Ngành thủy sản sẵn sàng thoát thẻ vàng
Để thủy sản Việt không bị nước ngoài trả về | |
Thách thức vẫn hiện hữu |
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 5/2018 các đoàn công tác của Liên minh châu Âu (EU) sẽ sang Việt Nam để làm việc, kiểm tra tình hình ngành thủy sản Việt Nam triển khai thực hiện việc chống khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Ảnh minh họa |
Trên cơ sở đó, tháng 6/2018, EU sẽ đưa ra quyết định tiếp theo là rút thẻ vàng, giữ thẻ vàng, hay nâng lên thành thẻ đỏ đối với thuỷ sản Việt Nam. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng khi sáu tháng qua, tại thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là EU, kim ngạch xuất khẩu đã giảm hơn 50%.
Tới đây, phái đoàn Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang làm việc với các cơ quan liên quan của Việt Nam về vấn đề IUU. Đoàn công tác sẽ chia làm 2 đoàn, một đoàn kỹ thuật và một đoàn cấp cao là lãnh đạo DG-MARE. Đoàn công tác kỹ thuật sẽ làm việc lần lượt với Tổng cục Thủy sản và các cơ quan liên quan, sau đó sẽ tiến hành đi thực địa tại một số tỉnh để kiểm tra thực chất về tình hình triển khai chống khai thác IUU.
Trên cơ sở các hồ sơ của Việt Nam cũng như kết quả kiểm tra tại các địa phương, đoàn sẽ có báo cáo về tình hình triển khai chống khai thác IUU của Việt Nam để gửi cho lãnh đạo DG-MARE cũng như các cơ quan liên quan của EU. Như vậy, báo cáo đánh giá của DG-MARE sau chuyến làm việc tại Việt Nam vào tháng 5/2018 là cơ sở rất quan trọng để EU cân nhắc đưa ra quyết định tiếp theo cho thủy sản Việt Nam.
Hiện nay, Tổng cục Thủy sản Việt Nam đã hoàn tất việc gửi toàn bộ các hồ sơ liên quan tới IUU mà Việt Nam đã triển khai thời gian qua, song song với các dự thảo Nghị định thi hành Luật Thủy sản (có hiệu lực từ tháng 9/2018) cho DG-MARE, để cơ quan này nghiên cứu về các hành lang pháp lý trong thực thi IUU mà Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Trưởng Ban Điều hành IUU (thuộc Vasep) cho biết, sự chuẩn bị của Việt Nam thời gian qua là tích cực, các cơ quan chức năng đã duy trì liên kết những đoàn công tác đi kiểm tra 28 tỉnh, thành phố ven biển để hướng dẫn, rà soát công tác triển khai IUU.
Đặc biệt, là việc chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác và việc quản lý, khai thác tại cảng. Tổng cục Thủy sản cũng đã thành lập văn phòng riêng để lưu giữ hồ sơ, dữ liệu về tình hình thực hiện IUU từ trung ương đến địa phương. Về phía DN ngành thủy sản, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện IUU.
Cụ thể như quy định DN vừa tổ chức thu mua hải sản, chế biến xuất khẩu, vừa thực hiện luôn việc thu thập nhật ký từng tàu cá là rất mất thời gian, thêm nhân lực, đôi lúc xác nhận trễ, khó lập hồ sơ xuất khẩu lô hàng đó. Cùng với đó, phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân Việt còn chưa được hiện đại hóa tốt (phương tiện hiện đại chỉ chiếm 23%). Trang thiết bị sử dụng trên tàu đánh bắt thủy sản còn thô sơ, thậm chí không đảm bảo các quy định.
Theo bà Cao Thị Kim Lan, thành viên Ban điều hành IUU và Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, một điểm đặc biệt quan trọng là thực trạng vệ sinh an toàn tàu cá. Đến nay, ngành thủy sản vẫn chưa có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho tàu cá, cộng với điều kiện vệ sinh tại các cảng cá cũng chưa được chú trọng đã gây khó khăn cho DN thu mua.
Vì vậy, các DN kiến nghị, ngành chức năng phải có giải pháp bắt buộc ngư dân tham gia cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, cải thiện cơ sở hạ tầng cảng cá và yêu cầu ngư dân cập cảng, để DN thuận tiện trong thu mua sản phẩm đảm bảo chất lượng, nhằm thực hiện tốt các bước quản lý hồ sơ theo yêu cầu IUU.
Đến tháng 6/2018 Chủ tịch Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu cũng sẽ tới kiểm tra, đánh giá về thực thi chống khai thác IUU của Việt Nam. Đây là chuyến làm việc rất quan trọng, để EU đưa ra quyết định tiếp theo cho thủy sản Việt Nam.
Là chủ một DN xuất khẩu thủy sản, bà Cao Thị Kim Lan khẳng định, DN Việt phải tham gia tích cực thực hiện IUU, bởi khi bị phạt thẻ vàng tại các thị trường lớn như EU và Hoa Kỳ, thì những mặt hàng nông sản thế mạnh khác của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các nước nhập khẩu sẽ nâng mức kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm lên cao hơn, khó khăn càng lớn cho cả ngành nông nghiệp trong nước, chứ không riêng đánh bắt thủy sản.