Mobile Money thúc đẩy tài chính toàn diện
Mobile Money sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt | |
Mobile Money - Giải pháp thực thi chính sách | |
Tiền di động sức bật mới trong thanh toán không tiền mặt |
Theo báo cáo Mobile Money của Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA) năm 2020, đã có 290 tổ chức cung cấp dịch vụ này tại 95 quốc gia trên toàn cầu, với khoảng 2 tỷ USD giá trị xử lý giao dịch/ngày…, biến Mobile Money trở thành nền tảng thanh toán phổ biến tại các khu vực với các dịch vụ tài chính chưa được phát triển mạnh.
Tại Việt Nam, mật độ thuê bao di động đã đạt tỷ lệ trên 100% dân số từ nhiều năm qua, đây là cơ hội cho những giải pháp thanh toán trên nền di động phát triển. Cho đến thời điểm này, NHNN đã cấp phép cho ba nhà mạng viễn thông gồm VNPT, Mobifone và Viettel triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Ảnh minh họa |
Sau một tuần từ khi NHNN cấp phép, VNPT là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức ra mắt Mobile Money (VNPT Pay) trên toàn quốc từ ngày 25/11/2021. Theo thông tin từ VNPT, ngày 29/11/2021 - sơ bộ sau ba ngày triển khai Mobile Money, đã có hơn 10.000 thuê bao đăng ký tài khoản sử dụng dịch vụ này.
Bên cạnh VNPT, ngày 01/12/2021, Viettel cũng chính thức chào thương hiệu mới - hệ sinh thái tài chính số Viettel Money. Trong khi MobiFone đang trong giai đoạn đầu thí điểm cung cấp dịch vụ này trên hệ thống hơn 600 cửa hàng, điểm giao dịch của MobiFone, sau đó mở rộng ra toàn bộ hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch thông qua các đối tác, đại lý.
Cùng với ngân hàng số, Mobile Money được giới chuyên gia đánh giá sẽ mở ra các cơ hội hợp tác mới cho các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động trong thời gian tới. Ông Hoàng Sinh Trường - Giám đốc Trung tâm dịch vụ số MobiFone chia sẻ, Mobile Money giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn thanh toán không dùng tiền mặt của người dân với những hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ cho những nhu cầu căn bản như chuyển tiền, nạp/rút tiền, thanh toán hoá đơn điện/nước/viễn thông… chỉ cần thông qua thuê bao di động chính chủ.
“Khi người dân có đủ điều kiện tham gia thanh toán số, sử dụng dịch vụ tài chính với mức phí phù hợp sẽ tạo thói quen sử dụng dịch vụ tài chính số, từ đó sẽ thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam. Thêm nữa, Mobile Money có thể được xem như cánh tay nối dài của hệ thống ngân hàng Việt Nam khi giúp khách hàng làm quen với các giao dịch nhỏ để tiến tới các giao dịch lớn hơn thông qua ngân hàng”, ông Trường cho hay.
Theo một chuyên gia tài chính, việc có Mobile Money, bà con sẽ chủ động hơn trong các giao dịch cá nhân và giúp tiếp cận nhiều ngành nghề dịch vụ mới, có thể tự chủ về tài chính. Chẳng hạn bà con nông dân hoàn toàn có thể bán nông sản, hàng hoá… cho người dân ở thành phố hay thị trấn và thu tiền một cách trực tiếp hơn; giảm dần các chi phí trung gian và gia tăng lợi nhuận trực tiếp từ khâu sản xuất.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm của nhiều quốc gia triển khai Mobile Money cũng chỉ ra rằng dịch vụ này tác động tốt cho vấn đề bình đẳng giới khi giúp cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế bán lẻ, làm chủ kinh tế, đặc biệt là kinh tế số.
Thông qua việc tham gia các dịch vụ thanh toán cũng giúp người dân ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa hình thành được dữ liệu tín dụng cá nhân của mình - làm cơ sở để các ngân hàng, tổ chức tài chính tiếp cận đối tượng khách hàng này dễ dàng hơn. Mobile Money khi đó sẽ trở thành cầu nối giúp người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính, bảo hiểm… nhanh chóng, tiện lợi với chi phí thấp hơn, từ đó khiến đời sống về tài chính của đối tượng này được hình thành và mở rộng.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, Mobile Money cũng phải đối diện với những thách thức lớn nằm ở xác thực khách hàng, đòi hỏi các đơn vị cung ứng dịch vụ phải tập trung nguồn lực, công nghệ nhằm ngăn chặn các rủi ro phát sinh, đảm bảo an ninh tiền tệ; và thách thức tới từ việc quản lý các điểm kinh doanh làm sao để vận hành hiệu quả…
Từ phía nhà mạng, ông Ngô Diên Hy - Phó tổng giám đốc VNPT, Chủ tịch Công ty VNPT Media nhìn nhận, một trong những yếu tố quan trọng khi triển khai Mobile Money là công nghệ, đặc biệt là công nghệ xác thực và định danh eKYC, công nghệ Face search (tìm kiếm khuôn mặt), biometric (sinh trắc học), big data… “VNPT sử dụng dịch vụ eKYC của chính VNPT để phục vụ cho việc định danh và xác thực các tài khoản Mobile Money được thuận tiện nhất, với mục tiêu cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho người dùng qua ứng dụng các công nghệ 4.0. Đồng thời sử dụng ứng dụng, sản phẩm như e-contract (hợp đồng điện tử), dịch vụ chữ ký số từ xa (Smart CA) tạo một nền tảng mở để cho các bên dễ dàng tham gia vào hệ sinh thái tài chính với tập đoàn, từ đó tạo thuận lợi hơn cho các điểm thanh toán, điểm kinh doanh dịch vụ Mobile Money của VNPT”, ông Hy cho hay.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, quan trọng nhất là làm sao để khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ. Muốn vậy không gì khác là dịch vụ mang lại phải có chất lượng, sự tiện lợi và an toàn.