Hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn – nhiệm vụ khó khả thi
4 năm thoái vốn thu về 172.877 tỷ đồng
Theo thông tin từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), từ đầu năm cho đến hết tháng 8, Cục Tài chính doanh nghiệp đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 6 doanh nghiệp.
Như vậy, nếu theo kế hoạch thì còn 91 doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong năm nay, nhưng chỉ còn 4 tháng là hết năm. Đến nay có thể nói, việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa năm nay là nhiệm vụ khó khả thi.
Cục Tài chính doanh nghiệp cũng cho biết, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong năm 2020 là Hà Nội có 13 doanh nghiệp, TP. Hồ Chí Minh có 38 doanh nghiệp (chiếm 40% kế hoạch cổ phần hóa trong năm); Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có 6 doanh nghiệp, Bộ Công Thương có 4 doanh nghiệp và Bộ Xây dựng có 2 doanh nghiệp.
Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn 8 tháng đầu năm chỉ đạt 830 tỷ đồng |
Việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng trong tình trạng khó hoàn thành kế hoạch. Trong 8 tháng đầu năm 2020 đã thực hiện thoái vốn với giá trị 604,9 tỷ đồng, thu về 1.116,4 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 8/2020 là 25.634 tỷ đồng, thu về 172.877 tỷ đồng.
Chiểu theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng thì 5 tháng cuối năm 2020, cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ thực hiện thoái vốn tại 120 doanh nghiệp (Hà Nội thoái vốn tại 28 doanh nghiệp, Hải Phòng thoái vốn tại 12 doanh nghiệp) và chuyển giao 14 doanh nghiệp về SCIC để thực hiện thoái vốn. Có 18 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn theo chỉ đạo riêng của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định 908 cũng nêu rõ Bộ Xây dựng thoái vốn tại 4 tổng công ty đến trước ngày 30/11/2020, nếu không hoàn thành sẽ chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn.
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến nhìn nhận: “Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn 2016-2019 và 8 tháng đầu năm 2020 là chậm, do đó việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp theo kế hoạch trong 4 tháng còn lại năm 2020 là khó khả thi”.
38.500 tỷ đồng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn
Cổ phần hóa, thoái vốn chậm kéo theo việc nộp tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ) về ngân sách Nhà nước (NSNN) để phục vụ đầu tư trung và dài hạn cũng không hoàn thành kế hoạch.
Theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn thu từ cổ phần hóa nộp về NSNN để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250.000 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết số 26/2016/QH14, số tiền phải thực hiện chuyển từ Quỹ vào NSNN năm 2020 là 38.500 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn 8 tháng đầu năm chỉ đạt 830 tỷ đồng.
Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã chuyển 50.000 tỷ đồng và trong 8 tháng đầu năm 2020 đã chuyển 6.500 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN. Lũy kế từ năm 2016 đến 8/2020 đã chuyển 211.500 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN. Như vậy, năm 2020 còn phải chuyển 38.500 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN, nhưng đây cũng là việc khó khả thi.
Theo Bộ Tài chính, để đáp ứng đủ số tiền nộp vào Quỹ năm 2020, dự kiến nguồn thu chủ yếu từ việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, các tổng công ty cổ phần của Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp do SCIC thực hiện thoái vốn theo Thông báo số 281/TB-VPCP.
Bộ Tài chính đã từng dự kiến nếu cổ phần hóa, thoái vốn đúng lộ trình, hoàn thành kế hoạch, thoái vốn thành công tại Sabeco thì nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn năm 2020 dự kiến khoảng 42.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, nếu các bộ, ngành Trung ương và địa phương quyết liệt chỉ đạo triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng lộ trình cùng với xu hướng phục hồi của thị trường tài chính, chứng khoán thì tổng nguồn thu dự kiến thu về Quỹ có thể đạt trên 45.000 tỷ đồng.
Gắn trách nhiệm cho người đứng đầu
Để tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, Bộ Tài chính đã kiến nghị nhiều giải pháp. Trong đó, kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước triển khai công tác thoái vốn theo quy định.
Bộ cũng đề nghị lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện bán cổ phần lần đầu và thoái vốn. Để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, Bộ đề nghị không bán cổ phần, thoái vốn bằng mọi giá. Trong trường hợp cần thiết, cần phải giảm chi đầu tư từ nguồn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp để đảm bảo cân đối NSNN.
Bộ Tài chính đề nghị tăng cường công tác chấp hành kỷ luật kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, mang lại hiệu quả, lợi ích cao nhất cho Nhà nước.
Theo đề nghị của Bộ Tài chính, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại DNNN. Người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.