Khai thác thủy sản bền vững
Kiểm dịch vẫn làm khó thủy sản xuất khẩu | |
Ngành thủy sản sẵn sàng thoát thẻ vàng |
Đây là chuyến thị sát quan trọng của EC, để quyết định có gỡ “thẻ vàng” đối với khai thác thủy sản của Việt Nam hay không. Được biết, các cuộc làm việc của EC sẽ được tiến hành độc lập, không báo trước và cũng không công bố lịch trình.
Việt Nam đang nỗ lực để xóa “thẻ vàng” của EC với thủy sản xuất khẩu |
Trước đó, ngày 23/10/2017 EC đã cảnh cáo “thẻ vàng” đối với thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Hệ lụy của việc cảnh cáo, đã khiến các thị trường khác cũng áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với thủy sản xuất xứ từ Việt Nam.
Đặc biệt, nếu không có những biện pháp cải thiện, trong vòng 6 tháng sau khi bị phạt cảnh cáo “thẻ vàng” sẽ bị chuyển sang “thẻ đỏ” chính thức. Điều này đồng nghĩa với bị việc cấm xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU. Trong khi, đây vốn là một trong những thị trường nhập khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam trong nhiều năm qua.
Bởi, thị trường châu Âu đang là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của sản phẩm thuỷ sản xuất xứ từ Việt Nam. Trong 5 năm gần đây, thị trường EU đã chiếm gần 20% tổng số xuất khẩu thủy sản, ổn định mức 1,3 đến 1,7 tỷ USD mỗi năm, với các mặt hàng chủ lực như, tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc…
Được biết, thời gian gần đây EU đã và đang tăng cường các biện pháp nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU). Từ năm 2010, EU đã yêu cầu tất cả các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào thị trường này đều phải có chứng nhận khai thác, có thông tin về các loài, vị trí khai thác, tàu cá, ngày khai thác và bất kỳ hoạt động trung chuyển... Trường hợp sản phẩm bị nghi ngờ là IUU, các quốc gia thành viên EU có thể từ chối nhập khẩu.
Trong thời gian qua, để sớm thoát khỏi “thẻ vàng”, Việt Nam đã có những nỗ lực, thực hiện 9 khuyến nghị mà Ủy ban châu Âu khuyến cáo Việt Nam cần khắc phục để được chuyển về “thẻ xanh”.
Theo đó, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện khung pháp lý thông qua việc đưa các nội dung khuyến nghị của EC vào dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi. Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU; Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác trái phép ở Vùng biển nước ngoài...
Trên thực tế khai thác thủy hải sản, kể từ khi EC rút “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam, số lượng tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản trái phép ở các địa phương cũng đã giảm rõ rệt. Nhiều giải pháp kỹ thuật về kiểm soát tàu thuyền, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản được tăng cường, để đáp ứng các khuyến nghị của EC về khai thác thuỷ sản một cách bền vững.
Tại các địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền, ngăn cấm việc khai thác thủy sản bất hợp pháp cho bà con ngư dân. Đồng thời, định hướng chuyển đổi nghề cho ngư dân nếu không khai thác đúng quy định. Trong đó, Quảng Nam là một trong những địa phương phát triển mạnh về khai thác thủy hải sản. Tỉnh hiện có hơn 1.600 phương tiện đánh bắt xa bờ, với sản lượng khoảng 800 nghìn tấn hải sản/năm... Nỗ lực để được chuyển về “thẻ xanh”, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của EC.
Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh là cơ quan thường trực, điều phối và chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến; Kiểm tra tàu cá khi cập bến; Đặc biệt là tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trong khi khai thác hải sản trên biển qua hệ thống liên lạc có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS.
Bên cạnh, các cơ quan chức năng ở địa phương cũng đã tăng cường phối hợp nhằm phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm các quy định pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Trong đó, tập trung xử lý nghiêm trình trạng sử dụng chất nổ để khai thác thuỷ sản, vi phạm về đánh bắt sai vùng biển quy định, khai thác giã cào ven bờ theo kiểu tận diệt, kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định. Các lực lượng chủ lực, như cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, lực lượng kiểm ngư, ban quản lý cảng cá, ngành thủy sản ở địa phương... cũng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.
Theo nhiều người, với việc “dính” “thẻ vàng” từ EC cũng là cơ hội để ngành thủy sản, ngư dân, các cơ quan chức năng có những biện pháp để khai thác thủy sản một cách có trách nhiệm hơn. Đây cũng có thể là bước ngoặt để cải thiện, nâng chất nghề thủy sản theo hướng bền vững hơn trong thời gian đến.