Kinh tế Nhật “ủng hộ” NHTW tăng lãi suất
Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trở lại sau suy thoái kỹ thuật Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh hơn trong quý I/2023 |
Kinh tế Nhật đã chạm đáy?
Số liệu điều chỉnh vừa được Văn phòng nội các Nhật Bản công bố hôm 10/6 cho thấy, GDP của nước này chỉ giảm với tốc độ hàng năm là 1,8% trong quý đầu năm, thấp hơn so với mức giảm 2,0% theo số liệu ước tính ban đầu và cũng thấp hơn mức giảm 1,9% theo dự báo trước đó của giới chuyên gia.
Cụ thể tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật Bản, đã giảm 0,7% trong quý đầu năm, không thay đổi so với số liệu ước tính ban đầu do chi phí sinh hoạt tăng cao gây áp lực lên tài chính hộ gia đình. Trong khi nhu cầu bên ngoài, hay xuất khẩu trừ nhập khẩu, đã làm giảm 0,4 điểm phần trăm trong tổng GDP, trong khi nhu cầu trong nước giảm 0,1 điểm.
Tuy nhiên việc điều chỉnh tăng về chi tiêu vốn và hàng tồn kho đã giúp GDP của Nhật giảm thấp hơn so với số liệu ước tính. “Chúng tôi có thể nói rằng chi tiêu vốn đã tăng lên trong nửa sau của năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024… Điều kiện vốn đầu tư hiện tại là một sự cứu trợ, nhưng chúng tôi phải thận trọng về triển vọng”, Kohei Okazaki - Nhà kinh tế cấp cao tại Nomura Securities cho biết.
Đáng chú ý theo nhà kinh tế này, tiêu dùng sẽ phục hồi do thỏa thuận tăng lương lớn tại các cuộc đàm phán lao động hàng năm, cộng thêm việc cắt giảm thuế thu nhập bắt đầu từ tháng 6.
Với các lý do trên, các nhà phân tích dự đoán nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ chạm đáy trong ba tháng đầu năm, mặc dù đồng Yên yếu và sự gián đoạn tại các nhà máy sản xuất ô tô lớn tiếp tục che mờ triển vọng trong quý hiện tại.
Dữ liệu riêng do BOJ công bố vào ngày 12/6 dự kiến sẽ cho thấy chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp, thước đo giá hàng hóa mà các công ty tính với nhau, có khả năng tăng 2,0% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,4% so với tháng trước.
“Kết quả GDP sửa đổi khiến BOJ cảm thấy dễ dàng hơn về việc tăng lãi suất trong tương lai vì nó có thể đánh giá đầu tư vốn đang tăng lên dù chỉ một chút”, Kohei Okazaki nói.
Tiếp tục giảm nới lỏng
Đồng quan điểm, các nhà kinh tế cũng cho rằng, với dữ liệu GDP sửa đổi và áp lực từ đồng yên yếu, BOJ có thể sẽ cân nhắc về việc tăng tiếp lãi suất. Trong phát biểu mới đây, mặc dù Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã loại trừ việc sử dụng chính sách tiền tệ để tác động trực tiếp đến diễn biến tỷ giá, nhưng ông báo hiệu khả năng tăng lãi suất nếu đồng yên yếu đẩy lạm phát lên cao hơn dự kiến.
Mặc dù thời điểm BOJ tăng lãi suất vẫn còn nhiều đoán định, song giới phân tích gần như chắc chắn BOJ sẽ thảo luận về việc giảm lượng mua trái phiếu chính phủ tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 13-14/6 tới.
Thống đốc NHTW Nhật Kazuo Ueda |
Phát biểu trước Quốc hội Nhật mới đây, Thống đốc Kazuo Ueda cho biết, việc giảm mua trái phiếu của NHTW là phù hợp khi cơ quan này tiến tới việc thoát khỏi gói kích thích tiền tệ lớn.
Còn nhớ vào tháng 3, BOJ đã thực hiện một thay đổi mang tính bước ngoặt để thoát khỏi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đó là chấm dứt chính sách lãi suất âm đã được duy trì từ năm 2016. Tuy nhiên, BOJ vẫn cam kết tiếp tục mua trái phiếu chính phủ trị giá khoảng 6 nghìn tỷ yên (38,5 tỷ USD) mỗi tháng để ngăn chặn lợi suất tăng đột ngột sau khi tăng lãi suất ngắn hạn lên 0%.
“Chúng tôi vẫn đang xem xét kỹ lưỡng sự phát triển của thị trường kể từ quyết định tháng 3”, Ueda nói với quốc hội. “Khi chúng tôi tiếp tục thoát khỏi gói kích thích tiền tệ khổng lồ của mình, việc giảm mua trái phiếu là điều thích hợp”.
BOJ hiện có tài sản trị giá 750 nghìn tỷ yên (4,8 nghìn tỷ USD) trên bảng cân đối kế toán, gấp gần 1,3 lần quy mô nền kinh tế Nhật Bản, bao gồm cả trái phiếu chính phủ.
Về việc tăng lãi suất, Thống đốc Ueda cho biết, BOJ sẽ hành động “thận trọng” trong việc xác định thời điểm và mức độ tăng lãi suất ngắn hạn “để tránh mắc bất kỳ sai lầm lớn nào”.
Hiện nhiều nhà đầu tư kỳ vọng BOJ sẽ tăng tiếp lãi suất trong năm nay, thậm chí một số người còn dự đoán, động thái này có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng 7, như một nỗ lực để ngăn đà giảm của đồng yên.