Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp khó
Thức ăn chăn nuôi: Thị trường dẫn dắt cuộc chơi | |
Cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi | |
Thị trường thức ăn chăn nuôi: Doanh nghiệp ngoại “bao sân” |
Mặc dù là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của khu vực Đông Nam Á, nhưng Việt Nam hiện chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào, mà phụ thuộc phần lớn (đến 70%) vào nguồn ngũ cốc, phụ gia nhập khẩu để sản xuất hay gia công phối trộn thức ăn chăn nuôi. Từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường nhập khẩu nguyên liệu sản xuất sản phẩm giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, khiến hoạt động nhập khẩu và vận chuyển nguyên liệu ngưng trệ. Thậm chí nhiều quốc gia sản xuất lúa mì, ngô, trên thế giới như Hoa Kỳ (Mỹ), Nga, Ucraina, còn tạm ngưng xuất khẩu, khiến doanh nghiệp trong nước thiếu nguồn cung đầu vào cho sản xuất.
Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước hiện đang đối mặt với khan hiếm nguồn nguyên liệu |
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang đối mặt với khan hiếm nguồn nguyên liệu; họ đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu nhập khẩu 70% - 80% nguyên liệu từ các quốc gia Nam Mỹ, Mỹ và châu Âu (EU). Trước mắt tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn phức tạp, giá cả leo thang, trong nước không có nguồn nguyên liệu thay thế, khiến cho việc sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn. Ghi nhận tại các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, từ đầu năm 2020 đến giờ, hầu hết doanh nghiệp giảm sâu sản lượng sản xuất. Cụ thể tại một số doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH Cargill Việt Nam, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam, Công ty Cổ phần GreenFeed Viet Nam… thông thường luôn hoạt động đến 80% công suất thì nay đã giảm dưới 50%. Lượng nguyên liệu dự trữ cơ bản (bắp, lúa mì, sắn, đậu tương…) của doanh nghiệp chỉ duy trì sản xuất từ nay đến hết tháng 6/2020.
Các thị trường lớn cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam là Argentina, Mỹ, Trung Quốc… thì trong 3 tháng qua gần như ngưng trệ, kéo kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong 4 tháng/2020 giảm đến 21% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Nguyễn Như So, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung nguyên liệu, hiện nay hiệp hội và các doanh nghiệp trong nước đang tích cực liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, để cùng hợp tác vận chuyển nguyên liệu trên tàu có trọng tải lớn, nhằm giảm giá thành logistics. Các doanh nghiệp sản xuất cần tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại chỗ và tìm các thị trường mới cung cấp nguyên liệu sản xuất (như Australia, Ucraina...) với giá tốt. Hiện tại mặc dù khó khăn, nhưng nguồn cung đang có tín hiệu khả quan. Cụ thể như tại Mỹ, tiến độ gieo trồng nhanh hơn so với bình thường, mặt hàng bắp ngô hoàn thành 67% diện tích trồng trọt và đậu tương hoàn thành 38% tính đến ngày 10/5/2020. Dự báo sản lượng ngô của nước này trong năm nay sẽ đạt mức cao kỷ lục, dự trữ ngũ cốc nội địa đạt mức cao nhất trong 33 năm. Như vậy, đến quý II/2020 nguồn cung nguyên liệu từ thị trường này sẽ dồi dào trở lại.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện nay ngành thức ăn chăn nuôi vẫn tồn tại bất cập. Chất lượng sản phẩm chưa ổn định, độ an toàn thấp, nhất là đối với các loại thức ăn bổ sung, thức ăn tự phối trộn, điều này chứa đựng nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng không tốt đến năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi và gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù số lượng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi khá nhiều (với 245 nhà máy, cơ sở chế biến), công suất khoảng 28,2 nghìn tấn/ năm (trong đó có 71 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, 147 cơ sở trong nước), song doanh nghiệp trong nước chưa làm chủ được thị trường, thậm chí công suất hoạt động còn đang có xu hướng bị cắt giảm, thu hẹp thị phần. Trong khi công suất sản xuất của các cơ sở chế biến có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 60% - 65% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất ra. Với chênh lệch về thực lực sản xuất như vậy, đứng trước khó khăn về nguồn cung nguyên liệu như hiện tại, rõ ràng doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt đang chịu những rủi ro tiềm tàng không nhỏ.