In ấn, kinh doanh trang phục hình tiền Việt Nam có vi phạm pháp luật?
Hình ảnh trang phục in hình tiền được quảng cáo trên mạng xã hội |
Mặc dù đã có những quy định về việc cấm in ấn, sao chụp tiền đồng dưới mọi hình thức nếu không có sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, qua khảo sát của Thoibaonganhang.vn, trong những ngày qua, trên các sàn thương mại, mạng xã hội các bộ quần áo in hình các tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng… đang rất hút khách.
Trong khi đó, đa số người kinh doanh mặt hàng này đều cho biết không nắm được luật nên nghĩ việc in ấn, kinh doanh sản phẩm này là bình thường.
Chị Thu Hiền – một người kinh doanh mặt hàng này chia sẻ, giá bán lẻ hiện tại 200.000 - 250.000 đồng/bộ, nhưng khi lấy số lượng lớn để kinh doanh sẽ giảm chỉ còn 150.000-170.000 đồng/bộ.
“Hiện các bộ quần áo loại này đang được rất nhiều sinh viên và thanh niên mua. Bình quân mỗi ngày tôi bán ra trên 80 bộ, trong đó hơn một nửa số khách hàng đặt trực tuyến và yêu cầu gửi hàng về các tỉnh”, chị Hiền nói.
Lý giải về chuyện vì sao sản phẩm này bán chạy, anh Tùng chủ một trang bán hàng trên mạng xã hội cho biết, đây là sản phẩm khá độc đáo vì bộ quần áo trông như một tờ tiền, màu sắc bắt mắt. Mệnh giá tờ tiền in trên áo càng cao thì người mua tin tưởng sẽ mang lại tài lộc nên được họ lựa chọn, nhất là sau Tết Nguyên đán.
Chia sẻ về hiện tượng này với báo chí, Luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, đây là một hành vi phản cảm với mục đích thương mại và theo pháp luật hiện nay sẽ bị xử lý hành chính. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 3 Quyết định số 130/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam quy định: Nghiêm cấm sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào mà không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.
Do vậy, việc bán các sản phẩm đã nêu sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng (đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tăng gấp đôi).
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu, tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm; buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi nhuận bất hợp pháp có được.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hồng, việc các cá nhân hoặc cơ sở in ấn cố “lách” quy định bằng cách không in hình ảnh Bác Hồ trên quần áo có in hình tiền Việt Nam thì vẫn đủ căn cứ để xử phạt vì đã sử dụng bố cục một phần, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định.