Khi nhan sắc mê xẩm
Xẩm và những bước chuyển mình |
Thu Phương (ngồi giữa) trong một buổi biểu diễn |
Sinh ra để dành cho xẩm
Phương vốn là một sinh viên ngành Điện công nghiệp của trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh. Sau khi trải qua một số công việc, cảm thấy không trụ được với nghề, tâm hồn cô lúc nào cũng mơ hồ, nghĩ đến một điều gì đó khó giải thích. Sau đó cô được một liền chị quan họ ở Bắc Ninh dạy cho một số làn điệu quan họ, Phương thấy mình hợp với nghề ca hát hơn. Cô quyết tâm theo học. Lúc đó, học qua đài và băng đĩa là cách mà cô chọn. Khi cảm thấy có một trình độ nhất định, Phương theo các liền chị đi hát ở một số nhà hàng, khách sạn, lễ hội…
Thời gian đó, Phương biết thông tin về Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, do tiến sĩ Minh Khang và nhạc sĩ Thao Giang khởi xướng. Lúc đó, nhạc sĩ Thao Giang đang rất cần những người trẻ tâm huyết với xẩm, nếu có lòng ông sẽ đào tạo để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Phương được giới thiệu đến với nhạc sĩ, nhưng phải suy nghĩ mất một tuần, cô mới mạnh dạn gọi điện.
“Nghe qua điện thoại, bác Giang nghĩ em là một chàng trai chứ không phải một cô gái, vì em có chất giọng lạ” - Phương kể.
Sau khi nghe những tâm sự và nguyện vọng của Phương, nhạc sĩ Thao Giang rất vui mừng, trong ông gợi lên một niềm hy vọng lạ lùng, khó đoán như thể ông vừa nghe thấy lời của một cô gái nhiều hứa hẹn tài năng. Ông yêu cầu Phương ra Hà Nội thử giọng gấp. Quả nhiên, cô gái sinh năm 1985 xinh đẹp ấy đã khiến Thao Giang hài lòng.
Buổi nghe thử Phương hát một bài quan họ ấy có nghệ sĩ Thanh Ngoan, Văn Ty và nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch… Tất cả đều tin Phương sẽ thành một nghệ sĩ xẩm thực thụ. Được tiếp nhận vào học ở Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, do nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch và nhạc sĩ Thao Giang trực tiếp giảng dạy.
Phương nói mình rất mê chất giọng lạ lùng của thầy Xuân Hoạch nên cô đã cố gắng học thầy. Ở Phương có một điều gì đó rất lạ, như là cô sinh ra là để học xẩm và dành cho xẩm. Đó là khi cô nghe các nghệ sĩ, nhạc sĩ nói chuyện, giảng bài thì cô nhận ra những điều đó đã có trong tiềm thức của cô. Cô chia sẻ: “Nhiều lần trong mơ, em đã mơ ước là được làm những điều mình thích, đi đường mình chọn và tìm ra lý tưởng của cuộc sống. Thì khi đến với xẩm, em thấy mình đã chọn đúng, đi đúng”.
Nhưng đường đến với xẩm của một cô gái trẻ, từ đất mỏ lên Hà Nội không hề đơn giản. Cô gặp cản trở từ phía gia đình. Bố mẹ cô nghĩ cô liều, lo cho con gái nơi đất khách quê người. Cô gái nguyện hy sinh mọi thứ vì xẩm ấy đã nhận được sự gay gắt của gia đình, thậm chí là những lời mắng chửi.
Sau cùng, cảm thấy không ngăn cản được con gái, bố Phương nói: “Bố muốn con trưởng thành, làm việc gì đó có ý nghĩa thực sự”. Phương thấy lúc này là cơ hội của mình, nếu không chộp lấy thì không còn dịp nào khác. Nó sẽ tuột khỏi tay và không bao giờ trở lại. Phương thổn thức nói rằng, nếu lúc đó cô chỉ yếu đuối, kém quyết tâm một chút thì hẳn sẽ phải chấp nhận cuộc sống tẻ nhạt.
Còn nhiều nỗi niềm
Tôi biết, Phương đã có sự lựa chọn cho mình và sẵn sàng làm tất cả vì lựa chọn ấy. Cô là một nhan sắc đã hy sinh cả tình yêu lứa đôi của mình cho nghệ thuật. Điều đó chứng tỏ cô gái ấy đã rất dũng cảm và phải có những người như thế mới làm nên sự đặc sắc của nghệ thuật, mới có thể theo nghệ thuật đến tận cùng và dành trọn tâm hồn vì nó.
Nguyễn Thị Phương không ân hận, cô vẫn nghĩ mình làm đúng và cần phải như vậy, dù cho bố mẹ cô từng nghĩ cô không thể làm được gì. Chẳng thể nào khác, nghệ thuật là như vậy, nghệ thuật không có chỗ cho những người hời hợt, chỉ sống bằng một nửa đam mê. Phương đã nén nước mắt, chia tay tình yêu, xin lỗi tình yêu của mình để thanh thản xuống Hà Nội theo học và đeo đuổi ước mơ thành nghệ sĩ xẩm.
Học xẩm khó, đó là phải làm sao cho tròn vành rõ chữ, phải biết rung luyến, cao độ và nhả chữ. Có người hát được nhưng không thể biểu diễn một cách linh hoạt. Với hơn một năm học, Phương cũng chỉ hát được 4 bài đơn và một số bài tập thể. Học cũng có từng bước, không thể đi tắt đón đầu. Nhờ vào khả năng dường như là thiên phú, cô gái đất mỏ dần dần học được những ngón nghề và nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của Trung tâm.
Nhạc sĩ Thao Giang đánh giá rất cao khả năng học và tương lai của Phương. Các đêm xẩm ở chợ Đồng Xuân trong chương trình “Hà Nội 36 phố phường” đều có Phương tham gia. Ngoài hát bè và biểu diễn minh họa trong bài xẩm Mục hạ vô nhân, Phương còn tự mình thể hiện tác phẩm Theo Đảng trọn đời nhuần nhuyễn và truyền cảm. Cô tâm niệm, người hát xẩm quan trọng là học cách giao lưu với khán giả. Người nghệ sĩ phải gần gũi, làm thế nào lột tả cảm xúc chân thật, sâu sắc để khán giả cảm nhận tốt nhất về nội dung bài hát.
Đến nay, ngoài hát xẩm, Phương còn biểu diễn được chầu văn, trống quân, ca trù và một số loại hình âm nhạc dân tộc khác. Thu Phương vẫn thường về Quảng Ninh với mong muốn đóng góp sức mình vào công cuộc bảo tồn văn hoá dân tộc, khai thác giá trị nghệ thuật diễn xướng dân gian để phục vụ du lịch.
Cô cũng hát tại không gian Sen Phố - 50 Đào Duy Từ, Hà Nội - một địa chỉ khác để các bạn có thể học hát xẩm. Nhiều bạn đã yêu xẩm, cùng Phương đi biểu diễn khắp nơi, và họ cũng đã gặt hái được một số giải thưởng.
Ngồi đối diện với Phương, một nhan sắc mới của xẩm, tôi bỗng tin vào những điều kỳ diệu...