Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử gặp khó
Kinh tế số Việt Nam là điểm mạnh, thu hút nhà đầu tư nước ngoài Thương mại điện tử vẫn có chỗ đứng |
Mắc kẹt trong khó khăn
Khó khăn rõ nhất là quá trình vận chuyển, bảo quản thủy sản đến tay người tiêu dùng nên hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP giữ thói quen bán hàng theo phương thức truyền thống. Hiện doanh nghiệp tham gia được vào thương mại điện tử cũng đang “mắc kẹt” vì các loại thuế, phí. Đại diện Công ty TNHH MTV Trái Dừa cho rằng, các sàn thương mại điện tử liên tục tăng phí cao gây khó cho các nhà bán hàng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, một sàn thương mại điện tử đã 2 lần tăng phí thanh toán. Lần đầu tăng từ 2,5% lên 3%, áp dụng từ ngày 2/1, lần thứ hai tăng từ 3% lên 4%, áp dụng từ ngày 1/9. Như vậy, nếu cộng với 3,5% phí cố định, mua thêm các gói freeship, phí quảng cáo đủ để cửa hàng có thể bán sản phẩm tương đối ổn định trên sàn thì tổng chi phí một nhà bán hàng đang phải trả dao động khoảng 22-23% doanh thu/đơn hàng. Đây là tỷ lệ rất cao và doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào “luật chơi” của sàn thương mại điện tử. Sàn thương mại điện tử này thậm chí còn ẩn luôn nút khiếu nại của nhà bán hàng.
Hơn nữa, các sản phẩm chất lượng cao còn rất khó cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái được bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Vũ Việt Trung, chủ một doanh nghiệp kinh doanh thời trang trên sàn thương mại điện tử chia sẻ, một sản phẩm nhập chính hãng có giá gốc 400 nghìn đồng, để có lãi ông phải bán với giá từ 480 nghìn đồng trở lên. Tuy nhiên, hàng của ông đang phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm tương tự về màu sắc, kiểu dáng mà giá chỉ bằng 60% so với giá phân phối chính gốc, chưa kể còn có các chương trình khuyến mãi, giảm giá kèm theo. Bên cạnh đó, sự thay đổi thuật toán của các nền tảng cũng làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình kinh doanh. Nhiều khi gõ hẳn tên sản phẩm tên doanh nghiệp lên công cụ tìm kiếm cũng không ra địa chỉ cửa hàng. Nếu không chạy quảng cáo để cửa hàng thuộc nhóm được “gợi ý”, “yêu thích”, sản phẩm nằm trong nhóm “đang bán chạy” thì có rất ít đơn hàng, thậm chí cả tháng không có đơn hàng nào.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn gặp khó vì quy định xuất hóa đơn với cơ quan thuế. Đại diện Công ty Sản xuất thương mại Tuấn Phương Nam từng chia sẻ, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải xuất hoá đơn đúng thời điểm hàng hoá được chuyển giao cho người mua. Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử lại chỉ tính một đơn hàng thành công sau 7 ngày giao hàng mà không có khiếu nại, đổi trả. Do đó, việc cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp xuất hoá đơn đúng thời điểm giao hàng là không thể vì hoàn toàn phụ thuộc vào sàn thương mại điện tử.
Doanh nghiệp cần chủ động sáng tạo trong việc thiết kế và sản xuất sản phẩm |
Chính sách mở đường, doanh nghiệp chủ động
Trước những khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp mong ngóng được các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện hơn nữa về chính sách, thủ tục hành chính; Mở rộng các chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn mở gian hàng, vận hành thực hiện các đơn hàng, quản lý logistics, quản lý chất lượng sản phẩm, cách thức thu hút khách hàng, giới thiệu và bán hàng hiệu quả cũng như cách xây dựng, bảo vệ thương hiệu trên các nền tảng thương mại điện tử một cách bài bản.
Nhằm tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp kinh doanh trên sàn thương mại điện tử thêm thuận lợi, Quốc hội, Chính phủ hiện đang xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm thống nhất hệ thống pháp luật như: Luật Giao dịch điện tử sửa đổi 2023, Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi 2023, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử…
Về vấn đề chống gian lận trên môi trường thương mại điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/2023/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, trong thời gian tới, cần tăng cường hiệu quả phối hợp giữa chủ thể quyền với các cơ quan thực thi, chủ sàn thương mại điện tử trong việc cung cấp hàng thật, kỹ năng nhận biết hàng hoá giả mạo, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hoàn thiện cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử đối với hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của công chúng trong việc phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số và thương mại điện tử; hướng tới việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ý thức được đầy đủ các lợi ích của việc xây dựng quyền sở hữu trí tuệ cho riêng mình.
Để đưa hàng hóa lên thương mại điện tử thành công và kinh doanh có hiệu quả, theo các chuyên gia, doanh nghiệp phải chủ động sáng tạo hơn trong việc thiết kế và sản xuất sản phẩm đáp ứng xu hướng tiêu dùng của khách hàng. Xây dựng hình ảnh sản phẩm bằng những hình thức độc đáo cũng là một giải pháp giúp sản phẩm thu hút người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử. Đối với khách hàng quốc tế, doanh nghiệp có thể chuyển đổi từ sản phẩm đại trà, giá thành thấp sang những sản phẩm độc quyền có giá trị cao. Đồng thời dự đoán những sản phẩm tiềm năng có thể tạo xu hướng trong tương lai; tăng cường chất lượng nguồn nhân lực… để nắm thời cơ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.