Hướng tới thị trường xuất khẩu bền vững
Hướng đến sản phẩm chế biến sâu
3 năm gần đây, mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây nhiều khó khăn, trở ngại nhưng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Đáng chú ý, đây là thị trường tiêu thụ nhiều hàng nông sản của Việt Nam như: thủy sản; rau quả; hạt điều; cà phê; chè; gạo; sắn và sản phẩm sắn; cao su, sản phẩm từ cao su… Trong đó, rau quả và cao su là hai nhóm hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD.
Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu đối với các DN Việt Nam |
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhưng theo các chuyên gia nhận định, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn từ các nước trong khu vực, nhất là về chất lượng, các sản phẩm chế biến sâu.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho biết, trong hơn 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 19,7 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh lại đang gặp nhiều khó khăn khi bị các sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Maylaysia… cạnh tranh, đặc biệt là sầu riêng.
Trong 3 năm trở lại đây Việt Nam phải vay mượn quota của Thái Lan để xuất khẩu, điều này khiến cho sản phẩm thương hiệu Việt bị mất lợi thế. Thực tế, trái sầu riêng là nông sản tiềm năng của Việt Nam và đạt chất lượng cao hơn so với nhiều nước, nhưng giá trị xuất khẩu lại rất thấp. Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu hơn 870.000 tấn sầu riêng của Thái Lan, mang lại doanh thu ít nhất 4,1 tỷ USD cho Thái Lan. Trung Quốc nhập khẩu hơn 8.000 tấn sầu riêng từ Malyasia.
Theo bà Ngô Tường Vy, sản phẩm sầu riêng Việt Nam vẫn đang đợi phía Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch. Chính vì vậy trong thời gian tới, cần có những giải pháp đồng bộ về sản phẩm sầu riêng từ việc xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy hoạch vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ các DN quảng bá thương hiệu… để sầu riêng trở thành sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử
Hiện nay dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, do chính sách “Zero Covid”, Trung Quốc liên tục tăng cường những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, khiến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc với các quốc gia có chung đường biên giới nói chung và với Việt Nam nói riêng, gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới được cho là giải pháp hiệu quả đối với các DN.
Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, đây chính là cơ hội cho các DN xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới. Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia có tốc độ phát triển TMĐT nhanh nhất toàn cầu. Trong những năm gần đây, hợp tác TMĐT giữa Việt Nam – Trung Quốc phát triển rất nhanh. Năm 2017, Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực TMĐT. Mới đây, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Tập đoàn TMĐT Alibaba đã ký Biên bản hợp tác nhằm hỗ trợ DNVVN Việt Nam xuất khẩu trực tuyến qua sàn TMĐT. Tuy nhiên, thách thức đối với các DN xuất khẩu qua TMĐT vẫn còn lớn, trong đó, hệ thống vận tải, kho hàng, dịch vụ logistics chưa đồng bộ; Nguồn nhân lực và hạ tầng kỹ thuật số chưa đáp ứng cho phát triển; Các rào cản về cơ chế, thủ tục vẫn chưa được giải quyết để tạo điều kiện cho TMĐT xuyên biên giới.
Ông Nông Đức Lai nhấn mạnh, để đẩy mạnh xuất khẩu qua TMĐT cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách liên quan nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho phát triển TMĐT xuyên biên giới. Chú trọng, nâng cao đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển TMĐT nói chung, TMĐT xuyên biên giới nói riêng. Tập trung thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tốt cho TMĐT; Tăng cường hơn nữa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với lĩnh vực chuyển đổi số…