Ngoảnh lại một hành trình
Dự án “Lịch sử đồng tiền Việt Nam - Quá trình hình thành và phát triển” được đánh giá xếp loại xuất sắc | |
Chú trọng bảo tồn, phát huy di sản tiền Việt Nam |
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đồng tiền là chỉ dấu của một quốc gia
Tính từ đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 đến nay, có thể nói, đồng tiền Việt Nam luôn gắn với lịch sử, với chế độ. Nó như một biểu trưng của chế độ, dù trong quá trình lịch sử có rất nhiều biến đổi. Trên đồng tiền đó, hình ảnh chân dung Bác Hồ được thể hiện với rất nhiều phong cách khác nhau, thể hiện tình cảm, sự tinh tế của từng họa sĩ đối với Bác.
Lịch sử có nói tới tiền giấy từ thời nhà Hồ, nhưng thật sự chưa ai nhìn thấy, chỉ đề cập tới trong một thời gian ngắn ở triều đại nổi tiếng về mặt cải cách nhưng cũng là triều đại ngắn ngủi - là có lưu hành tiền giấy. Thời kỳ người Pháp sang đây, ban đầu trong dân gian khi giao thương với các nước bên ngoài, đặc biệt là các quốc gia ngoài Trung Quốc thường dùng những đồng tiền như đồng bạc con cò… Người Pháp khi xác lập Ngân hàng Đông Dương đã giao cho cơ quan này một chức năng vô cùng quan trọng, đó chính là phát hành tiền. Đương nhiên, đồng tiền từ nhà Nguyễn cho tới Bảo Đại có phát hành nhưng chủ yếu là những đồng tiền nhỏ lẻ, chi tiêu trong dân gian chứ chưa tạo ra nền tài chính thực sự.
Từ giả thuyết rất mong manh về tiền giấy ở thời kỳ nhà Hồ, tới tháng 1/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam có tiền giấy. Trong suốt một thời kỳ dài của lịch sử, đồng tiền như biểu trưng của một chế độ, gìn giữ đồng tiền cũng chính là giữ gìn hình ảnh của chế độ. Tiền Việt Nam trải qua 75 năm tồn tại và phát triển, qua nhiều thăng trầm, thậm chí có thời kỳ khá dài phụ thuộc in ấn tiền ở nước ngoài, song khi lịch sử càng sáng tỏ, chúng ta càng tự hào vì một nền tài chính có nhiều biến động, nhưng vẫn giữ vững được, thông qua giá trị của đồng tiền.
Họa sĩ Trần Tiến, nguyên Trưởng phòng thiết kế tiền NHNN: Chất hội họa, chất mỹ thuật thể hiện trên đồng tiền rất rõ
Trong sự nghiệp vẽ tiền của chúng tôi, tất cả đều là những họa sĩ chỉ được đào tạo bài bản ở trường Mỹ thuật, khi chuyển sang nghề vẽ tiền thì phần lớn là học từ những người thầy đi trước, vật lộn với nghề nghiệp nhiều năm thì mới bắt đầu trưởng thành. Trong khi ở các nước phần lớn họ đều là những họa sĩ thiết kế tiền chuyên nghiệp, ngoài hội họa còn được đào tạo kỹ thuật in tiền.
Ngay cả với nhiều họa sĩ như Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến… thế hệ họa sĩ đầu tiên thời kỳ năm 1946 cũng đều là những người vẽ tranh hội họa. Sau khi các vị đó thôi không vẽ tiền nữa, trở về với nghề của mình thì đều trở thành các danh họa nổi tiếng của Việt Nam như: Nguyễn Sáng, Nguyễn Đỗ Cung, Bùi Trang Chước, Lê Phả…
Chúng tôi là thế hệ thứ 3 của những người vẽ tiền Việt Nam, là họa sĩ sơn dầu, sơn mài chuyển tay ngang sang nghề vẽ tiền. Vì vậy, chất hội họa, chất mỹ thuật thể hiện ở trên các đồng tiền rất rõ, đặc biệt là mảng chân dung. Chân dung Bác Hồ được thể hiện trên tiền Việt Nam vô cùng ấn tượng. Mỗi họa sĩ vẽ Bác với phong cách và tình cảm của riêng mình, nên chân dung của Bác rất đa dạng và sinh động. Có khi chỉ vài nét nhưng vẫn nhận thấy được những tình cảm yêu quý của những họa sĩ với Bác Hồ. Trong các bộ tiền, có thể nói, chân dung Bác năm 1946 là một trong những chân dung đẹp và ấn tượng nhất. Sau này, ở những bộ tiền tiếp theo như thời kỳ năm 1963-1964, hay thời kỳ ở bộ tiền Polymer, chân dung Bác cũng được các họa sĩ thể hiện rất đẹp, mang phong cách của một vị lãnh tụ, một ông già chuẩn mực.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Tăng, nguyên Phó trưởng phòng Thiết kế NHNN: Hình ảnh Bác Hồ luôn gắn liền với đồng tiền Việt Nam
Sau Cách mạng tháng Tám đến nay, hình ảnh Bác Hồ luôn gắn liền với đồng tiền Việt Nam. Thời kỳ tiền kháng chiến, tuy máy móc và vật liệu thô sơ nhưng vẫn tạo ra được những đồng tiền như tác phẩm nghệ thuật hội họa có giá trị cao. Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rất phong phú về hình thức, nghệ thuật tạo hình, về dáng dấp cũng như các góc độ. Không chỉ thể hiện được tính lịch sử, chính trị, mà còn thể hiện được niềm tin sắt đá của người dân với vị lãnh tụ kính yêu.
Những chân dung Bác được vẽ sau này, đều là hình ảnh Bác Hồ với dung mạo chuẩn mực của một vị lãnh tụ, với thần thái, nụ cười hiền từ, rạng rỡ. Khi Bác cười, không những khoé miệng mà mắt cũng cười, kể cả chòm râu cũng thấy là đang cười. Họa sĩ phải thể hiện được điều đó mới thể hiện được hình ảnh Bác Hồ gần gũi với nhân dân.
Không phải chỉ ở Việt Nam mà ở các nước cũng vậy, chân dung lãnh tụ vừa thể hiện tính đối nội vừa thể hiện tính đối ngoại. Các nhà thiết kế đầu tư tối đa về chân dung, ở đó vừa có ý nghĩa về chính trị lịch sử vừa có thể cài đặt được nhiều yếu tố chống giả tinh vi, phức tạp. Vì thế khi muốn sao chép hay quét lại chân dung rất khó khăn, do họa sĩ thể hiện nhiều giác độ, nhiều yếu tố chống giả. Nếu có sao chép được thì cũng chỉ ở một mảng nào đó, vì cấp độ tầng thứ trong chân dung rất phong phú và đa dạng. Đó là một đặc điểm của chân dung trên đồng tiền ở nước ngoài cũng như Việt Nam.
TS. Hồ Trọng Minh, Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật: Chân dung Bác Hồ là bảo chứng cho tiền Việt Nam
Đồng tiền là đại diện cho chính thể của một quốc gia. Năm 1945 khi vừa thành lập nước, Chính phủ đã có chủ trương in tiền, song lúc đó chúng ta chỉ còn 1 triệu tiền Đông Dương. Vậy lấy gì để làm bảo chứng? Lúc bấy giờ, chính bác Phạm Văn Đồng là người đề xuất lấy hình ảnh Bác Hồ làm chân dung đại diện. Từ đó, chân dung Bác Hồ là chân dung duy nhất tồn tại trên đồng tiền Việt Nam, là bảo chứng cho tiền Việt Nam, bất luận là vấn đề chính trị, kinh tế hay tài chính. Chân dung đó phải thể hiện được thần thái, tinh thần của Bác.
Nói về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là nói tới một số điểm: Thứ nhất, đây là chân dung duy nhất tồn tại xuyên suốt trên đồng tiền Việt Nam. Ở Úc có đồng tiền in hai chân dung, ở Nga có những đồng tiền in cả chân dung Lênin và chân dung Stalin, đồng tiền Trung Quốc có in một vài chân dung… Điều đó càng cho thấy vị trí, vai trò của chân dung Bác Hồ đối với đồng tiền Việt Nam là rất quan trọng. Thứ hai, theo dòng thời gian, chân dung, thần thái của Bác cũng có sự thay đổi, đó là sự thay đổi vô cùng phong phú, thể hiện vai trò, cách nhìn nhận, thẩm mỹ của họa sĩ.
Ông Bùi Công Lư, nguyên Giám đốc Nhà máy in tiền: Lịch sử ngành in tiền Việt Nam rất hào hùng
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cuối năm 1945 những đồng tiền của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được bí mật in tại Ấp Thái Hà, Hà Nội. Trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chỉ với máy móc, vật tư thô sơ, nhưng các nhà máy in tiền ở khắp Bắc, Trung, Nam từ các nhà máy đầu tiên ở Hà Nội, Khánh Thi, Tuyên Quang, tới các cơ sở in tiền ở Hương Khê, Hà Tĩnh, thậm chí cả trong rừng U Minh, Cà Mau, dù ở đâu, ngành in tiền cũng đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng tiền cho công cuộc kháng chiến. Đây có thể xem là giai đoạn hùng tráng chói lọi của lịch sử ngành in tiền Việt Nam, lần đầu tiên kể từ thời nhà Hồ, người Việt Nam tự in được đồng tiền giấy của mình trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn.
Đến năm 1951, ngành Ngân hàng được thành lập và thực hiện nhiệm vụ in và phát hành tiền. Từ năm 1951 đến trước năm 1991, tất cả những cơ sở in tiền của Ngân hàng chỉ có công nghệ in offset thương mại nên chỉ in những đồng tiền có mệnh giá thấp. Giai đoạn này, in những đồng tiền mệnh giá cao, đòi hỏi kỹ thuật cao chúng ta phải nhờ vào sự giúp đỡ của các nước trong phe XHCN.
Đến năm 1980 tình hình chính trị phe XHCN có nhiều bất ổn, nhận định việc in tiền mà dựa vào các nước XHCN sẽ có nhiều rủi ro, không đảm bảo an ninh tiền tệ, nên Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xây dựng một nhà máy in tiền mới có khả năng in tất cả các loại mệnh giá tiền. Chính vì vậy, đến năm 1984 dự án xây dựng nhà máy in tiền mới có mật danh là K84 được Chính phủ phê duyệt.
Mặc dù tự in tiền có hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với thuê nước ngoài in, nhưng chi phí ban đầu để xây dựng một nhà máy in tiền là rất tốn kém, bởi máy móc thiết bị in tiền thuộc loại công nghệ cao, đặc biệt, lúc bấy giờ trên thế giới chỉ có một hãng duy nhất chế tạo, trong khi nền kinh tế của nước ta những năm trước năm 1990 vô cùng khó khăn, nền tảng công nghệ thấp kém. Song nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của sự độc lập, tự chủ trong việc in tiền nên Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà máy.
Năm 1991, NHNN Việt Nam đã hoàn thành xây dựng công trình mang mật danh K84 này. Và ngày 22/4/1991, Nhà máy In tiền Quốc gia chính thức được thành lập. Sau 46 năm kể từ khi thành lập nước, chúng ta đã xây dựng được một nhà máy in tiền hiện đại ngang tầm thế giới. Và cũng lần đầu tiên, chúng ta hoàn toàn chủ động trong thiết kế, in ấn, phát hành tiền, không chỉ đảm bảo an ninh và chủ quyền về tiền tệ mà còn đánh dấu sự thay đổi mang tính đột biến rất đáng tự hào của ngành in tiền Việt Nam. Việc thành lập Nhà máy in tiền Quốc gia được nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đánh giá là một việc làm vô cùng sáng suốt và thắng lợi của Nhà nước ta.
Nhờ có nhà máy in tiền hiện đại với công nghệ thiết bị tiên tiến và năng lực làm chủ công nghệ ngày càng hoàn thiện, mà năm 2003, chúng ta đã tiếp nhận thành công công nghệ in tiền polymer và cho ra đời được bộ tiền polymer – một bộ tiền mà cho đến nay gần 20 năm phát hành, lưu thông, có thể đánh giá là ưu việt vượt trội so với tiền giấy cotton cả về hiệu quả kinh tế lẫn giá trị thẩm mỹ, độ bền và tính bảo mật, bảo an. Thành công về in tiền polymer là mốc son tự hào của ngành in tiền, đánh dấu bước phát triển về làm chủ công nghệ, chúng ta có khả năng in tiền trên cả chất liệu cotton và chất liệu polymer.
Trung tướng Vũ Hải Triều, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an: Kể từ lúc in bộ tiền polymer, vấn nạn tiền giả gần như được chấm dứt
Đảm bảo an ninh tiền tệ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của an ninh quốc gia. An ninh tiền tệ có 2 mục tiêu chính, đó là: đảm bảo năng lực in, phát hành tiền và bảo vệ đồng tiền, chống tiền giả.
Việc nhà nước đầu tư xây dựng Nhà máy In tiền có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh tiền tệ. Có rất nhiều yếu tố an ninh tiền tệ xung quanh lĩnh vực in và phát hành tiền. Và chỉ khi có Nhà máy In tiền thì chúng ta mới thực sự chắc chắn có chủ quyền về tài chính để có thể chủ động đáp ứng yêu cầu về số lượng tiền cho lưu thông, dự trữ, cũng như kiểm soát được chặt chẽ lượng tiền in, phát hành, lưu thông, phục vụ đắc lực cho điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước. Có Nhà máy In tiền chúng ta mới có thể chủ động trang bị các yếu tố bảo an chống tiền giả cho đồng tiền, qua đó làm chủ công tác chống tiền giả từ khâu thiết kế, in ấn đến công tác bảo vệ của lực lượng công an.
Như trên đã đề cập, bảo vệ hoạt động in tiền và chống tiền giả là một trong các nhiệm vụ bảo vệ an ninh tiền tệ của lực lượng công an. Hoạt động in tiền luôn được đặt dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng công an, từ khi xây dựng đến quá trình vận hành nhà máy, từ cá nhân đến tổ chức tham gia các hoạt động liên quan đến in tiền đều được kiểm tra, giám sát. Và bảo vệ đồng tiền, chống tiền giả là nhiệm vụ của lĩnh vực kỹ thuật thiết kế, in ấn đồng tiền và lĩnh vực nghiệp vụ của lực lượng an ninh, trong đó lĩnh vực kỹ thuật thiết kế, in ấn là then chốt. Do đó, cuộc đấu tranh chống tiền giả phải kết hợp giữa cơ quan an ninh với ngành Ngân hàng thì mới làm được.
Có thể nói, tiền giả là vấn nạn ở bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt. Cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, hoạt động sản xuất tàng trữ vận chuyển và tiêu thụ tiền giả đã và đang có những diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt. Công tác đấu tranh chống tiền giả, bảo vệ đồng tiền Việt Nam luôn là một trong những nhiệm vụ cấp bách được đặt ra.
Nhất là giai đoạn sử dụng tiền cotton, công cuộc đấu tranh chống tiền giả vô cùng khó khăn, nan giải. Khi đó lực lượng Công an đã phải huy động rất lớn nguồn lực chuyên chống tiền giả, song hiệu quả vẫn rất thấp. Đánh dấu sự thay đổi lớn nhất về tiền tệ theo tôi là vào năm 2003, khi chúng ta thay đổi chất liệu giấy in tiền, chuyển từ giấy chất liệu cotton sang giấy chất liệu polymer, vấn nạn tiền giả đã giảm hẳn. Đặc biệt lần đầu tiên chúng ta có mệnh giá cao là 500 nghìn đồng. Với việc áp dụng 11-15 yếu tố bảo an trên các đồng tiền polymer đã giúp cho đồng tiền chúng ta được đảm bảo an ninh, an toàn, thậm chí đồng polymer hiện nay, yếu tố bảo an còn cao hơn cả một số đồng tiền mạnh trên thế giới. Chưa kể về tuổi thọ đồng polymer có thời gian sử dụng rất dài, trong khi đồng cotton chỉ dùng được vài ba năm.
Bà Phạm Quỳnh Hương, TS. xã hội học: Phản ứng của người dân với đồng tiền polymer là khá tích cực
Ngay từ khi bộ tiền polymer ban hành, xã hội có nhiều phản ứng trái chiều, ủng hộ cũng có, chê cũng có. Có ý kiến trái chiều là do có yếu tố mới, mà tiếp cận với cái mới thì người dân có tâm lý e ngại sợ tiền giả, chưa kể thói quen tiêu dùng tiền cũ đã thành nếp. Bằng phương pháp điều tra khoa học và khách quan, chúng tôi đã tiến hành các cuộc khảo sát để xem ý kiến của người dân đối với đồng tiền mới polymer như thế nào.
Nhìn chung, đánh giá của người dân khá là tốt với đồng tiền polymer. Đặc biệt đối với người bán hàng, kinh doanh, họ thích đồng tiền polymer hơn bởi kiểm đếm bằng máy dễ dàng và có thể cất giữ, vận chuyển với khối lượng lớn mà vẫn gọn nhẹ. Dù người dân ít ai thực sự hiểu được câu chuyện về bảo an, họ chỉ quan tâm tới giá trị sử dụng: độ dễ/khó rách, độ dễ/khó nhàu nát, độ dễ/khó rã mủn, độ sạch, độ mới, chịu tác động của môi trường, độ an toàn với sức khoẻ con người…
Theo tôi, nên truyền thông rộng rãi hơn về tiền, in tiền, phát hành tiền để giúp người dân hiểu biết các vấn đề liên quan tiền, bảo vệ đồng tiền, phòng chống tiền giả, tin tưởng vào đồng tiền Việt Nam.
Lời Tòa soạn: Ngành Ngân hàng Việt Nam đang hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày sinh của mình (06/05/1951- 06/05/2021). Đó là khoảng thời gian hệ thống ngân hàng đã hòa nhịp cùng đất nước với biết bao thăng trầm, dựng xây và phát triển, ngày càng hội nhập sâu rộng và vững chắc vào nền kinh tế thế giới. Ngay sau khi được thành lập, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức phát hành bộ tiền đầu tiên mang tên: Bộ tiền Ngân hàng Quốc gia Việt Nam 1951 – 1958. Ngược dòng lịch sử, nếu tính cả bộ tiền đầu tiên do Bộ Tài chính phát hành năm 1946 và bộ tiền Polymer đang lưu hành, thì đến nay, Việt Nam chúng ta đã phát hành tất cả 6 bộ tiền. 75 năm với 6 bộ tiền. Có thể nói, gắn với con số 6 tưởng đơn giản, khô khan ấy là cả một bề dày lịch sử với biết bao câu chuyện, cũng như bao thành tựu đáng tự hào. Trong 6 bộ tiền đó, có một điều bất biến làm nên bản sắc văn hóa của đồng tiền Việt Nam, ấy là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Dù là in ở thời kỳ nào, trên chất liệu, công nghệ gì, mệnh giá bao nhiêu thì hình ảnh Bác với các góc nhìn, cách thể hiện, thần thái luôn được các họa sĩ tập trung miêu tả với tất cả trí tuệ và tâm hồn thành kính nhất. Nhân dịp hướng tới 70 năm thành lập ngành Ngân hàng và 75 năm đồng tiền đầu tiên của Việt Nam được phát hành, để giúp bạn đọc hiểu thêm về các giá trị lịch sử cũng như những giá trị nghệ thuật, giá trị bảo an, bảo mật... của đồng tiền Việt Nam vốn ít người được biết đến, Thời báo Ngân hàng xin trân trọng giới thiệu một số chia sẻ của những nhân chứng lịch sử một thời... |