Liệu “đáy” của khó khăn đã qua?
Giữ bình ổn mặt bằng giá, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế | |
Chính sách tiền tệ hướng nhiều hơn đến mục tiêu hỗ trợ phục hồi kinh tế | |
Để chiến thắng trên cả mặt trận y tế và kinh tế |
Khó khăn chồng chất khó khăn
Nhận định về tình hình kinh tế tháng 8, cả TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam và TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đều có chung nhận xét là rất tiêu cực. “Tháng 8 này có thể nói là tháng xấu nhất của năm nay ở hầu như tất cả các chỉ số kinh tế”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Trong khi đó theo TS. Lê Duy Bình, diễn biến kinh tế tháng 8 vừa qua tiếp tục cho thấy những khó khăn rất lớn. Một số lượng lớn doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, có hoạt động được cũng chỉ sản xuất cầm chừng khi rất nhiều khu vực, tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội.
Sản xuất, lưu thông bị đình trệ vì dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu |
Báo cáo kinh tế tháng 8 và 8 tháng năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/8 cũng cho thấy rõ điều đó. Dù nhìn từ góc độ ngành (nông, lâm, thủy sản; công nghiệp và dịch vụ) hay từ các lĩnh vực hoạt động cụ thể, số liệu đều cho thấy những ảnh hưởng rất tiêu cực của đợt dịch lần thứ 4.
Cụ thể theo Tổng cục Thống kê, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ khiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 8/2021 ước tính giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó riêng ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%, trong khi tháng 7 vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ 2,9%. Trong đó, chỉ số IPP tháng 8/2021 giảm rất mạnh ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng của dịch và giãn cách xã hội (đặc biệt ở phía Nam), như: Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; TP. Hồ Chí Minh giảm 49,2%...
Dịch bệnh cũng khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể trong 8 tháng năm 2021, cả nước chỉ có 81,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1.133,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8% về số doanh nghiệp và giảm 7,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 32,4 nghìn doanh nghiệp. Trong khi đó, trong 8 tháng năm nay, có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Nỗ lực tất yếu sẽ mang lại thành quả
Sản xuất, lưu thông bị đình trệ cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6%; nhập khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước. Trong khi ước tính nhập siêu tăng thêm 1,3 tỷ USD và cán cân thương mại 8 tháng năm 2021 ước nhập siêu 3,71 tỷ USD.
Hoạt động thương mại dịch vụ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 10,5% so với tháng trước và giảm tới 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó so với cùng kỳ năm trước, doanh thu du lịch lữ hành giảm tới 97,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 66,9%; doanh thu dịch vụ khác giảm 64,2%, song do doanh thu bán lẻ hàng hóa - chiếm tỷ trọng lớn nhất - chỉ giảm 25,3% nên tổng mức chung mới giảm không quá mạnh như trên.
Tuy nhiên bức tranh kinh tế tháng 8 và 8 tháng năm 2021 vẫn có các tín hiệu tích cực như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp. TS. Lê Duy Bình cho rằng, những yếu tố có thể gây giá cả tăng vừa qua không đến từ bản chất của cân đối hàng (cung - cầu) mà chủ yếu do những tắc nghẽn tạm thời trong việc lưu thông, phân phối ở cục bộ một số địa bàn nên khi các vấn đề này giải quyết được sẽ giúp trở lại trạng thái bình thường.
Trên thực tế, CPI tháng 8 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,82% so với tháng 8/2020, theo lý giải của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính là do giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tính chung CPI tháng 8 chỉ tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020. Đáng chú ý, CPI bình quân 8 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Đặc biệt các chuyên gia đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt đã giúp kiểm soát lạm phát ở mức thấp, qua đó góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Quả vậy, lạm phát cơ bản tháng 8/2021 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,79%), cho thấy biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng.
Bên cạnh đó, dù sản xuất ở các địa phương gặp nhiều khó khăn song thực tế trong tháng qua, kiểm soát dịch tốt đã duy trì được hoạt động sản xuất tích cực. Một số địa phương có chỉ số IIP tăng tốt như: Hải Phòng tăng 21,2%; Hải Dương tăng 17,8%; Quảng Ninh tăng 17,5%; Bắc Giang tăng 13,1%... Theo TS. Lê Duy Bình, đây chính là những điểm sáng tích cực cho thấy, nếu dịch bệnh khống chế được nhanh trong thời gian tới thì câu chuyện phục hồi cũng sẽ đến với các địa phương vẫn đang bị ảnh hưởng nặng hiện nay. “Theo tôi với bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp cho đến nay, nếu năm nay giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, có được tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao hơn năm ngoái thì đấy đã là rất tốt, tạo tiền đề và sự lạc quan cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022”, TS. Bình kỳ vọng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, nỗ lực kiểm soát được dịch bệnh sớm, đẩy nhanh hơn chương trình tiêm vắc xin, đưa các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường sẽ giúp hoạt động sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng… phục hồi qua đó giúp quý IV sẽ thấy những chuyển biến tích cực.
“Trước mắt, chúng ta thấy tình hình còn khó khăn và tối thiểu từ giữa tháng 9 mới khả quan hơn. Như vậy kéo theo tăng trưởng GDP quý III sẽ khá thấp, có thể chỉ 3,5-4%. Tuy nhiên, tôi tin các biện pháp quyết liệt của chúng ta, đặc biệt là việc dồn lực để giúp các tỉnh phía Nam hiện nay, sẽ sớm mang lại các kết quả khả quan trong kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, từ đó sẽ giúp tình hình khả quan hơn và sự phục hồi có thể diễn ra mạnh mẽ trong quý IV, hoặc ít nhất cũng tạo được nền rất tích cực cho sự bật dậy của năm sau”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.