Khởi động Sáng kiến Một sức khỏe và Dự án ICT4Health
Toàn cảnh hội thảo |
Ngày 3/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) phối hợp với Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) và Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) tổ chức hội thảo khởi động Sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR và Dự án ICT4Health do Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc tài trợ.
Theo đó, Sáng kiến “Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe” (2022-2024) của CGIAR và Dự án “Cải thiện sức khỏe con người thông qua chuỗi giá trị bền vững trong tương tác giữa con người - động vật - môi trường dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam (ICT4Health)” sẽ được ILRI triển khai tại Việt Nam (2022-2025) hướng đến áp dụng cách tiếp cận Một sức khỏe để đảm bảo sự tham gia đa ngành và đa lĩnh vực nhằm giải quyết các mối đe dọa của các bệnh truyền nhiễm từ động vật.
Cả hai dự án sẽ không chỉ giúp tăng cường năng lực cho các đối tác quốc gia trong giám sát, phát hiện sớm và ứng phó khẩn cấp, phòng chống dịch bệnh, đưa ra khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách, mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, động vật và môi trường, mà còn hiệp đồng với nhau để đạt được các mục tiêu đã đặt ra.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, những năm gần đây, thế giới đang đối mặt với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã, điển hình như đại dịch Covid-19.
Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác. Đã có những minh chứng khoa học cho thấy có khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật.
Việt Nam được xác định là một trong những điểm nóng toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã hoặc hệ sinh thái.
Có cùng nhận định, TS. Jimmy Smith, Tổng giám đốc ILRI chia sẻ: Các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam hiện đang phải đối mặt với thách thức ngày càng gia tăng về nguy cơ sức khỏe con người do sự xuất hiện của các bệnh lây truyền từ động vật, kháng kháng sinh và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Tổng giám đốc Jimmy Smith khẳng định, giải quyết những thách thức này đòi hỏi quyết tâm vượt qua các rào cản thể chế, giúp thúc đẩy hợp tác liên ngành, đưa ra các bằng chứng mạnh mẽ hơn về tầm quan trọng và hiệu quả chi phí của việc áp dụng nguyên tắc Một sức khỏe vào quản lý hệ thống thực phẩm như những gì mà sáng kiến Một sức khỏe và dự án ICT4Health sẽ áp dụng.
Nhấn mạnh, các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng về nguy cơ với sức khỏe con người, ảnh hưởng đến sinh kế và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia do xuất hiện các bệnh truyền lây từ động vật sang người, kháng kháng sinh và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Các minh chứng khoa học cho thấy, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người trên phạm vi toàn cầu có nguồn gốc từ động vật như: dịch SARS, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ, Covid-19, cúm Tây Ban Nha... Vì vậy, nếu không có hệ thống thú y cũng như những giải pháp trong đó có cách tiếp cận Một sức khỏe, kháng kháng sinh thì nguy cơ và hậu quả là rất lớn đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật và người.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Sáng kiến Một Sức khỏe sẽ giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về thực trạng bệnh truyền nhiễm từ động vật, kháng kháng sinh và an toàn thực phẩm ở Việt Nam, mang lại các giải pháp không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn cầu.
Bệnh lây truyền từ động vật sang người được dự đoán sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai do sản xuất chăn nuôi tăng cường và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Hệ thống chăn nuôi là nơi chứa mầm bệnh truyền từ động vật sang người, là nguyên nhân gây ra 60% các trường hợp bệnh truyền nhiễm ở người. Thói quen tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã thường thấy ở Việt Nam và nhiều nước châu Á có thể tiếp tục làm lây lan những loại vi rút, có khả năng gây đại dịch như Covid-19.
Một mối đe dọa khác đặt ra là kháng kháng sinh, hàng năm gây ra 1,2 triệu ca tử vong và dự kiến sẽ giết chết 10 triệu người/năm vào năm 2050. Hai phần ba việc sử dụng kháng sinh trên toàn cầu, động lực chính dẫn đến kháng kháng sinh, liên quan đến chăn nuôi.
Cũng như các quốc gia khác trong khu vực, ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đang làm cho tình hình kháng kháng sinh trở nên nghiêm trọng hơn do lạm dụng thuốc kháng sinh. Bên cạnh bệnh truyền nhiễm từ động vật và kháng kháng sinh, các bệnh lây truyền qua thực phẩm mang lại gánh nặng tương đương với bệnh lao, sốt rét và HIV/AIDS.
Sáng kiến Một sức khỏe và Dự án ICT4Health sẽ hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng các bằng chứng khoa học, từ đó đưa ra những lựa chọn chính sách giúp phòng chống, kiểm soát tốt hơn các bệnh dịch, kháng kháng sinh và cải thiện an toàn thực phẩm.
Sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR được cấu trúc theo 5 hợp phần: bệnh truyền nhiễm từ động vật, an toàn thực phẩm, kháng kháng sinh, môi trường (nước và động vật hoang dã), kinh tế, quản trị và hành vi. |