Nền tảng để hội nhập
“Đứt gẫy” chuỗi cung ứng, doanh nghiệp khó tham gia hội nhập | |
Chuyển đổi số: Tạo đột phá trong hiệu suất vận hành doanh nghiệp |
Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh thì những lợi thế về nguồn lao động dồi dào, nhân công giá rẻ đang dần mất ưu thế. Chính vì vậy, các giải pháp làm tăng năng suất cho DN đang được chú trọng để nâng cao sức cạnh tranh.
Thời gian qua, ngành dệt may được đánh giá có nhiều cải tiến và đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại vào sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh việc các DN tập trung nguồn lực tài chính mạnh vào mua sắm các dây chuyền sản xuất tiên tiến, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh, thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đã được chú trọng. Nhiều DN cũng đã áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn quản lý như: hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000, hệ thống quản lý môi trường ISO 14000. Trong đó tập trung cải tiến hiệu quả máy móc, cải tiến quy trình sản xuất, đào tạo nâng cao nhận thức của người lao động…
Đại diện Tổng công ty may Đức Giang cho biết, sau khi áp dụng các công cụ cải tiến, đã góp phần rút ngắn thời gian chuẩn bị sản xuất, giảm lượng hàng tồn kho và tăng năng suất thiết bị. Thời gian chuyển đổi mã hàng mới đã giảm từ 8 xuống còn 6 giờ; đối với mã hàng truyền thống giảm từ 6 xuống 4 giờ. Tỷ lệ sai lỗi trên chuyền giảm từ 15 xuống còn 10%, giảm 20-50% thời gian ngừng máy so với trước khi thực hiện cải tiến; năng suất lao động tăng 5-8%, lượng hàng tồn trên chuyền giảm từ Lean 10 xuống Lean 8.
Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua Tổng công ty đã liên tục đầu tư xây dựng một đội ngũ cán bộ đủ năng lực và kinh nghiệm, một hệ thống quản lý khoa học và một môi trường lao động thân thiện, hài hoà, có thể đáp ứng các yêu cầu khắt khe của mọi khách hàng đến từ nhiều nước và khu vực trên thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada...
Hiện nay, các DN đang rất quan tâm đến việc tăng năng suất, điều đó thể hiện thông qua việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu… Theo đánh giá của các chuyên gia, DN trong nước còn có cơ hội tăng năng suất 15-30% (thậm chí lên tới 40-45%) thông qua cải tiến quy trình, tổ chức lại sản xuất, giảm lãng phí, sai lỗi, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị… Đơn cử như dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp" do Bộ Công thương triển khai tới các DN đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công thương cho rằng, dự án triển khai đã giúp các DN rất nhiều trong việc cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Dự án cũng đã giúp các DN đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về hệ thống quản lý, chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng của các nhà gia công lắp ráp.
Khảo sát của Bộ Công thương cho thấy, 99,3% DN đánh giá hoạt động của dự án mang lại hiệu quả rõ nét, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của DN (98%), 64,7% các DN có cải thiện về năng suất, 56,9% DN có cải thiện về chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, trong thời gian tới Bộ Công thương tiếp tục xây dựng dự án trong giai đoạn 2021-2030. Hy vọng dự án giai đoạn 2 sẽ tiếp tục mang lại những hiệu quả và đột phá đối với vấn đề nâng cao năng suất và chất lượng của các DN ngành Công thương, ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh.
Có thể thấy, hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và quản lý chất lượng sản phẩm được đánh giá là yếu tố quan trọng thúc đẩy các DN phát triển và hội nhập trong bối cảnh mới. Do đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Đây được coi là cú huých mới hỗ trợ DN trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến khả năng cạnh tranh của DN.
Theo mục tiêu của dự án, giai đoạn 2021-2030, số DN được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng hàng năm tăng từ 10-15%, trong đó, số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho DN tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011-2020; có ít nhất 100 DN được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc. |