Khẳng định vai trò chuyển mạch tài chính và xây dựng hạ tầng thanh toán
Thúc đẩy triển khai thanh toán dịch vụ công, gia tăng tiện ích cho người dân | |
Mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn |
ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc NAPAS |
Những con số giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng cả về số lượng và giá trị trong thời gian qua đang cho thấy lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn tiếp tục đà tăng trưởng của những năm gần đây. Kết quả đó đã khẳng định sự nỗ lực của Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và các thành viên trong việc cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính và xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia với đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi, hiện đại cho thị trường. Xung quanh nội dung này, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Minh – Tổng Giám đốc NAPAS.
Với một năm mà nền kinh tế nói chung và hoạt động tài chính - ngân hàng nói riêng khá sôi động, ông có thể chia sẻ một số kết quả tiêu biểu đã đạt được về hạ tầng thanh toán và các sản phẩm, dịch vụ trọng tâm của NAPAS?
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NAPAS đã và đang tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên (TCTV) triển khai các phương thức thanh toán hiện đại cung cấp cho người dùng và phục vụ các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
Tổng số lượng và giá trị giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS trong năm 2022 tăng trưởng tương ứng 95% và 86% so với năm 2021. Giao dịch thanh toán thẻ nội địa qua POS của năm 2022 tăng 26% so với năm 2021. Đây cũng là tín hiệu cho thấy người dân đang ngày càng quen thuộc và ưa chuộng hình thức thanh toán thẻ NAPAS.
Cùng với đó, tổng số lượng các giao dịch chuyển nhanh NAPAS 247 trong năm 2022 tăng gấp 2,18 lần so với năm 2021 và chiếm 85% tổng giao dịch thực hiện qua NAPAS. Dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR cũng có sự tăng trưởng ấn tượng và ổn định với 167 triệu giao dịch của năm 2022, mức tăng trung bình hàng tháng đạt 49% về số lượng và hơn 29% về giá trị giao dịch.
Trong năm 2022, NAPAS đã hoàn thành kết nối liên thông chuyển tiền giữa tài khoản thanh toán tại Ngân hàng và tài khoản Mobile Money với 2 nhà mạng Viettel, VNPT và triển khai ứng dụng thanh toán bằng mã VietQR trên cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, NAPAS đã mở rộng 13 TCTV mới tham gia triển khai dịch vụ thanh toán vé xe buýt điện Vinbus bằng thẻ NAPAS cho người dân tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Để mở rộng kết nối quốc tế, NAPAS đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty thẻ BC Card, Hàn Quốc về thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân hai nước, cho phép chủ thẻ NAPAS của 20 ngân hàng có thể thuận tiện rút tiền/ thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại Hàn Quốc, qua đó mang đến nhiều lợi ích cho người dân khi du lịch hay công tác nước ngoài.
Ông vừa chia sẻ về sự phối hợp giữa NAPAS và các tổ chức thành viên trong thời gian qua. Vậy, vai trò của NAPAS như thế nào đối với việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ ra thị trường?
Vai trò của NAPAS là xây dựng hạ tầng tầng thanh toán quốc gia và cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. Mạng lưới TCTV của chúng tôi gồm hệ thống các ngân hàng, công ty tài chính, trung gian thanh toán, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Trên cơ sở NAPAS xây dựng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ với nhiều tiện ích và chi phí hợp lý như các dòng sản phẩm thẻ thanh toán (thẻ ghi nợ, thẻ trả trước, thẻ tín dụng nội địa, thẻ kép đa tính năng), dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247, VietQR...., các TCTV đã cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đó đến với mọi người dân, từ thành thị đến khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần thúc đẩy thói quen chi tiêu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân và phổ cập tài chính toàn diện.
Không những thế, người dân còn được trải nghiệm thanh toán dễ dàng, nhanh chóng khi ra nước ngoài với thẻ và mã QR mang thương hiệu Việt Nam. Đây là những nỗ lực của NAPAS trong tăng cường kết nối quốc tế với nhiều các tổ chức thẻ quốc tế, các tổ chức thanh toán quốc gia...
Dịch vụ Chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR do NAPAS phối hợp với các ngân hàng triển khai |
Bên cạnh sự tiện lợi, người dân luôn quan tâm tới sự an toàn trong các giao dịch thanh toán – nhất là vào những dịp Lễ, Tết khi số lượng giao dịch tăng đột biến. Vậy NAPAS có những giải pháp nào để tạo sự yên tâm cho người sử dụng dịch vụ?
Hệ thống NAPAS luôn đảm bảo an ninh, an toàn kể cả khi số lượng và giá trị giao dịch có sự gia tăng đột biến. Chỉ số cam kết chất lượng dịch vụ (SLA) đối với các dịch vụ chuyển mạch ATM/POS; thanh toán thẻ trực tuyến và dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 trong năm 2022 đều đạt 99.995%.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247, NAPAS đã chủ động ứng dụng các hệ thống công nghệ, tối ưu hóa các quy trình nâng cao năng lực giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống và nhanh chóng phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Đối với các giai đoạn cao điểm như dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán, NAPAS luôn có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng về hệ thống và nguồn lực. NAPAS đã rà soát, cập nhật, nâng cấp hệ thống; xây dựng phương án, kịch bản ứng cứu sự cố và dự phòng cho các hệ thống thông tin quan trọng; tăng cường nhân sự liên tục trực 247 để sẵn sàng hỗ trợ các TCTV.
Ông có thể nhận định gì về xu hướng ứng dụng công nghệ trong các sản phẩm, dịch vụ thanh toán cho những năm tới?
Công nghệ thanh toán đang ngày càng phát triển theo xu hướng dễ ứng dụng và thuận tiện hơn. Có thể kể đến các công nghệ điển hình như thanh toán chạm – contactless, QR, thanh toán di động.
Để chuẩn bị tốt cho xu hướng tương lai, NAPAS đã nghiên cứu đánh giá các xu hướng công nghệ trong khu vực và thế giới, cũng như tình hình thị trường của Việt Nam để sớm đầu tư xây dựng sẵn nền tảng hạ tầng, dịch vụ nhằm cung cấp các sản phẩm một cách nhanh chóng cho các thành viên, đối tác.
Bên cạnh đó, NAPAS tập trung và tối ưu hóa thế mạnh về mạng lưới kết nối rộng khắp của mình, từ đó phát triển các dịch vụ thanh toán tiện lợi hướng tới phục vụ đa dạng các đối tượng người dùng và nhu cầu.
Với xu hướng nói trên, NAPAS đã có kế hoạch, định hướng triển khai các hoạt động gì trong năm 2023, thưa ông?
Trước hết, NAPAS luôn nỗ lực hoàn thành tốt công tác đảm bảo bảo vận hành hạ tầng thanh toán ổn định, an toàn và thông suốt trong mọi thời điểm, đồng thời triển khai các giải pháp phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, tối ưu cho người dùng và hỗ trợ các hoạt động kinh tế số.
Tiếp theo việc triển khai thành công với hai ngân hàng đầu tiên là MB và VIB, trong năm thời gian tới, NAPAS sẽ phối hợp triển khai mở rộng dịch vụ Tap to phone ra thị trường. Dịch vụ này cho phép sử dụng thiết bị di động (điện thoại/ máy tính bảng) thay cho máy POS truyền thống để chấp nhận thanh toán dòng sản phẩm thẻ chip không tiếp xúc.
Trong kế hoạch của chúng tôi cũng sẽ tiếp tục mở rộng các ngân hàng và công ty tài chính tham gia phát hành thẻ tín dụng nội địa, tăng cường mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán để cung cấp phương tiện thanh toán thuận tiện, an toàn, bên cạnh là kênh tiếp cận tín dụng chính thống hỗ trợ người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Ngoài ra, NAPAS tiếp tục mở rộng hệ sinh thái thanh toán số trong các lĩnh vực như giao thông, giáo dục, y tế, dịch vụ công...; thúc đẩy mở rộng kết nối thanh toán với nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia,... để gia tăng tiện ích cho người dùng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán.
Đặc biệt, NAPAS đang nghiên cứu triển khai nền tảng tập trung nhằm kết nối trao đổi thông tin giữa ngân hàng và các bên thứ ba phục vụ việc áp dụng giao diện lập trình ứng dụng ngân hàng mở trong ngành ngân hàng. Đây là một xu hướng quan trọng của ngành ngân hàng trên thế giới trong các năm tới, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các dịch vụ thanh toán, tài chính số sâu rộng trong toàn xã hội.
Thông qua các nhiệm vụ triển khai trong năm 2023, NAPAS mong muốn tiếp tục mang đến các sản phẩm, dịch vụ thanh toán tiện ích, an toàn, dễ sử dụng cho người dân, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập tài chính toàn diện, hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn ông!