OCOP mở ra nhiều cơ hội cho sản xuất nông nghiệp
Vốn ngân hàng chắp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa | |
OCOP: Cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân và kinh tế hợp tác xã | |
Tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP: Giao thương trực tuyến phát huy thế mạnh |
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được tỉnh Kon Tum triển khai gần 3 năm qua. Khoảng thời gian đó, không phải ngắn và cũng không quá dài đối với một chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp. Song thực tế cho thấy, chương trình được triển khai trong thời gian qua đã mở ra nhiều cơ hội cho nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ cá thể mạnh dạn đầu tư xây dựng các sản phẩm có thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Chương trình này ngày càng thu hút được nhiều DN, HTX, hộ cá thể tham gia, với nhiều sản phẩm có chất lượng...
Ảnh minh họa |
Sau gần 3 năm triển khai OCOP, tỉnh Kon Tum có 148 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao cấp tỉnh, vượt xa so với mục tiêu của giai đoạn 2018-2020. Có được kết quả đó là nhờ việc tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về chương trình OCOP. Qua đó, DN, HTX, các hộ cá thể hiểu đúng về quan điểm, định hướng của của chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp về chương trình OCOP, gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với cộng đồng.
Để tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia vào OCOP, chính quyền địa phương đã tập trung tăng cường hỗ trợ để nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc…đảm bảo theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tạo cơ sở, động lực thúc đẩy việc thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp; ưu tiên xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững…
Song song với đó, việc đa dạng hóa kênh phân phối, quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương đến với người tiêu dùng cũng được quan tâm. Sở Công thương tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng OCOP trên địa bàn. Cùng với đó, xây dựng sàn thương mại điện tử của tỉnh Kon Tum và hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP bán hàng qua các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada… Ngành Công thương địa phương còn tạo điều kiện và kết nối để DN, HTX có sản phẩm OCOP tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm trong và ngoài địa phương để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với đối tác và người tiêu dùng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp, OCOP là chương trình quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, thực hiện một số mục tiêu về xây dựng nông thôn mới. Việc triển khai thực hiện mục tiêu cả giai đoạn 2021- 2025, toàn tỉnh Kon Tum phấn đấu có từ 10 sản phẩm cấp quốc gia, đòi hỏi sự nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp cũng như sự nỗ lực của các chủ thể.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ông Nguyễn Hữu Tháp nhấn mạnh, các sở, ban, ngành, UBND các địa phương và các chủ thể sản phẩm OCOP cần có giải pháp nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm; phát triển mạnh các sản phẩm OCOP mang tính lợi thế so sánh và sử dụng lao động địa phương; xây dựng vùng nguyên liệu ổn định và xây dựng chuối liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ… Qua đó, phát triển sản phẩm OCOP của Kon Tum ngày càng nhiều, có chất lượng, đủ khả năng cạnh tranh trên cả nước và quốc tế...