Kỳ vọng của người lao động qua báo cáo khảo sát lương 2023
Lương thưởng và phúc lợi của người lao động năm 2022
Theo số liệu từ khảo sát, top 10 yếu tố hàng đầu về chế độ tiền lương – phúc lợi hiện tại mà người lao động nhận được bao gồm (xếp theo thứ tự giảm dần): 1. Lương cơ bản; 2. Bảo hiểm y tế cá nhân; 3. Phụ cấp ăn uống; 4. Nghỉ phép 12 ngày; 5. Thưởng năm; 6. Trợ cấp điện thoại; 7. Nghỉ phép trên 12 ngày; 8. Bảo hiểm tai nạn 24/7; 9. Thưởng tháng; 10. Thưởng quý.
Số liệu cho thấy, "Lương cơ bản" và "Bảo hiểm y tế cá nhân" là 2 chế độ phúc lợi hàng đầu, căn bản nhất mà doanh nghiệp hiện nay đã và đang áp dụng. Trong khi đó, điểm đáng chú ý là chế độ phúc lợi “Lương tháng thứ 13” lại không nằm trong top 10 chế độ mà người lao động đang nhận được.
Về các yếu tố giữ chân người lao động với công ty hiện tại, người lao động ngày nay quan tâm rất nhiều đến những yếu tố về môi trường và văn hóa doanh nghiệp.
Cụ thể, số liệu khảo sát cho thấy top 10 yếu tố hàng đầu mà người lao động lựa chọn khi tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp hiện tại/ động lực thúc đẩy làm việc bao gồm (thứ tự giảm dần): 1. Môi trường làm việc; 2. Lương; 3. Văn hóa doanh nghiệp; 4. Sự ổn định của hoạt động kinh doanh; 5. Cơ chế làm việc linh hoạt; 6. Danh tiếng của công ty; 7. Quản lý trực tiếp; 8. Sự thăng tiến trong công việc; 9. Sự minh bạch của doanh nghiệp; 10. Bảo hiểm y tế cá nhân.
Về mức tăng thu nhập thực tế trong năm 2022, khảo sát cho thấy mức lương tăng "từ 5% đến dưới 10%" là sự lựa chọn chiếm ưu thế với tỷ lệ là 26,89%. Mức lương "không đổi" đứng thứ 2 với kết quả bình chọn là 23,29%. Theo sau là mức tăng "ít hơn 5%" và “từ 10% đến dưới 15%" với bình chọn lần lượt là 15,30% và 11,66%. Trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên chưa thể áp dụng chính sách tăng lương hấp dẫn hơn cho nhân viên được xem là lý giải cho những kết quả trên.
Khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu áp dụng các chính sách tài chính như lương, thưởng, phụ - trợ cấp nhằm tạo động lực sản xuất kinh doanh cho đội ngũ nhân sự của mình. Bên cạnh đó, họ cũng bổ sung thêm nhiều chính sách về cơ chế làm việc linh hoạt, nhằm đáp ứng xu hướng mới của người lao động sau đại dịch Covid-19, bao gồm: cho phép làm việc từ xa, tăng ngày nghỉ, linh động làm việc tại nhà - công ty,...
Ngoài ra, một số chính sách khác về đào tạo, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, ứng dụng công nghệ,... cũng được thực hiện tại doanh nghiệp nhưng tần suất xuất hiện trong kết quả khảo sát không nhiều.
Kỳ vọng của người lao động năm 2023
Khảo sát về kỳ vọng của người lao động vào chính sách lương thưởng và phúc lợi của công ty hiện tại, có thể thấy những chính sách tác động lên thu nhập là mối quan tâm và kỳ vọng hàng đầu của người lao động. Theo đó, "Lương sẽ được tăng đều hàng năm từ 10% trở lên" chính là sự lựa chọn chiếm tỷ trọng cao nhất với 45,62%, chiếm gần 1 nửa số câu trả lời.
Về các khoản phụ - trợ cấp, người lao động kỳ vọng doanh nghiệp có “Thêm nhiều phúc lợi từ các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, du lịch” với tỷ lệ 5,50%. Họ cũng mong muốn doanh nghiệp có thêm các trợ cấp vào các ngày lễ, nghỉ trong năm (4,70%) và có sự tăng thêm các khoản phụ cấp cơ bản (4,58%).
Theo khảo sát, bên cạnh các kỳ vọng về lương, thưởng và phúc lợi, người lao động cũng đặt thêm nhiều kỳ vọng khác vào doanh nghiệp. Điển hình như việc họ "Mong đợi sự an toàn từ doanh nghiệp, sự nghiệp vẫn ổn định khi có các yếu tố/ rủi ro bất ngờ xảy ra" và "Kỳ vọng văn hóa doanh nghiệp thay đổi, với môi trường cởi mở và thẳng thắn chia sẻ thông tin".
Với kết quả khảo sát trên, có thể thấy, sự an toàn và ổn định nghề nghiệp cũng là một trong những kỳ vọng của người lao động dành cho các doanh nghiệp trong năm 2023. Các kỳ vọng trên dễ lý giải bởi xu hướng của người lao động hiện nay đã có sự thay đổi. Hậu Covid-19, họ bắt đầu quan tâm hơn đến các yếu tố về tinh thần và kỳ vọng vào một sự nghiệp hạnh phúc.
Hậu Covid-19, người lao động cũng đang có sự thay đổi về nhu cầu và kỳ vọng nhiều hơn về công việc, đặc biệt là sự thay đổi về các chính sách khác của doanh nghiệp. Theo khảo sát, phần đông người lao động có kỳ vọng cao về “Môi trường làm việc”, chiếm tỷ lệ 60,2%. Người lao động mong muốn doanh nghiệp có sự cải tiến, thay đổi về không gian làm việc, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng và phát triển công nghệ.
Yếu tố về “Văn hóa doanh nghiệp” và “Thời gian làm việc” cũng được người lao động quan tâm (tương ứng tỷ lệ 28,9% và 8,8%). Có thể thấy, người lao động mong đợi sự lắng nghe, quan tâm từ phía doanh nghiệp và ban lãnh đạo, cùng với sự cải tiến và xây dựng văn hóa nội bộ rõ ràng, gần gũi. Người lao động cũng mong muốn giảm giờ làm việc hàng tuần để tái tạo sức lao động.
Ngoài ra, phần đông cũng kỳ vọng có chế độ làm việc linh hoạt, và chính sách “nghỉ làm ngày thứ bảy”. Ngoài ra, các yếu tố khác như: “Hình thức làm việc” (hybrid, làm ở nhà) và “Yêu cầu công việc” (cùng chiếm tỷ lệ 1%) cũng là những yếu tố được kỳ vọng.
Dự định của người lao động trong vòng 3 - 6 tháng tới
Liên quan đến những yếu tố mà người lao động sẽ cân nhắc khi chuyển việc, các yếu tố về “Môi trường làm việc” và “Văn hóa doanh nghiệp” ngày càng được người lao động quan tâm, bởi đây được xem là những yếu tố có thể góp phần cải thiện hiệu suất làm việc, cũng như mang tính chất quyết định đến sự gắn bó lâu dài của người lao động tại doanh nghiệp.
Trong đó, "Lương" và "Môi trường làm việc" tiếp tục là 2 sự lựa chọn chiếm tỷ lệ cao lần lượt là 13,56% và 11,27%. Góp mặt trong nhóm 5 lựa chọn cao nhất còn có yếu tố "Văn hóa doanh nghiệp" với 8,14%; "Sự thăng tiến trong công việc" với 7,33%; và "Cơ chế thưởng" với 6,09%.
Người lao động tham gia khảo sát có kỳ vọng khá cao về mức thu nhập thay đổi khi chuyển việc. Mức “tăng ít nhất 30%” và “ít nhất 20%” so với thu nhập bình quân đứng vị trí thứ nhất và thứ hai trong tổng kết quả ghi nhận được, lần lượt chiếm tỷ lệ là 19,33% và 19,18%. So với số liệu về mức tăng thu nhập thực tế trong năm 2022 được cung cấp bởi người lao động tham gia khảo sát, đa số mức tăng này dao động “từ 5 - 10%” hoặc “không thay đổi”, thì những kỳ vọng vào sự tăng thu nhập khi chuyển việc từ 20% - 30% đang là những con số khá cao.
Tuy vậy, vẫn có một phần người lao động "sẵn sàng thương lượng" về thu nhập của mình (15,57%) và “chấp nhận mức lương tương tự, miễn đó là cơ hội tốt” (13,66%). Điều này cho thấy, còn có những yếu tố phi tài chính khác ảnh hưởng đến kỳ vọng về công việc của họ.
Về thời gian gắn bó với một công việc, gần một nửa số lượng người lao động tham gia khảo sát (chiếm tỷ lệ 44,28%) chưa có ý định thay đổi công việc mới trừ khi tìm thấy cơ hội mới tốt hơn. Lựa chọn “càng lâu càng tốt" đứng vị trí thứ 2 với tỷ lệ là 16,25%.
Đặc biệt, lựa chọn gắn bó với công việc từ "1 - 2 năm" đứng cuối danh sách với tỷ lệ là 6,75%. Lý giải điều này có thể là tâm lý muốn chắc chắn và an toàn đang có nhiều ảnh hưởng đến người lao động, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến chuyển như hiện tại.