Thương mại điện tử vẫn có chỗ đứng
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử Kinh tế số Việt Nam là điểm mạnh, thu hút nhà đầu tư nước ngoài Thương mại điện tử tăng trưởng nóng ở Châu Á |
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, các thị trường nhiều tiềm năng như khu vực ASEAN đang trên đà số hóa nhanh chóng, được thúc đẩy bởi lượng dân số trẻ trong khu vực và khả năng áp dụng công nghệ nhanh chóng. Khu vực này sẽ có mức tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu. Dự báo, đến năm 2026, thương mại điện tử dự kiến sẽ đóng góp tới 29% doanh số bán lẻ của châu Á và 26% trong khu vực ASEAN.
Kinh doanh bán lẻ truyền thống đã bắt đầu hồi phục lại |
Các nhà bán lẻ nên tăng cường tích hợp trải nghiệm trực tuyến vào các kế hoạch phát triển của mình, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Khả năng phân phối đa kênh và bản địa hóa có thể là điểm khác biệt chính. Chiến lược bán lẻ đa kênh vẫn là động lực chính để thúc đẩy cả doanh số bán hàng trực tuyến và truyền thống. Riêng tại thị trường Việt Nam, doanh thu bán lẻ dự kiến sẽ đạt 12,1 tỷ USD trong năm nay. Giai đoạn 2023-2027, doanh thu dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 12,38% với giá trị thị trường dự kiến là 19,30 tỷ USD vào năm 2027. Tuy nhiên, tỷ lệ phân phối của các nhà bán lẻ giữa kênh bán lẻ vật lý và bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam có sự chênh lệch rõ rệt. Cụ thể, mặc dù từ giai đoạn 2017 đến 2023, tỷ lệ phân phối trên kênh bán lẻ trực tuyến đã nâng từ 2,7% lên đến 7,1%. Song, từ nay đến năm 2027, con số này dự kiến chỉ tăng nhẹ lên mức 8,7%.
Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills Việt Nam cho biết, các nhà bán lẻ đều khẳng định hiện bán hàng trực tuyến chỉ chiếm một phần nhỏ trong phân phối sản phẩm của họ. Các hoạt động chính mà những thương hiệu áp dụng trên kênh thương mại điện tử là quảng cáo, kích cầu đầu ra với những khách hàng nhạy cảm về giá thành, thu hút sự quan tâm của khách hàng về thương hiệu và đến cửa hàng vật lý để trải nghiệm sản phẩm. Các nền tảng phân phối online hiện nay đang được sử dụng như một dịch vụ cộng thêm để tích lũy điểm thưởng, tạo ra sự trung thành của khách hàng, làm tăng hiện diện thương hiệu trong làn sóng thương mại điện tử…
“Từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ đón hàng loạt dự án trung tâm thương mại mới với quy mô lớn tại cả Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh như Lotte Mall West Lake Ha Noi, Thiso Retail Phan Huy Ích, Hùng Vương Plaza mở lại. Cùng với đó, một vài khối đế bán lẻ ở các cụm dân cư đang trong quá trình gấp rút chào thuê dự án, dự kiến khai trương trong cuối năm nay hoặc quý I/2024 tùy vào tiến độ các khách thuê sắp xếp lộ trình thi công và triển khai nhân sự”, bà Quyên chia sẻ
Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, mặc dù bối cảnh nền kinh tế nói chung có phần ảm đạm nhưng không tác động quá nhiều đến hoạt động của thị trường bán lẻ. Thực tế ghi nhận, các nhà bán lẻ cũng như chủ đầu tư đều đang nỗ lực chuẩn bị đón mùa mua sắm cao điểm cuối năm. Cùng với đó, hàng loạt thương hiệu mới đang tức tốc chuẩn bị những bước cuối cùng để khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam với các nhóm ngành chính là thời trang, đồ thể thao, nội thất, giày dép, túi xách và phụ kiện. Ngoài ra, một số thương hiệu F&B nước ngoài cũng đang trong quá trình tìm kiếm mặt bằng đắc địa tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh để mở cửa.
Dự báo, tốc độ tăng trưởng của bán lẻ đang ở mức vừa phải và có xu hướng tăng lên vào dịp cuối năm. Dù kinh doanh truyền thống đã hồi phục nhưng thương mại điện tử vẫn có được chỗ đứng nhất định vì tính tiện lợi và nhiều ưu điểm vượt trội kèm theo, đáp ứng nhu cầu của giới trẻ. Bất chấp các điều kiện kinh tế vĩ mô còn là ẩn số, hầu hết các thị trường bán lẻ ở Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam đang có sự vận động, chuyển mình mạnh mẽ đi lên.