Làm phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”: Cuộc thử thách mạo hiểm?
Có thể khẳng định tác phẩm văn học “Đất rừng phương Nam” là tác phẩm nổi bật trong đời viết của nhà văn Đoàn Giỏi (1925 – 1989). Ông quê ở xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (ngày nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Nhà văn Đoàn Giỏi là người cầu toàn, mỗi lần tái bản tác phẩm ông đều sửa chữa, thậm chí viết thêm. Lần cuối cùng nhà văn Đoàn Giỏi sửa chữa “Đất rừng phương Nam” đó là bản in năm 1982. Đây cũng là bản “Đất rừng phương Nam” hay nhất được in đi in lại cho đến ngày nay.
Bối cảnh trong phim “Đất rừng phương Nam” |
Nhà văn Đoàn Giỏi viết tác phẩm này từ “đơn đặt hàng” của Hội Văn nghệ Việt Nam của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Lúc ấy Nguyễn Huy Tưởng đang phụ trách việc chuẩn bị thành lập NXB Kim Đồng. Vào khoảng đầu năm 1957, Đoàn Giỏi đang làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Tưởng tìm đến gặp Đoàn Giỏi đề nghị viết một tác phẩm về thiếu nhi Nam Bộ. Chỉ còn 4 tháng nữa là đến thời điểm khai sinh NXB Kim Đồng vì thế, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đặt hàng Đoàn Giỏi viết trong thời gian 4 tháng. Đoàn Giỏi nhận lời. Nhưng 4 tháng trôi qua, ông vẫn chưa động bút. Cho đến tháng 5 khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gặp lại, nhấn mạnh rằng cuốn sách đó sẽ in đúng vào thời điểm ra đời của NXB Kim Đồng là tháng 6/1957. Nhờ sự khích lệ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Giỏi bắt đầu chấp bút. Ông viết trong nỗi nhớ quê hương da diết, vì thế, chỉ sau một tháng, ông đã kịp hoàn thành tác phẩm để “trả nợ”. Đây là tác phầm đầu tay Đoàn Giỏi viết cho thiếu nhi, được xuất bản ngay thời điểm ra đời của NXB Kim Đồng, và “Đất rừng phương Nam” được đông đảo bạn đọc đón nhận nhiệt liệt.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, “Đất rừng phương Nam” làm thay đổi một nhận thức vốn là định kiến trong giới, rằng một tác phẩm viết theo đơn đặt hàng thì bị gò bó, trói buộc cả đề tài và cảm xúc. Nhưng tác phẩm này lại vượt qua những ràng buộc đó, Đoàn Giỏi hoàn toàn tự do với đơn đặt hàng và trở thành một trong những tên tuổi viết cho thiếu nhi hay nhất Việt Nam. “Đất rừng phương Nam” là một tác phẩm viết cho thiếu nhi mà lại làm say lòng cả người lớn, và Đoàn Giỏi là một trong những nhà văn để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng các thế hệ bạn đọc ở nước ta. Ông là ví dụ đẹp đẽ cho câu nói: “Ai yêu tuổi thơ, người đó có cả thế giới”.
Dẫn lại đôi điều về nhà văn Đoàn Giỏi và cuốn sách văn học “Đất rừng phương Nam” như vậy để thấy chỗ đứng của nó trong lòng nhiều thế hệ độc giả, đồng thời cũng là tác phẩm thiếu nhi có chỗ đứng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Vì thế, việc khai thác tác phẩm để làm phim, làm kịch là điều hết sức xứng đáng, nhưng cũng hết sức lưu ý để tránh làm “hỏng” tác phẩm.
Việc đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận lời làm bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” rõ ràng cũng là một thách thức. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể nói anh và ê kíp làm phim đã vượt qua những áp lực lớn đến từ nhiều phía, để chuẩn bị hoàn tất bản dựng cuối, sẽ ra mắt khán giả vào trung tuần tháng 10 tới.
Đạo diễn và nhà sản xuất phim “Đất rừng phương Nam" phiên bản điện ảnh 2023 tung trailer chính thức vào tối 22/9. Phim kể về hành trình phiêu lưu của An, một cậu bé chẳng may mất mẹ trên đường đi tìm cha. Cùng với An, khán giả sẽ trải nghiệm sự trù phú của thiên nhiên và nét đẹp văn hoá đặc sắc của vùng đất Nam Kỳ Lục Tỉnh, sự hào hiệp của những người nông dân bám đất, bám rừng và tinh thần yêu nước kháng Pháp đầu thế kỷ 20. Đoàn phim cũng cho biết, phim được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và kế thừa những giá trị tốt đẹp của phiên bản truyền hình "Đất phương Nam" cách đây 25 năm.
Ngay khi vừa công bố những bối cảnh trong phim, đạo diễn và ê kíp sản xuất đã đối mặt với những ý kiến trái chiều, trong đó nhiều người bày tỏ bối cảnh miền sông nước trên phim “rất giả”. Những cây cầu, những ngôi nhà phục dựng, rồi không khí chợ nổi chưa thuyết phục vì vào thời điểm đầu thế kỷ 20 ở miền Tây “không như vậy”.
Dư luận lại tiếp tục ồn lên khi mới đây, đoàn làm phim công bố tạo hình nhân vật bác Ba Phi – nhân vật quan trọng trong phim “Đất rừng phương Nam”. Vai bác Ba Phi ở bản phim truyền hình “Đất phương Nam” cách đây 1/4 thế kỷ do nghệ sĩ Mạc Can đóng, và lập tức chinh phục được khán giả cả nước. Còn ở bản phim điện ảnh chuẩn bị ra mắt này, việc đạo diễn chọn diễn viên Trấn Thành vào vai bác Ba Phi, nhiều người cho rằng diễn viên này còn “quá trẻ”.
Trước ý kiến này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ, điện ảnh có bộ môn tạo hình, hóa trang được sinh ra để làm những việc đó. “Tôi nghĩ khi đọc tiểu thuyết mọi người sẽ có những suy nghĩ khác về nhân vật bác Ba Phi. Tôi thích nhất tinh thần của Trấn Thành khi nhập vai”, Quang Dũng nói, và thêm rằng: "Nhân vật bác Ba Phi là một người hoạt ngôn, mang tinh thần vui vẻ và kèm những ẩn ý. Tôi nghĩ Trấn Thành chính là lựa chọn phù hợp nhất".
Còn chính diễn viên Trấn Thành cho biết, khi nhận lời vào vai bác Ba Phi, anh cũng suy nghĩ và đắn đo rất nhiều. Tuy vậy, anh đã chấp nhận lời mời và xác định đây là một thử thách lớn bởi hình tượng bác Ba Phi của nghệ sĩ Mạc Can đã in dấu ấn rất sâu đậm trong ký ức của mọi người. Tuy vậy, Trấn Thành cũng có lý khi cho rằng, ký ức đẹp là điều rất tốt nếu chúng ta giữ những hình ảnh đẹp đẽ trong tim mình và mở lòng đón nhận những cái mới. Vì nếu ai cũng sợ hãi thì sẽ chẳng có ai làm lại được những điều đẹp đẽ đó. "Nếu phiên bản phim điện ảnh lần này hay và may mắn được mọi người đón nhận, nó sẽ lại là ký ức đẹp của những người sống ở năm 2023. Và biết đâu 20 năm nữa sẽ lại có người được truyền cảm hứng để làm lại một “Đất rừng phương Nam” mới. Mỗi phiên bản, mỗi thời kỳ đều có sự đặc biệt, những cái hay khác nhau”, Trấn Thành bày tỏ quan điểm.