Kích hoạt làn sóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Tại Ngày Hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020 vừa khai mạc ngày 27/11 tại TP.HCM, nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng và các DN công nghệ tài chính (Fintech) đã thảo luận xoay quanh chủ đề “Trí tuệ nhân tạo (AI) ứng phó với đại dịch Covid-19”. Trong đó, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, mặc dù đại dịch Covid-19 là một thách thức lớn cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng cũng là cơ hội tốt để các TCTD thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số. Trong đó, làn sóng ứng dụng AI sẽ được kích hoạt và ngày càng bùng nổ không chỉ ở bản thân các TCTD mà còn diễn ra ở cả phía khách hàng là các DN, tổ chức kinh tế ở các lĩnh vực.
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát cũng tác động mạnh đến hoạt động hàng ngày của các ngân hàng. Do khách hàng hạn chế gặp mặt trực tiếp vì lo ngại dịch bệnh khiến lượng giao dịch tại quầy trầm lắng. Điều đó kích thích các nhà băng nhanh chóng đẩy mạnh áp dụng các ứng dụng AI để tạo ra các giải pháp đột phá.
Tại VietinBank, ông Lân cho biết, chỉ sau 6 tháng đầu năm ứng dụng công nghệ AI vào một số nghiệp vụ, số lượng khách hàng online mới của VietinBank đã tăng hơn nửa triệu. Nhiều DNNVV là khách hàng cũ của VietinBank trong những năm trước chưa áp dụng AI thì thời gian qua cũng mạnh dạn tìm kiếm và triển khai các giải pháp AI phù hợp với nhu cầu và quy mô để áp dụng. Trong đó ứng dụng chatbot - tư vấn viên đa năng được khá nhiều DN lựa chọn. Chatbot có thể xử lý tự động tới 90% giao dịch, giúp DNNVV tối ưu nguồn nhân lực, tiết kiệm chi phí vận hành và nhân sự. Ngoài ra, công nghệ nhận dạng ký tự quang học OCR giúp đơn giản hóa quy trình trích xuất thông tin và lưu trữ dữ liệu khách hàng.
Theo nhận định của GS. Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata, không chỉ áp dụng ngày càng nhiều tại các NHTM và các Fintech, làn sóng AI đang bắt đầu mở rộng ở nhiều lĩnh vực kinh tế khác như: nông nghiệp, giáo dục, y tế và giao thông. Tại Tập đoàn Vingroup, cách đây hai năm hệ thống Vin Bigdata đã được xây dựng và áp dụng công nghệ AI cho lĩnh vực y tế. Kết quả cho thấy khi làm việc cùng AI thử nghiệm chẩn đoán phổi và ung thư vú cho độ chính xác từ 85-90%. “Sản phẩm này của Vingroup đã triển khai từ 15-20 bệnh viện trên cả nước”, GS. Văn cho biết.
Ở lĩnh vực thủy sản, TS. Hoàng Việt Anh và cộng sự Công ty GFD cho biết, hiện nay nhóm nghiên cứu này đã triển khai lắp hệ thống giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại 15 điểm trong tỉnh Cà Mau. Các điểm lắp đặt được phân bố tại các khu vực nuôi tôm quảng canh và ưu tiên lắp tại các cửa sông, khu vực dễ bị ô nhiễm, bắt đầu thực hiện từ tháng 10. Hệ thống AI của nhóm nghiên cứu cho phép tự động đo đạc và điều chỉnh các chỉ số quan trọng trong môi trường nước, như độ mặn, lượng pH, oxy hòa tan, độ kiềm, độ đục, nhiệt độ. Giúp người dân có thể dễ dàng chủ động lấy nước vào đầm, đảm bảo sức khỏe của tôm.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định rằng, trong năm 2021 sắp tới những khó khăn của Covid-19 sẽ thấm dần, một trong số đó là sự đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cơ hội để các thành phần kinh tế chuyển đổi số, tập trung vào các ứng dụng AI là rất lớn. Trong đó có bốn vấn đề sẽ được đẩy nhanh và cạnh tranh khốc liệt là: đào tạo nhân sự vận hành các ứng dụng AI, xây dựng đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu về AI; đào tạo thế hệ trẻ chuyên về AI để tiếp nối và kết nối giữa nghiên cứu và ứng dụng để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có tính ứng dụng cao trong xã hội.
Ở lĩnh vực ngân hàng số và công nghệ tài chính, ông Nguyễn An Nguyên - Tổng giám đốc Trusting Social cho rằng, trong vòng 1-2 năm tới sự tham gia sâu của các ứng dụng AI vào quá trình chuyển đổi số sẽ ngày càng mạnh mẽ. Hạ tầng công nghệ tài chính cũ sẽ được thay thế dần để đảm bảo có thể tích hợp các ứng dụng AI. Khi đó các NHTM trong hệ thống sẽ phải cân đối bài toán lợi nhuận để đầu tư vào nền tảng hạ tầng tài chính của mình cho phù hợp. Ngoài ra, khi ứng dụng các công nghệ AI cũng sẽ khiến nhiều vị trí nhân sự trong các ngân hàng trở nên dư thừa, buộc các TCTD phải tính toán lại chiến lược tuyển dụng để tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh máy móc có thể thay thế hàng loạt vị trí nghiệp vụ mà trước nay chỉ có con người trực tiếp thực hiện.