Không để lỡ nhịp
Sớm ổn định nguồn nhân lực
Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, đông đảo các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã đồng loạt ra quân, tất bật vào “guồng” sản xuất kinh doanh. Dù còn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song các doanh nghiệp đều đang nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu sản xuất, kinh doanh, không để lỡ nhịp phục hồi ngay từ những ngày đầu xuân...
Sau tết Nguyên đán, một trong những mối lo của các doanh nghiệp tại Đà Nẵng cũng như các địa phương khác chính là nguồn lao động. Thấu hiểu điều đó, ngay trong những ngày đầu năm mới, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho lao động và đơn vị tuyển dụng thuận lợi kết nối với nhau. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, có 81 doanh nghiệp đã gửi thông báo tuyển hơn 6.300 vị trí. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã cử đại diện đến phỏng vấn trực tiếp. Ngoài ra, các phiên giao dịch cũng thực hiện kết nối trực tuyến giữa 3 cơ sở của Trung tâm tại quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Hải Châu và liên kết cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Trị, để tìm nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Bốc dỡ hàng hóa trên cảng Tiên Sa, Đà Nẵng |
Theo ông Nguyễn Thanh Diệp - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP. Đà Nẵng, vào thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tương đối cao. Để hỗ trợ cho các đơn vị, trung tâm đã tăng cường kết nối, mời gọi lao động, mời gọi doanh nghiệp, phối hợp với các địa phương tổ chức chương trình hội nghị tuyên truyền, phiên giao dịch tìm việc làm. Trước đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn lao động, tăng cường công tác bảo đảm an toàn lao động, nắm chắc tình hình người lao động, động viên anh chị em sớm trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết.
Năm nay, tín hiệu đáng mừng là số lượng người lao động trên địa bàn quay trở lại làm việc sau tết khá cao. Bởi, sau một năm giãn cách, khoảng nghỉ kéo dài do dịch bệnh việc được quay trở lại với công việc đang là niềm vui đối với nhiều người. Theo đại diện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, dù “cơn bão” Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất, kinh doanh như trong thời gian qua. Song, dịch bệnh cũng đã khiến người lao động có ý thức, chuyên nghiệp hơn trong công việc và gắn bó với công ty. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ngay từ những ngày đầu xuân. Đơn cử, tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), theo đại diện công ty, năm nay tỷ lệ lao động nghỉ việc sau tết giảm hẳn. Có được điều này, trước đó công ty đã chủ động nắm tình hình, động viên tinh thần công nhân lao động từ trước khi về tết. Năm nay, khoảng 3.800 công nhân công ty đã trở lại làm việc từ ngày 7/2/2022, tức vào ngày mùng 7 tháng Giêng. Khi quay trở lại công việc, hầu hết anh em công nhân đều thoải mái và phấn khởi. Bên cạnh đó, công ty cũng chủ động hơn trong việc giải quyết thiếu hụt nhân lực bằng việc đăng tuyển dụng khoảng 300 lao động từ đầu tháng 1/2022.
Tương tự, tại Công ty TNHH Sinaran Việt Nam, (Khu Công nghiệp Đà Nẵng, quận Sơn Trà), gần 600 công nhân đã trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ tết. Bà Mai Thị Thanh Hương - Trưởng phòng nhân sự công ty cho biết, năm nay công nhân trở lại làm việc khá sớm, tỷ lệ lao động quay trở lại đã đạt khoảng 96%. Hầu hết, người lao động tại công ty là người Đà Nẵng và Quảng Nam, không có nhiều lao động tại các tỉnh, thành xa Đà Nẵng, nên công nhân sớm quay trở lại làm việc đầy đủ. Tuy không có nhiều biến động về lao động sau tết, song công ty vẫn lên kế hoạch tuyển dụng mới công nhân để chủ động trong việc triển khai các đơn hàng đã ký kết với đối tác trong năm 2022...
Tiếp tục linh hoạt thích ứng
Thời gian gần đây, tại TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến nhịp tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tự trang bị cho mình “lá chắn”, thích ứng linh hoạt, tăng sức đề kháng trước “bão dịch”, giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn như trong năm vừa qua. Trên thực tế, cùng với nỗ lực phục hồi sản xuất, doanh nghiệp đã phải tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ người lao động và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2021 vừa qua, có thể nói là một năm rất khó khăn với ngành dệt may cả nước nói chung và Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ nói riêng. Đại dịch gây tắc nghẽn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu làm giá nguyên liệu sản xuất tăng cao, tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động tìm kiếm, khai thác đơn hàng. Bên cạnh, việc thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu gặp nhiều trở ngại, các chi phí vận chuyển tăng cao... gây khó khăn cho Dệt may Hòa Thọ. Song, điều đáng nói mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với nhiều nỗ lực kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của công ty vẫn khá tích cực.
Theo đó, doanh nghiệp đã hoàn thành toàn diện mục tiêu sản xuất, kinh doanh đã đề ra trong năm với tổng doanh thu đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt 224 triệu USD, tăng 20% so với năm 2020; lợi nhuận đạt 221 tỷ đồng, tăng hơn gấp 3 lần so với năm 2020... Sản phẩm của Dệt may Hòa Thọ ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã hợp thời trang, lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế được khách hàng đánh giá cao, kể cả những thị trường với nhiều tiêu chuẩn khắt khe.
Ông Nguyễn Đức Trị - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ cho biết, năm 2022, chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu tăng 7-10%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10% trở lên, thu nhập bình quân tăng 5-10%… so với năm 2021. Để đạt mục tiêu này, chúng tôi tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong toàn doanh nghiệp, xây dựng các quy định phù hợp tình hình mới, bảo đảm linh hoạt, an toàn và hiệu quả.
Tương tự, theo đại diện Công ty Universal Alloy Corporation (UAC), Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, dịch bệnh đã tác động rất lớn đến hoạt động của công ty trong năm qua, nhất là giai đoạn dịch bùng phát mạnh từ tháng 7 đến tháng 9/2021. Để không bị “đứt gãy” chuỗi sản xuất cũng như bảo đảm hoạt động sản xuất, an toàn cho người lao động, công ty đã chủ động thực hiện phương án 3 tại chỗ. Trong thời gian tới, UAC sẽ tiếp tục triển khai linh hoạt các biện pháp để vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục thích ứng linh hoạt, thực hiện mục tiêu “kép” vừa duy trì sản xuất kinh doanh, vừa chống dịch, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng đã khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động khi quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết. Đối tượng xét nghiệm gồm người lao động chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, người lao động có một trong các biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi. Góp phần bảo đảm an toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch tại từng doanh nghiệp trên địa bàn.
Trước đó, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã xác định “sức khoẻ” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu, quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế địa phương. Lãnh đạo thành phố cam kết, cũng giống như phương châm chống dịch “không để ai bị bỏ lại phía sau”, sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19... Hy vọng rằng, quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã trở nên lỗi thời. Tháng Giêng giờ đây là tháng khẩn trương làm việc, lao động, sản xuất, kinh doanh để tạo đà thuận lợi cho cả năm, đặc biệt là đối với cộng đồng các doanh nghiệp trong cả nước.