế hệ ông - thế hệ thiếu thốn tuyệt đối về vật chất mà ông là một ngoại lệ. Không làm quan văn nghệ nhưng ông được “số phận ưu ái”: thầy bạn quý nể, gần như là họa sĩ tự do hoàn toàn ở “tổ sáng tác”. […]
Ông cũng vẽ trừu tượng và muốn “hiện đại hóa” hội họa của mình nhưng rồi lại chối bỏ cái không hợp với thể tạng mình. Ở đây, trong nghệ thuật ông là một người thành thật với chính mình và chắt chiu tài năng của mình với ý thức của một họa sĩ chuyên nghiệp và tự do…
Ông dấn thân song không đánh mất mình, mà ngược lại là bằng cách bảo toàn tài năng thiên hướng cá nhân của mình. Tôi thấy sự vật vã chiến đấu với mình, với nghệ thuật và “chỉ thế thôi” của ông vẫn là một bài học. Những phong cảnh và tĩnh vật mực nho, bột màu, thuốc nước của ông là một sự phóng túng nhẹ nhàng, điệu đà, hào hoa nhưng rất chân thực, bởi ông là người như vậy...”.
Trở lại với cuốn sách của nhà báo Đào Mai Trang. Chuyện nhà báo ra sách không phải là chuyện lạ. Nhưng thường thì đó là tập hợp các bài phóng sự, ghi chép, bút ký đã đăng trên báo trong nhiều năm. Nhưng với nhà báo Đào Mai Trang thì khác. Chị dành thời gian nghiên cứu các tài liệu, tư liệu, kết hợp với các khảo sát, trò chuyện với các “nguồn tin” khác nhau để dựng lên một cuốn sách có tựa đề “Lưu Công Nhân với hội họa”. Đọc cuốn sách này, thấy sự tâm huyết, trách nhiệm của tác giả; thấy cả tình cảm dành cho họa sĩ tài danh.
Nhiều người khi đọc cuốn sách này, sẽ dừng lại rất lâu ở những bức thư họa sĩ Lưu Công Nhân gửi cho bạn bè, đồng nghiệp. Và cả những trang nhật ký của ông nữa… Bởi ở những tư liệu vẻ như rời rạc ấy, ẩn chứa nhiều tâm sự của họa sĩ. Nói cách khác, những thư từ, nhật ký ấy đã cất lên tiếng nói của họa sĩ, khi thầm thì, lúc quyết đoán. Chẳng hạn khi ông tâm niệm: “Vẽ suốt cả ngày. Vẽ là một hành động vô ý thức được nghiền ngẫm từ lâu”. Hay: “Không phải cứ […] gallery nọ kia mua mà vẽ hay được đâu!!! Bởi vì vẽ là sống. Sống nghệ sĩ! Chỉ nghệ sĩ mới đẻ ra nghệ thuật thôi”. Lúc khác, ông lại quả quyết: “Vẽ, theo tôi vẫn chẳng khó khăn… bằng sống. […] Người họa sĩ như chúng ta, cái đáng tự hào là “sống sao cho đáng sống”.
Đọc cuốn sách, người ta cũng hiểu ông hơn. Chẳng hạn khi ông tâm sự: “Kỹ thuật của người họa sĩ cũng giống như sợi dây diều. Dây càng dài, diều càng bay cao”. Hay: “Chất liệu không hoàn toàn quyết định giá trị của bức tranh. Một bức tranh đẹp không do vẽ bằng vàng. Nhưng chất liệu quyết định khả năng diễn đạt của tác phẩm. Với chủ đề của bức tranh này, vẽ bằng chất liệu này, thành công hơn chất liệu nếu cần”. Ở một chỗ khác, ông chia sẻ: “Theo tôi mảng màu và đường nét là nhịp đập của trái tim và trí tuệ người cầm bút”. Và: “Đã là nghệ thuật, bức tranh phải lung linh, phát quang và phát quang vĩnh viễn”.