Loay hoay đầu tư không gian ngầm
TP.HCM: Phát triển không gian ngầm | |
Hà Nội: Khẩn trương lập quy hoạch không gian ngầm của thành phố | |
Hà Nội: Quy hoạch không gian ngầm đô thị trung tâm đến năm 2030 |
Cái khó đầu tiên… tiền đâu?
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, đến năm 2019 đơn vị này sẽ hoàn chỉnh quy hoạch phát triển không gian ngầm tại TP.HCM với ưu tiên tập trung phát triển không gian ngầm tại khu trung tâm thành phố (vùng lõi 930 ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2). Ngoài các dự án ngầm lớn như: Dự án hệ thống đường ngầm nối ga Bến Thành với ga Nhà hát Lớn (thuộc không gian của tuyến Metro số 1), dự án đường ngầm đi bộ tại khu vực đường Lê Lợi - Công viên 23/9 (Quận 1)… Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ hoàn thiện khoảng hơn 10 dự án khai thác không gian ngầm khác chạy dọc theo các tuyến metro đang được xây dựng.
Hạ tầng ngầm tuyến Metro số 1 tại TP.HCM đang dần hoàn thiện |
Tuy nhiên, theo phân tích của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, để các dự án khai thác không gian ngầm hiện nay có thể triển khai được thì chính quyền TP.HCM cần phải nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn và chính sách đầu tư. Bởi hiện tại chỉ với 4 dự án bãi đậu xe ngầm tại các công viên và sân vận động đã được quy hoạch (bao gồm bãi đậu xe công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn, sân khấu Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư), tổng nhu cầu vốn đầu tư đã lên tới gần 7.000 tỷ đồng.
“Tất cả các dự án này cùng với nhiều dự án bãi xe ngầm khác đều đã và đang được nghiên cứu tiền khả thi. Một số dự án đã hoàn chỉnh thiết kế nhưng vẫn án binh bất động vì chưa tìm được nhà đầu tư và chưa được bố trí vốn. Trong khi đó do vướng mắc về chính sách, thủ tục, nên một số nhà đầu tư đã xin rút và còn các NHTM thì luôn xếp các dự án này vào nhóm đầu tư bất động sản nên hạn mức cho vay để đầu tư hạn chế”, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết.
Theo phân tích của ông Lê Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển không gian ngầm (IUS), kinh phí để đầu tư một bãi đậu xe ngầm thông thường sẽ cao gấp 3-4 lần so với đầu tư bãi xe trên mặt đất; thời gian hoàn vốn trung bình cho một dự án thường mất từ 50-70 năm. Vì vậy, nếu nhà đầu tư không được tính một mức thu phí phù hợp thì nguy cơ chôn vốn, thua lỗ là rất lớn. Nhiều năm nay, chính quyền TP.HCM cũng chưa ra được văn bản hướng dẫn về mức thu phí tại các bãi xe ngầm. Vì vậy các nhà đầu tư tư nhân rất e ngại.
Cần chấm dứt cát cứ dữ liệu
Thế nhưng, theo ông Phan Hữu Duy Quốc - Phó Văn phòng đại diện Tập đoàn xây dựng Shimizu (Nhật Bản), cái khó lớn nhất mà các nhà đầu tư công trình ngầm tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung gặp phải hiện nay không phải là vốn mà là dữ liệu. Vì “không biết ở dưới đất có gì” nên các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân rất e ngại tham gia đấu thầu các dự án công trình ngầm.
“Khi đào đường, đào đất lên phát hiện đường dây cáp, đường ống nước… thì không biết phải thông báo cho cơ quan nào? Nhiều khi thông báo một thời gian dài không nhận được phản hồi, nhưng vừa bắt tay vào làm thì lại xảy ra chuyện phải ngưng thi công”, ông Quốc nói.
Đồng quan điểm, TS. Võ Kim Cương - Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng nếu không chấm dứt được tình trạng cát cứ dữ liệu về hạ tầng ngầm thì các quy hoạch khai thác không gian ngầm khó mà thực hiện. Bởi từ hơn 20 năm trước Liên hiệp quốc đã hỗ trợ TP.HCM 200.000 USD để thí điểm lập quy hoạch công trình ngầm ở khu vực đường Trương Định - Lê Văn Sỹ. Thời điểm đó, các công trình ngầm chưa nhiều như hiện nay, nhưng việc lấy các số liệu để làm quy hoạch đã rất khó khăn. Trong khi đó, hiện nay công trình ngầm khá nhiều và đa dạng. Mỗi công trình lại thuộc một cơ quan quản lý khác nhau, sở ngành khác nhau nên nhà đầu tư đụng vào là dễ dàng chán nản.
Theo đề xuất của TS. Phạm Sanh - chuyên gia đô thị, để thống nhất đầu mối về dữ liệu, TP.HCM cần đưa việc hoàn thiện quy chế chính sách quản lý hạ tầng ngầm vào một chương trình trọng điểm thứ 8 (bên cạnh 7 chương trình trọng điểm đã được xác định). Cần thiết thì với cơ chế đặc thù, chính quyền TP.HCM có thể sáp nhập 3 sở: Giao thông – Vận tải, Xây dựng và Quy hoạch - Kiến trúc thành một sở. Rồi xây dựng đồ án quy hoạch chung về không gian ngầm để hoàn thiện quy hoạch không gian ngầm hiện đại bền vững.
Sân chơi mới cho thị trường bất động sản Công ty nghiên cứu thị trường bất động sản Savills nhận định rằng, việc TP.HCM thúc đẩy hoàn thiện quy hoạch khai thác không gian ngầm với quy mô 930 ha trong năm tới rất có thể sẽ là cơ hội để tạo ra một sân chơi mới trong thị trường đầu tư bất động sản, đó là đầu tư vào các dự án hạ tầng ngầm. Bởi tính đến hiện nay toàn TP.HCM mới chỉ có khoảng 1.600 công trình có tầng hầm và bán hầm với tổng diện tích ngầm ước khoảng 11ha. Trong khi nhiều công trình ngầm lớn mới đi vào hoạt động nhưng khai thác rất hiệu quả như: công trình 6 tầng hầm của Vincom Center, công trình 5 tầng hầm của tòa nhà Saigon Centre, Trung tâm Thương mại dưới lòng đất Sensi Market (Quận 1)... Savills cho rằng, trong vài năm tới các sản phẩm bất động sản ngầm sẽ trở thành các sản phẩm nổi bật của thị trường. Đây cũng chính là điểm thu hút các nhà kinh doanh bán lẻ, ăn uống và dịch vụ sẽ tiếp cận những địa điểm ngầm gần các khu vực công cộng có đông người dân qua lại, như ga tàu điện, để mở rộng hoạt động kinh doanh. Điều này góp phần tạo ra sự đa dạng cho thị trường và bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng sẽ dành sự chú ý nhiều hơn đến việc tham gia vào các dự án ngầm như trung tâm thương mại, siêu thị, thậm chí là kho bãi công nghiệp, chuỗi cung ứng. |