Khi ngân hàng đặt QTDND vào trung tâm hoạt động
Hiệp hội QTDND: Hướng đào tạo sát với nhu cầu thực tế hoạt động của QTDND | |
Nâng cao vị thế và công năng ngân hàng của quỹ tín dụng nhân dân |
Dòng vốn NHHT đang khơi mở tiềm năng nhiều làng nghề, tạo việc làm cho người lao động |
Giám đốc QTDND Vạn An, Phạm Đình Vương cho biết, nếu không có QTDND Trung ương Chi nhánh Bắc Ninh thì không có nhiều QTDND trên địa bàn như hiện nay. QTDND Vạn An thành lập tháng 5/2004 trên một địa phương thuần nông. Trong nhịp phát triển chung của mảnh đất Kinh Bắc này, nhu cầu vốn của dân cư nhiều hơn tích lũy. Đây cũng là những tiền đề cho hoạt động của QTDND song cũng là thách thức với bài toán huy động nguồn vốn và gia tăng niềm tin với người dân. 5 năm đầu tiên, nguồn vốn huy động trên địa bàn chỉ chiếm chưa đầy 30% tổng nguồn vốn, số còn lại quỹ phải nhờ nguồn của QTDND Trung ương chi nhánh Bắc Ninh ngày đó, nay là NHHT Chi nhánh Bắc Ninh.
Năm 2008, khi xã Vạn An chuyển thành phường, kinh tế hàng hoá dịch vụ phát triển dọc trục đường quốc lộ, nhiều nhà đầu tư cũng về mảnh đất này phát triển kinh tế đã tạo điều kiện cho người dân tích lũy đầu tư, nguồn vốn của quỹ nhờ thế cũng dồi dào hơn. Cùng với đó là nhu cầu vay vốn của các thành viên cũng ngày một tăng để mở mang sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Chính bởi vậy, việc chuyển đổi mô hình sang ngân hàng với việc cung ứng các sản phẩm cho vay liên kết, cho vay hợp vốn đã giúp NHHT nâng cao năng lực vốn cho vay thành viên đồng thời kích thích tăng trưởng của xã qua kích cầu tiêu dùng. Sản phẩm chuyển tiền điện tử của NHHT cũng giúp QTDND Vạn An đáp ứng nhu cầu giao dịch chi tiêu của người dân, đặc biệt trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh dịch vụ.
Những câu chuyện như thế cũng đã được nhiều QTDND nhấn mạnh khi nói về vai trò của NHHT chi nhánh trên địa bàn.
Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Bắc Ninh đang dần hội nhập với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, dòng vốn NHHT đang khơi mở tiềm năng nhiều làng nghề, tạo việc làm cho người lao động.
Tại cơ sở mỹ nghệ Thành Thắng, làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh, chủ cơ sở Nguyễn Văn Phúc cho biết, nguồn vốn vay 500 triệu đồng từ buổi sơ khai, đến nay là 1 tỷ đồng đã giúp anh có vốn lưu động linh hoạt mua gỗ nguyên liệu, chuyển hướng sản xuất sang đồ tủ gỗ mỹ nghệ và đồ thờ loại lớn, giá trị kinh tế cao. Với doanh thu mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng, không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho gia đình, mà cơ sở anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương. Anh cho biết, trước đó, anh từng là khách hàng của NHTM, song từ ngày biết NHHT đến nay đã 3 năm, anh chỉ thủy chung quan hệ tín dụng ở đây. Sự phục vụ nhanh gọn và kịp thời của cán bộ nhân viên NHHT luôn giúp anh có vốn đúng thời điểm cần thiết.
Các sản phẩm dịch vụ của chi nhánh ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của QTDND thành viên và của nhân dân địa phương. Hiện chi nhánh còn có nguồn vốn từ dự án AFD, RDFII, RDFIII; Cho vay tiêu dùng đời sống; Cho vay cầm cố giấy tờ có giá; Cho vay đồng tài trợ; cho vay thấu chi; Cho vay cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…
Với sứ mệnh là ngân hàng của hệ thống QTDND, để phục vụ kịp thời các QTDND cũng như người dân địa phương phát triển kinh tế, ngoài trụ sở chính, chi nhánh đã thành lập 3 phòng giao dịch tại các địa bàn làng nghề và nông thôn trọng điểm của tỉnh là Từ Sơn, Võ Cường và Yên Phong. Cùng với đó, chi nhánh cũng cơ cấu hợp lý khối phòng ban, sắp xếp lao động phù hợp với năng lực sở trường, đúng quy định của NHHT Việt Nam.
Đặc biệt Phòng tín dụng và chăm sóc thành viên có nhiệm vụ tham mưu xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; triển khai kịp thời các nghiệp vụ chuyên môn cho các phòng giao dịch, khai thác khách hàng ngoài hệ thống. Hiện Phòng quản lý 20 QTDND thành viên, làm đầu mối trong công tác điều hòa vốn, triển khai giải ngân vốn dự án cho các QTDND, đồng thời thực hiện tốt công việc tổng hợp và lập báo cáo gửi NHNN và NHHT Việt Nam đúng quy định góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của chi nhánh.
Cùng với đó, Phòng Kiểm tra nội bộ cũng luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo tiến độ chất lượng, không để ách tắc, giúp cho việc giải ngân kịp thời. Thực hiện tốt quy trình định giá tài sản đảm bảo độc lập, nâng chất lượng tín dụng lên một bước, đảm bảo an toàn vốn vay. Ngoài ra, Phòng Kiểm tra nội bộ vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động của chi nhánh giúp cho lãnh đạo quản lý tốt hoạt động chung của đơn vị.
Những nỗ lực của từng cán bộ NHHT Chi nhánh Bắc Ninh đã góp phần đưa tổng nguồn vốn huy động của chi nhánh đến hết tháng 4/2020 đạt 1.586 tỷ đồng, trong đó, huy động từ hệ thống QTDND đạt 1.200 tỷ đồng. Con số này cũng cho thấy năng lực tài chính của các QTDND trong hệ thống ngày càng vững chãi, đây cũng là lý do, dư nợ cho vay các QTDND ngày càng giảm hiện chỉ còn 31 tỷ đồng trên tổng dư nợ toàn chi nhánh là 1.567 tỷ đồng.
Với phương châm hoạt động lấy mục tiêu an toàn vốn là quan trọng, đặt chất lượng tín dụng lên hàng đầu, cho vay doanh nghiệp và cá nhân trong hạn mức NHHT Việt Nam cho phép, NHHT Chi nhánh Bắc Ninh đã rút kinh nghiệm đối với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng vay vốn, nâng cao chất lượng thẩm định, tăng cường kiểm tra giám sát vốn vay do đó chất lượng tín dụng được đảm bảo. Năm 2019 chi nhánh không có nợ xấu mới phát sinh và vấn đề xử lý nợ xấu đã được đẩy nhanh hơn. Đến thời điểm cuối tháng 4/2020 tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ chỉ còn 0,8%.
Song, hơn thảy những con số phát triển của chi nhánh là hiệu ứng hỗ trợ trong vai trò ngân hàng của các QTDND, điều hòa vốn, tư vấn hỗ trợ nghiệp vụ, góp phần giúp hệ thống QTDND trên địa bàn Bắc Ninh ngày một mở rộng, phát triển ổn định, an toàn và bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế thành viên nói riêng và kinh tế địa phương nói chung. Từ hơn 10 QTDND ban đầu, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 26 QTDND với tổng số 21.305 thành viên. Tổng dư nợ hệ thống QTDND cho vay trên địa bàn đạt 1.821 tỷ đồng. Hiện có 3 QTDND thực hiện dịch vụ chuyển tiền là quỹ Thanh Khương, Tương Giang, Vạn An.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid đã và đang tác động sâu rộng đến nền kinh tế cả nước nói chung và địa phương nói riêng. Chi nhánh đã triển khai hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng bị ảnh hưởng từ 0,5% đến 1,5% đồng thời cơ cấu lại nợ cho các khách hàng. Quyền Giám đốc Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, tổng lợi nhuận dự kiến giảm từ đợt hỗ trợ này của chi nhánh là khoảng 1 tỷ đồng. Song đây là sự sẻ chia cần thiết thể hiện vai trò liên kết cộng sinh trong hệ thống QTDND cũng như với các DN và người dân để họ có thêm nguồn lực tái phục hồi sau dịch ổn định và phát triển bền vững.