Hội thảo nâng cao chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Vĩnh Phúc
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học đến từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội thảo, ông Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, từ khi tái lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc luôn ở mức cao, trung bình đạt 13,4% giai đoạn 1997-2021. GRDP năm 2022 tăng 9,54% so với năm 2021, là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay và đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang phát biểu tại Hội thảo. |
Quy mô kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành đạt 153,12 nghìn tỷ đồng, tăng 15,78 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 11,49% so với năm 2021, đứng thứ 6 Vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 14 cả nước; cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò đầu tàu.
Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2022, chỉ số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc xếp thứ 8/63 tỉnh thành cả nước, với sự vươn lên mạnh mẽ của hai chỉ số: Chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 4/63, chỉ số thiết kế pháp lý xếp thứ 5/63.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, đạt được kết quả trên là nhờ những năm qua, Tỉnh ủy, UBND Vĩnh Phúc luôn xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành. Vĩnh Phúc đã tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, tỉnh không ngừng tìm kiếm và đề xuất các giải pháp hữu ích trong công tác cải thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Ông Vũ Chí Giang nhấn mạnh, chỉ số chính sách hỗ trợ là chỉ số quan trọng gắn với cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Vĩnh Phúc đang triển khai quy hoạch trên nhiều lĩnh vực, nên những khuyến nghị, tham vấn chính sách của các nhà khoa học tại hội thảo rất có ý nghĩa với địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông tin, là một trong mười thành phần của chỉ số PCI, chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” trong năm 2021 được thay thế bằng chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” nhằm tập trung tìm hiểu đánh giá của doanh nghiệp về kết quả triển khai các chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ năm 2018.
PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại Hội thảo |
Các chỉ tiêu mới đánh giá tập trung vào một số khía cạnh quan trọng của công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm mức độ thuận lợi trong việc tham gia các chương trình hỗ trợ như cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng…
Hội thảo đã tập trung đánh giá chỉ số PCI và chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Vĩnh Phúc, giai đoạn 2017-2022; so sánh chỉ số PCI và chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với các tỉnh, thành phố có thứ hạng cao, bài học kinh nghiệm; kết quả khảo sát PCI, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2022 từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc từ góc nhìn Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030.
Các đại biểu đã phân tích, đánh giá một cách chi tiết về chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Vĩnh Phúc, đề xuất nhiều nội dung, cách làm để cải thiện chỉ số này. Theo đó, Vĩnh Phúc cần chú trọng việc cung cấp thông tin, đăng tải các thủ tục hành chính nói chung, thủ tục để được hỗ trợ về năng lực kinh doanh, giá thuê mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp; thủ tục để được miễn giảm chi phí tư vấn pháp luật; thủ tục miễn giảm chi phí tư vấn thông tin thị trường; thủ tục miễn giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách nhà nước...
Bên cạnh đó, các chuyên gia đề xuất tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tạo lập môi trường thông thoáng, đơn giản hóa trình tự, thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư; chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh đã ban hành.
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang nhấn mạnh, Vĩnh Phúc rất coi trọng vai trò của doanh nghiệp trong sự phát triển của tỉnh, cam kết UBND tỉnh sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn; giao Sở Công Thương chủ trì, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan duy trì chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp luôn ở top 10 và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong việc thực hiện Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, mong muốn các các chuyên gia, nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có những tham vấn, góp ý hơn nữa vào các vấn đề mang tính thực tiễn của Vĩnh Phúc trong thời gian tới.