Khoảng 80% sàn bất động sản đóng cửa vì dịch Covid-19
Ảnh minh họa |
Nguồn cung căn hộ thấp
Theo Bộ Xây dựng, trong quý II/2021, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, cả nước chỉ có 69 dự án với 27.462 căn được cấp phép, số lượng dự án chỉ bằng 73% so với quý I và bằng 21% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, có 1.119 dự án với 352.575 căn đang triển khai xây dựng, số lượng dự án bằng 81% so với quý trước và bằng khoảng 79% so với cùng kỳ năm 2020.
Cả nước chỉ có 34 dự án với 2.801 căn hoàn thành, số lượng dự án bằng khoảng 83% so với quý trước và chỉ bằng khoảng 47% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, tại miền Bắc có 37 dự án với 9.174 căn được cấp phép; 236 dự án với 179.672 căn đang triển khai xây dựng; 26 dự án với 2.280 căn hoàn thành.
Tại miền Trung có 9 dự án với 1.227 căn được cấp phép; 163 dự án với 68.936 căn đang triển khai xây dựng; 7 dự án với 497 căn hoàn thành.
Còn tại miền Nam có 23 dự án với 17.061 căn được cấp phép; 720 dự án với 103.967 căn đang triển khai xây dựng;14 dự án với 24 căn hoàn thành.
Theo Bộ Xây dựng, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý II/2021 tăng. Cụ thể, tổng số có 92 dự án với 29.557 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Số lượng dự án bằng khoảng 105% so với quý trước và bằng khoảng 98% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng tại Hà Nội có 6 dự án với 3.386 căn hộ, tại TP. Hồ Chí Minh có 7 dự án với 3.002 căn hộ.
Đối với dự án nhà ở xã hội, trong quý II/2021, chỉ có 3 dự án với 1.766 căn được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hóa và Lạng Sơn.
Sàn bất động sản đóng cửa hàng loạt
Cùng với việc nguồn cung bất động sản thấp, từ cuối tháng 4/ 2021, khi đại dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, các sàn giao dịch bất động sản sau khi chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước thì nay một lần nữa chịu tác động nặng nề hơn.
Tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như Công ty CP Dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Bất động sản Hải Phát Land, Tập đoàn Cen Group… mới tiếp tục duy trì hoạt động.
Tuy nhiên, hầu hết các sàn giao dịch đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại, khoảng 80% các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.
Một thực tế là, không phải chỉ khi dịch bệnh bùng phát mà từ trước đó, các sàn giao dịch bất động sản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong hoạt động kinh doanh, sàn giao dịch, môi giới bất động sản luôn phải chịu đựng áp lực, cạnh tranh khốc liệt, thậm chí cả những sự bất công đối với sàn giao dịch để có thể nhận được dự án, sản phẩm từ chủ đầu tư.
Bên cạnh việc các sàn giao dịch bất động sản phải giảm phí hoa hồng, phí môi giới xuống mức thấp nhất, để cạnh tranh, họ còn phải chuẩn bị một lượng tài chính không nhỏ, thường dao động từ 30 -50 triệu đồng trên một căn hộ được nhận bán, để nộp cho chủ đầu tư. Có những dự án, khoản tiền phải nộp này lên đến cả trăm tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, đây là khoản chi phí lớn nhất mà những tổ chức, cá nhân làm môi giới bất động sản phải đối mặt. Phần lớn các sàn giao dịch đều phải đi vay và gặp rất nhiều rủi ro như chịu lãi quá hạn vì tiêu thụ chậm… Đặc biệt, nhiều sàn giao dịch sau khi đã hoàn thành bán sản phẩm cho dự án nhưng lại bị chây ì hoàn trả tiền ký cược, thậm chí cả tiền công môi giới khiến họ lâm vào cảnh khốn đốn.