Khi nền kinh tế Trung Quốc “khựng lại”
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không như kỳ vọng Kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều khó khăn |
Xu hướng tăng trưởng thấp dần
Bất chấp nhiều vấn đề như căng thẳng trên thị trường bất động sản, chi tiêu yếu và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao, hầu hết các nhà kinh tế đều tin rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng chính thức khoảng 5% trong năm nay. Nhưng con số đó vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình hàng năm trên 6% trong thập kỷ trước khi xuất hiện đại dịch Covid và năm 2024 có vẻ càng đáng ngại khi Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu phải đối mặt với nhiều thập kỷ trì trệ sau đó.
Derek Scissors, chuyên gia cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ cho biết: “Thách thức trong năm 2024 đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ là hướng tăng trưởng đi xuống”. Chuyên gia này cảnh báo rằng, nếu không có những cải cách thị trường lớn, Trung Quốc có thể mắc kẹt trong “Bẫy thu nhập trung bình”, khái niệm để mô tả việc các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh chóng trong thoát nghèo, nhưng sau đó bị mắc kẹt tại đó trước khi tiến lên được trạng thái thu nhập cao. Trong nhiều thập kỷ kể từ khi “mở cửa trở lại với thế giới” vào năm 1978, Trung Quốc luôn là một trong những nền kinh tế lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Từ năm 1991 đến năm 2011, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm là 10,5%; giai đoạn 2012 – 2021, tốc độ tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn ở mức trung bình 6,7% năm.
Nhân khẩu học dự báo là vấn đề lớn với nền kinh tế Trung Quốc những năm tới |
“Từ nửa cuối thập niên 2020 sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại”, ông Derek Scissors nhận định, dẫn ra sự điều chỉnh trong lĩnh vực bất động sản hiện đang gặp khó khăn cùng với sự bất ổn về nhân khẩu học và các vấn đề về cơ cấu ngày càng gia tăng. IMF cũng trở nên bi quan hơn về triển vọng dài hạn của nền kinh tế này. Vào tháng 11 vừa qua, IMF dự kiến tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đạt 5,4% vào năm 2023, sau đó sẽ giảm dần, xuống 3,5% vào năm 2028 trong bối cảnh có nhiều trở ngại từ năng suất yếu đến dân số già hóa.
Theo một số chuyên gia, các thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay không phải xảy ra “chỉ sau một đêm” mà là cả quá trình dài trước đó với các vấn đề về cơ cấu ngày càng bộc lộ rõ. Như Logan Wright, Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group, nhận định: “Sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc mang tính cấu trúc, gây ra bởi sự kết thúc của việc mở rộng tín dụng và đầu tư chưa từng có trong thập kỷ qua”. Theo chuyên gia này, hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ không thể tạo ra mức tăng trưởng tín dụng như những năm trước đây. Tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong khi giá tiêu dùng thường xuyên ở mức yếu trong hầu hết năm 2023 do nhu cầu yếu và xuất hiện nguy cơ xảy ra vòng xoáy giảm phát.
Cùng với đó, những khó khăn trên thị trường bất động sản ngày càng sâu sắc. Doanh số bán nhà sụt giảm đã đẩy một số nhà phát triển bất động sản Country Garden đến bờ vực sụp đổ. Các chính quyền địa phương cũng đang gặp khó khăn về tài chính sau 3 năm chi tiêu vì Covid và doanh số bán đất sụt giảm. Một số thành phố gặp khó khăn trong trả nợ và phải cắt giảm các dịch vụ cơ bản hoặc giảm trợ cấp y tế cho người cao tuổi. Trong quý 3/2023, thước đo đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã lần đầu tiên ở mức âm kể từ năm 1998.
Liệu có nối tiếp bước chân của Nhật Bản?
Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, một số nhà kinh tế đã so sánh Trung Quốc hiện nay với Nhật Bản trước đây - quốc gia đã trải qua hai “thập kỷ mất mát” với tăng trưởng GDP trì trệ và tình trạng giảm phát sau khi bong bóng bất động sản vỡ vào đầu những năm 1990. Nhưng chuyên gia Derek Scissors không nghĩ mọi chuyện sẽ diễn ra như vậy, ít nhất là không phải ngay lập tức. “Những năm còn lại của thập kỷ 2020 sẽ không giống như một “thập kỷ mất mát”, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ duy trì ở mức trên 0%”, ông Derek Scissors nhận định. Tuy nhiên, về lâu dài, vấn đề lớn nhất lại có thể là việc già hóa và giảm dân số. Năm ngoái, dân số Trung Quốc giảm xuống còn 1,411 tỷ người, đánh dấu mức giảm đầu tiên kể từ năm 1961.
Nhân khẩu học có thể có tác động đáng kể đến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Sự sụt giảm nguồn cung lao động và tăng chi tiêu y tế và xã hội (các yếu tố chính do dân số già hóa gây ra) có thể dẫn đến thâm hụt tài khóa rộng hơn và gánh nặng nợ cao hơn. Lực lượng lao động giảm đi cũng có thể làm xói mòn tiền tiết kiệm, dẫn đến lãi suất cao hơn và đầu tư giảm. Ví dụ, nhu cầu nhà ở có thể giảm trong dài hạn. Chuyên gia Scissors dự báo: “Vào những năm 2040, sự thu hẹp dân số sẽ khiến tăng trưởng tổng thể không thể thực hiện được. Nếu không có những thay đổi chính sách mạnh mẽ, Trung Quốc sẽ không có sự phục hồi, theo đó những năm 2030 sẽ xấu hơn những năm 2020”. Cũng theo Scissors, nếu Bắc Kinh sử dụng cách thức cũ, chẳng hạn như vay nhiều hơn, thì nước này vẫn có thể thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2024, nhưng điều đó chỉ là “thuốc giảm đau” chứ không phải “thuốc chữa” cho nền kinh tế.
Cùng quan điểm, Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics cho rằng, hầu hết sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc hiện nay phản ánh sự suy giảm mang tính cơ cấu về tăng trưởng năng suất và thu nhập, chứ không phải là sự yếu kém mang tính chu kỳ và có thể được giải quyết thông qua kích thích phía cầu hoặc các biện pháp tăng cường niềm tin khác.