Miền Trung “lót ổ” chờ nhà đầu tư Hoa Kỳ
Quảng Nam kỳ vọng đón ‘sóng’ đầu tư từ Hoa Kỳ Các nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm tới thị trường Việt Nam Doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ: Đẩy mạnh kết nối kinh doanh và đầu tư |
Cơ hội thu hút đầu tư
Tại Diễn đàn “Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ - Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt”, do Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam
(AmCham), Chi hội Đà Nẵng phối hợp với Hội doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng tổ chức, ông Lê Trí Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố chia sẻ, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện mở ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp hai nước. Thông qua diễn đàn, Hội Doanh nhân trẻ và AmCham Đà Nẵng mong muốn sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng, Quảng Nam có cái nhìn sâu rộng hơn về cơ hội để điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm đáp ứng chuỗi giá trị toàn cầu khi có nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam, trong đó có khu vực miền Trung.
Miền Trung đang nỗ lực để thu hút các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ |
Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 81 dự án đầu tư của Hoa Kỳ với tổng số vốn hơn 487 triệu USD. Trong đó, 19 dự án công nghệ thông tin với tổng vốn hơn 63,8 triệu USD. Một số dự án có thương hiệu lớn của Hoa Kỳ đang đầu tư vào địa phương như, Coca-Cola, Keytronic, Kimberly-Clark. Đặc biệt, dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, do Tập đoàn
Universal Alloy Corporation (UAC) đầu tư với tổng số vốn là 170 triệu USD tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng… Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng khẳng định, thành phố đang rất quan tâm mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có năng lực tài chính, công nghệ cao đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh và cơ hội hợp tác tại địa phương.
Tương tự, Hoa Kỳ cũng là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Quảng Nam. Theo đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2022 đạt hơn 1,126 tỷ USD, chiếm 56,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Trong 10 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu của Quảng Nam sang Hoa Kỳ đạt 438,45 triệu USD…
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ vào Quảng Nam hiện còn khá nhỏ. Tuy vậy, với tình hình ngày càng khả quan như hiện nay, chính quyền địa phương hy vọng tình hình sẽ đổi thay trong thời gian tới. Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kỳ vọng, việc nâng cấp mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước cùng với sự quan tâm tìm hiểu về môi trường đầu tư Việt Nam của nhiều nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ sẽ tạo nên nhiều cơ hội lớn trong hợp tác thương mại giữa Quảng Nam với thị trường Hoa Kỳ; đặc biệt góp phần thu hút các dự án FDI chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy mối liên kết và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp của địa phương để cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cơ hội đi liền với thách thức
Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper, hai nước đang có nhiều hợp tác quan trọng. Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hoa Kỳ cũng cam kết hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong tương lai cho Việt Nam.
Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Hoa Kỳ có thế mạnh cũng chính là những lĩnh vực mà một số địa phương ở miền Trung đặc biệt là Quảng Nam và Đà Nẵng đang mong muốn thu hút đầu tư. Trong đó có thể kể đến như, công nghệ thông tin, sản xuất công nghệ cao, tự động hóa, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp hỗ trợ, y tế, giáo dục hay bất động sản du lịch…
Tuy có nhiều cơ hội, song miền Trung sẽ phải rất nỗ lực mới có thể hấp dẫn, thu hút được các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ. Các lĩnh vực mà nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm rót vốn đầu tư đều có hàm lượng công nghệ cao, phát triển đổi mới sáng tạo với những yêu cầu về chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển bền vững, đi kèm theo đó là nguồn nhân lực chất lượng cao…
Một minh chứng, khi nói về việc đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, ông Christopher Allan Vanllon, Chủ tịch Amcham Đà Nẵng cho biết, hiện nơi này đang có rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư… Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường yêu cầu phải sử dụng ít nhất 25 đến 30% năng lượng từ các nguồn bền vững…
Cùng với đó, theo ông Michael Lương, Giám đốc dự án Công ty Phát triển Giải pháp Năng lượng sạch Asia Clean Capital Vietnam (ACCV), một trong những khó khăn của doanh nghiệp là nguồn nhân lực. Nhìn chung, vẫn còn nhiều sinh viên thiếu kỹ năng thực tế cũng như khả năng ngoại ngữ còn hạn chế. Bởi vậy, chương trình thực tập tại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao là rất quan trọng.
Trong khi đó, xét về quy mô của các doanh nghiệp ở Đà Nẵng hay Quảng Nam hầu hết là các doanh nghiệp có mô vừa và nhỏ, thiếu chiến lược kinh doanh bài bản và dài hơi. Các doanh nghiệp có trình độ công nghệ thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI; năng lực tổ chức sản xuất và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu của chuỗi cung ứng. Đặc biệt, một trong những điểm yếu nhất của doanh nghiệp là khả năng nghiên cứu, phát triển (R&D). Bởi vậy, hầu hết các doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng một cách toàn diện các yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, thông số kỹ thuật, nguồn nguyên vật liệu và chính sách đặt hàng của các doanh nghiệp FDI trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ...
Khó khăn là vậy, song miền Trung vẫn đang quyết tâm “lót ổ” chờ nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ. Thậm chí, Quảng Nam còn lên kế hoạch sẽ thành lập Khu công nghiệp Quảng Nam - Hoa Kỳ. Trong đó, ưu tiên thu hút ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành kinh tế số như, công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, năng lượng sạch… Đi kèm với đó, chính quyền các địa phương còn cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng xã hội, xây dựng hệ thống logistics hiện đại… để nhà đầu tư Hoa Kỳ có nền tảng, yên tâm đến đầu tư lâu dài ở miền Trung cũng như tại Việt Nam.