Lựa chọn khó khăn của các NHTW
Các NHTW lớn đã tăng lãi suất với tốc độ và cường độ chưa từng có với hy vọng kiềm chế lạm phát, nhưng hiện họ đang phải đối mặt với tình thế khó khăn khi mà lạm phát cao có nguy cơ dai dẳng hơn dự kiến, trong khi rủi ro đối với tăng trưởng và những bất ổn trên thị trường tài chính đang gia tăng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), NHTW Châu Âu (ECB) và NHTW Anh (BoE) là ba NHTW lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 3 vừa qua. Nhưng tất cả đều cảm thấy đang tiến gần đến mức lãi suất cao nhất trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ lần này và vẫn giữ vững các dự báo rằng lạm phát sẽ chậm lại đều đặn trong một hoặc hai năm tới mà không ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên không ít chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách tỏ ra hoài nghi với quan điểm này, bởi theo họ trong một thế giới mà ở đó tình trạng thiếu lao động dai dẳng, nguồn cung toàn cầu bị chia cắt và thị trường tài chính chao đảo có thể buộc các NHTW phải lựa chọn giữa lạm phát cao hơn và kéo dài hơn, hay suy thoái sâu để kiềm chế lạm phát.
Trong nền kinh tế toàn cầu bị phân mảnh hơn đang nổi lên sau đại dịch Covid-19, “chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều cú sốc nguồn cung hơn và chính sách tiền tệ phải đối mặt với sự đánh đổi nghiêm trọng hơn nhiều”, Gita Gopinath - Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết trong một diễn đàn tại Hội nghị thường niên mùa xuân của IMF/WB tại Washington vào tuần trước.
Triển vọng lạm phát giảm cùng với sự trở lại dần dần của tình trạng trước đại dịch tiềm ẩn trong cách mà các NHTW đang định hình lộ trình chính sách phía trước. Trong số Fed, ECB và BoE, chỉ có BoE dự báo một cuộc suy thoái là cần thiết để làm chậm lạm phát, song suy thoái là khá nhẹ; trong khi ECB hy vọng sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến lạm phát mà tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi. Còn các quan chức Fed dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng khiêm tốn một điểm phần trăm trong năm nay từ mức thấp gần như lịch sử là 3,5%, trong khi tăng trưởng kinh tế dù chậm nhưng vẫn tiếp tục.
Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách của Fed vào tháng trước đã chỉ ra rằng cần tăng lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm nữa tại cuộc họp ngày 2-3/5 tới, nâng lãi suất chính sách lên khoảng 5,00% - 5,25%, song đây có thể là lần tăng lãi suất cuối cùng của chu kỳ thắt chặt này. BoE và ECB cũng có thể sẽ tạm dừng tăng lãi suất, nhưng việc Fed tạm dừng sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng kỷ nguyên thắt chặt tiền tệ đã kết thúc.
Tuy nhiên triển vọng lạm phát cao dường như dai dẳng hơn dự kiến. Mặc dù đã có một số đợt giảm lạm phát đáng chú ý trên khắp châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, chúng được thúc đẩy bởi các yếu tố dễ biến động nhất - đặc biệt là chi phí năng lượng - trong khi lạm phát cơ bản, đặc biệt là trong các ngành sử dụng nhiều lao động nhất, lại biến động chậm hơn.
Hiện kỳ vọng cốt lõi của ECB là giảm lợi nhuận, cải thiện chuỗi cung ứng và giảm giá năng lượng để giảm lạm phát, song một số quan chức lo ngại rằng, trong một thế giới khan hiếm lao động, điều đó là không đủ. Chủ tịch Bundesbank Joachim Nagel đã cảnh báo vào tuần trước trong một bài phát biểu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington: “Không có gì chắc chắn là chúng ta sẽ quay trở lại ổn định giá cả trong trung hạn”.
Martins Kazaks - Thống đốc NHTW Latvia cũng chỉ ra một loạt yếu tố vẫn gây áp lực lên giá cả. “Tỷ suất lợi nhuận của công ty vẫn ở mức cao, áp lực tiền lương rất lớn và thị trường lao động bị thắt chặt. Tất cả những điểm này cho thấy rằng lạm phát vẫn tồn tại tương đối mạnh và lãi suất vẫn cần phải tăng lên”, Kazaks nói với Reuters.
Đối với Fed, các nhà hoạch định chính sách khác đã đưa ra những ý tưởng khác nhau về các động lực sẽ làm giảm lạm phát khi lãi suất cao từ từ hạ nhiệt nhu cầu. Tuy nhiên, nhân viên của Fed và ngày càng nhiều các nhà kinh tế không thấy rằng nó sẽ hoạt động nếu không có suy thoái.
Jason Furman - Giáo sư Đại học Harvard, người từng là cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng trong chính quyền Obama từ năm 2013 đến 2017 đã cảm thấy điều đó tiềm ẩn trong các dự đoán của các nhà hoạch định chính sách ngay cả khi họ tránh dùng từ này.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ chưa bao giờ tăng một điểm phần trăm trong 9 tháng mà không có suy thoái kinh tế và mức tăng trưởng 0,4% trong tổng sản phẩm quốc nội dự kiến cho năm 2023, sau quý đầu tiên tăng trưởng mạnh, có nghĩa là sản lượng sẽ giảm trong thời gian còn lại của năm. “Tôi nghĩ rằng họ có một câu chuyện mạch lạc, đó là họ sẽ gây ra suy thoái kinh tế”, Furman nói với Reuters bên lề cuộc họp của IMF/WB.
“Tôi nghĩ họ cũng có hy vọng về một cuộc 'hạ cánh mềm' và điều đó có thể thể hiện ở việc chính sách của họ trở nên rụt rè hơn một chút” so với mức cuối cùng có thể chứng minh là cần thiết, Furman nói và đề cập đến một kịch bản trong đó việc thắt chặt tiền tệ sẽ làm chậm nền kinh tế và lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế.