Liên kết xây dựng cơ chế thu hút đầu tư
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, liên kết cùng phát triển giữa TP.HCM và ĐBSCL là nhu cầu cấp thiết: “TP.HCM muốn cùng ĐBSCL tìm ra các giải pháp chung, gắn bó cùng nhau phát huy các thế mạnh của mỗi địa phương để cùng phát triển. Diễn đàn là cơ hội để TP. HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL liên kết chặt chẽ hơn, cùng đưa ra những ý tưởng để xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển mang tính liên vùng, đẩy mạnh thế mạnh nông nghiệp của vùng để hướng đến phục hồi và phát triển kinh tế bền vững”.
Về vấn đề này Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, tư duy hợp tác liên kết vùng đã được đề cập từ 20 năm nay, nhưng chúng ta chưa làm được bao nhiêu. Và để thay đổi thì cần phải huy động được nguồn trí tuệ của mọi thành phần kinh tế, từ chuyên gia, người nông dân… và đặc biệt là doanh nghiệp. Từ thực tiễn sinh động ở ĐBSCL mong rằng các doanh nghiệp, các chuyên gia bằng các mô hình, bằng sự hợp tác công tư đóng góp ý tưởng, đóng góp sáng kiến bằng các mô hình hoạt động thực tiễn của mình.
Ảnh minh họa |
Đồng tình với ý kiến của các lãnh đạo ngành và địa phương, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho rằng TP.HCM một đầu tàu kinh tế, nói đến phát triển thành phố mà không nói đến phát triển vùng, không tính đến mối quan hệ hữu cơ với vùng Đông - Tây Nam bộ là không được. Ngược lại, 2 vùng Đông - Tây Nam bộ muốn phát triển mà không có hạt nhân là TP.HCM thì cũng mất đi động lực. Góp ý thêm về sự cần thiết để liên kết, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, Mekong Connect 2021 là một trong những nỗ lực nhằm tạo ra nhận thức, tiếng nói chung để vận động chính sách cho ĐBSCL; giúp hiện thực hóa ý tưởng thành những khoản đầu tư cụ thể. Muốn thực hiện hiệu quả, ĐBSCL phải tạo ra lợi ích của liên kết làm cơ sở cho đầu tư vào khu vực. Cụ thể, cần đẩy mạnh liên kết thị trường với xương sống là mối liên kết giữa các doanh nghiệp bên cạnh việc hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu chung để kết nối dữ liệu các địa phương.
Các chuyên gia đưa ra gợi ý trong liên kết vùng, đổi mới sáng tạo có thể là giải pháp để huy động tối đa nguồn lực. Vùng ĐBSCL trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp phát triển thị trường khoa học - công nghệ để tối ưu hoá thế mạnh của vùng và rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển hàng đầu trên thế giới.
Tại diễn đàn, các bên đã thống nhất những nội dung hành động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Chính quyền TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ triển khai những giải pháp và hành động cụ thể. UBND TP.HCM sẽ phân công các sở, ngành phối hợp các tỉnh, thành thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp triển khai các giải pháp để việc liên kết phát triển lên mức cao hơn.
“TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ có sự liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, sớm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, ông Phan Văn Mãi nói.