Khủng hoảng nguồn cung năng lượng khiến nhu cầu than tăng mạnh
Hôm thứ Tư tuần trước, Tập đoàn thép Nippon (Nippon Steel) của Nhật Bản đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn khai thác và thương mại Glencore để được cung cấp than nhiệt ở mức 375 USD/tấn - mức giá cao nhất mà một công ty Nhật Bản đã trả cho mặt hàng này, theo Bloomberg.
Nippon Steel có nhu cầu sử dụng nhiên liệu lớn (than, khí đốt tự nhiên…) để cung cấp năng lượng cho các khu công nghiệp và cung cấp điện cho lưới điện của Nhật Bản.
Trước đó vào đầu tháng 7, Nippon Steel cũng đã mua một lô hàng khí đốt tự nhiên với mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Ảnh minh họa. |
Nhà phân tích cấp cao Peter O’Connor của Shaw and Partners mới đây cho biết: “Ai có thể nghĩ rằng than bẩn lại là cổ phiếu hoạt động tốt nhất trong năm tài chính vừa qua. Cho đến nay, năm tài chính này đang là lĩnh vực hoạt động tốt nhất. Và nhìn sang năm tới, với nguồn cung và giá khí đốt còn căng thẳng và các quốc gia đang quay trở lại với than thì dự kiến nhu cầu và giá của than sẽ còn ở mức cao hơn”.
Thực tế, giá than nhiệt (được sử dụng cho điện than) đã tăng khoảng 170% kể từ cuối năm ngoái và đặc biệt tăng mạnh từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bắt đầu nổ ra.
Báo cáo công bố vào hôm thứ Tư của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, mức tiêu thụ than toàn cầu sẽ tăng 0,7% vào năm 2022 - ngang bằng với kỷ lục được thiết lập vào năm 2013, nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi như dự kiến trong nửa cuối năm nay.
Nhu cầu than có thể sẽ tăng hơn nữa trong năm tới, lên mức cao mới mọi thời đại. Trước đó, tiêu thụ than trên toàn thế giới đã tăng trở lại khoảng 6% vào năm 2021 khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau cú sốc của đại dịch Covid.
Nguyên nhân chính của sự gia tăng liên tục nhu cầu về than là do thiếu hụt khí đốt khi EU quyết định giảm sử dụng khí đốt của Nga (do lệnh cấm vận liên quan đến xung đột tại Ukraine và hoạt động đáp trả của Nga thông qua cắt giảm nguồn cung). Do đó, tiêu thụ than ở EU dự kiến sẽ tăng 7% vào năm 2022, sau khi đã có mức tăng tới 14% vào năm ngoái, IEA cho biết.
“Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu từ ngành điện, nơi than ngày càng được sử dụng nhiều hơn để thay thế cho sự thiếu hụt và giá tăng mạnh của khí đốt. Một số quốc gia EU đang kéo dài tuổi thọ của các nhà máy than mà trước đó dự kiến đóng cửa; đồng thời mở cửa trở lại các nhà máy đã đóng cửa hoặc nâng giới hạn giờ hoạt động để giảm tiêu thụ khí đốt”, báo cáo của IEA cho biết.