Lãi suất đang chịu nhiều sức ép
Mỹ: Fed tăng lãi suất với mức cao nhất trong hơn 20 năm qua |
Sau 2 ngày họp, sáng sớm ngày 5/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2000 nhằm kiềm chế lạm phát tại Mỹ đang tăng vọt ở mức cao nhất trong 40 năm qua.
Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, cũng như nhiều nước lớn khác, kinh tế Mỹ đang đối mặt với áp lực lạm phát rất lớn. Đối với những nước phát triển như Mỹ việc kiềm chế lạm phát rất quan trọng, nên dù xác định việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí của tất cả các hình thức vay, từ thế chấp thẻ tín dụng cho đến vay mua hàng tiêu dùng, làm giảm nhu cầu tiêu thụ và hoạt động kinh doanh... Nhưng Fed không còn lựa chọn khác.
Trong thời gian qua, các ngân hàng cố gắng giảm lãi suất cho vay để góp phần phục hồi kinh tế |
Trên thực tế, trong cuộc họp báo sau khi đưa ra quyết định tăng lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell thẳng thắn thừa nhận lãi suất cao hơn cũng ảnh hưởng đến người dân. Vì nó có thể buộc người Mỹ phải trả nhiều hơn cho các khoản thế chấp nhà và các khoản vay mua ô tô, đồng thời có thể làm giảm giá trị tài sản. Nhưng nếu để lạm phát vượt ra khỏi tầm kiểm soát, tác động còn tồi tệ hơn.
“Chúng tôi hiểu những khó khăn mà tình thế này gây ra và đang khẩn trương khắc phục điều đó. Mọi người dân sẽ thấy tốt hơn… khi giá cả ổn định”, ông Powell nói và cam kết sẽ mạnh tay ổn định lại tình hình giá cả.
Cùng với việc tăng lãi suất, Fed cũng định hướng sẽ thắt chặt định lượng, bằng cách thu hẹp bảng cân đối kế toán gần 9 nghìn tỷ USD như một đòn bẩy khác để kiểm soát lạm phát. Cụ thể, từ ngày 1/6, Fed sẽ giảm 30 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng. Sau ba tháng, mức giảm đối với trái phiếu Kho bạc và các khoản thế chấp sẽ lần lượt tăng lên 60 tỷ USD và 35 tỷ USD.
Từ thông điệp của Fed, giới chuyên môn dự báo tần suất tăng lãi suất và mức độ tăng lãi suất của Fed cũng sẽ nhanh và mạnh hơn trong khoảng từ nay cho tới cuối năm. Theo dự đoán của TS. Lê Xuân Nghĩa, tiến trình tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ của Mỹ được đẩy nhanh và có thể kéo dài trong vài ba năm. Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang siết chặt lại chính sách tiền tệ để ứng phó với lạm phát. Điều đó có thể ảnh hưởng tới sức cầu toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Chưa kể, nhiều tổ chức mới đây đã hạ tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ và của các nước châu Âu. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ và châu Âu suy giảm, cộng với việc kinh tế Trung Quốc cũng đang trên đà giảm do chiến lược zero Covid cũng là những yếu tố làm tác động tới xuất khẩu của Việt Nam.
“Mặc dù Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khá cao trong 4 tháng đầu năm (5,4%) và tăng trưởng xuất khẩu khoảng 16 – 17%, nhưng chúng tôi dự báo tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tới đặc biệt là quý III và quý IV sẽ chậm lại do các tác động như đã nói ở trên. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể cũng chỉ đạt từ 5,5 – 6%”, ông Nghĩa đánh giá.
Theo BVSC, sau các phát biểu của một số thành viên Fed lý giải việc Fed mạnh tay tăng lãi suất, cùng với việc bắt đầu thực hiện thắt chặt định lượng trong bối cảnh lạm phát của Mỹ tiếp tục leo cao đã khiến đồng USD có diễn biến tăng mạnh trở lại, đồng thời làm các đồng tiền khác mất giá, trong đó có đồng VND. Mặc dù vậy, với nền kinh tế vĩ mô ổn định và nguồn dự trữ ngoại hối lớn, BVSC đánh giá biến động của tỷ giá trong năm 2022 sẽ không quá lớn, dao động quanh mức +/-2% trong năm nay.
TS. Võ Trí Thành cũng đồng tình cho rằng, NHNN vẫn điều hành, kiểm soát tỷ giá linh hoạt cùng với nguồn cung USD tích cực (cán cân thương mại ước tính xuất siêu 2,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm và FDI giải ngân đạt 5,9 tỷ USD), dự trữ ngoại hối của Việt Nam dồi dào... nên khả năng tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát tốt, mức tăng 2% trong năm 2022 là khả thi.
Việc Fed tăng lãi suất tuy không có tác động mạnh, nhưng mặt bằng lãi suất tại Việt Nam cũng khó tránh ảnh hưởng. TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, áp lực tăng lãi suất huy động cũng sẽ lớn hơn trong giai đoạn từ nay cho tới cuối năm, đặc biệt khi kỳ vọng lạm phát của người dân ngày càng tăng cao và buộc các ngân hàng phải huy động lãi suất tiền gửi cao hơn. Điều này cũng sẽ kéo theo những áp lực nhất định đối với lãi suất cho vay.
Chung quan điểm, TS. Võ Trí Thành cho rằng, áp lực lạm phát cộng thêm sự phục hồi của các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán đã buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động và điều đó có thể gây khó khăn cho nỗ lực thực hiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế phục hồi của hệ thống ngân hàng. Trong thời gian qua, các ngân hàng cố gắng giảm lãi suất cho vay để góp phần phục hồi kinh tế, nhưng với sức ép từ việc tăng lãi suất của Fed cũng như áp lực lạm phát thì việc giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1%/năm trong hai năm tới ngày càng khó khăn hơn.
Song, theo TS. Thành không phải là không còn dư địa để giảm lãi suất trong giai đoạn tới. NHNN tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng giữ ổn định lãi suất. Bên cạnh đó, các NHTM nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, hy sinh lợi nhuận... có thêm dư địa tài chính hỗ trợ khách hàng. Đó là kỳ vọng trong tương lai. Còn trong giai đoạn này, TS. Thành cho rằng, việc bình ổn được mặt bằng lãi suất hiện tại cũng là nỗ lực đáng ghi nhận.
Ngoài lãi suất, theo ông Nghĩa hệ thống ngân hàng còn chịu áp lực khác đó là nợ xấu. “Hiện nay nợ xấu chưa phản ánh đầy đủ bởi quy định giãn hoãn nợ. Bắt đầu từ tháng 6 này quy định sẽ không còn nữa, số nợ xấu tăng nhiều hơn, trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng lên. Nguồn tiền thu từ nợ về cho vay sẽ giảm và lãi suất huy động và cho vay cũng sẽ tăng thêm”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Khi Fed mạnh tay tăng lãi suất, cũng đã xuất hiện những lo ngại dòng vốn đầu tư quốc tế sẽ đảo chiều, chảy khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên theo ông Nghĩa, điều này còn phụ thuộc vào bức tranh kinh tế nội tại của Việt Nam. Bởi nếu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt từ 5,5% trở lên, lạm phát theo dự báo của ông Nghĩa cũng chỉ đâu đó khoảng 4%,... môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn cơ bản là hấp dẫn các nhà đầu tư.