Nâng cao hiệu lực điều hành chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ đã quá sức, cần tập trung đẩy mạnh chính sách tài khóa NHTW Anh chưa dừng thắt chặt tiền tệ Cần thêm các giải pháp để khơi thông các nguồn lực xã hội |
Đó là ý kiến được trao đổi tại Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện công cụ chính sách tiền tệ nhằm từng nước chuyển dịch từ cơ chế điều hành khối lượng sang điều hành giá tại Việt Nam” do Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) tổ chức sáng 17/8. Đề tài do ThS. Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN làm chủ nhiệm đề tài.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng chia sẻ, tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã định hướng CSTT giai đoạn tới phải phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định hệ thống, tăng cường tính minh bạch, công khai, nhà nước can thiệp bằng công cụ thị trường và chỉ khi cần thiết nhằm tăng dần tính độc lập, chủ động, trách nhiệm giải trình về mục tiêu điều hành CSTT, kiểm soát lạm phát ở mức độ phù hợp từng thời kỳ hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. Như vậy, định hướng đã cho thấy rõ việc cần thiết phải đổi mới khung khổ CSTT theo hướng chuyển dần từ điều hành theo khối lượng sang điều hành theo giá, sử dụng công cụ gián tiếp tiến tới dỡ bỏ các biện pháp hành chính về lãi suất khi có điều kiện. Và trong lộ trình đó các công cụ CSTT cần được hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu lực tác động để đạt mục tiêu CSTT.
Toàn cảnh Hội thảo |
Đại diện nhóm nghiên cứu, ThS. Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, từ năm 2012 đến nay khi điều hành CSTT của NHNN chuyển dịch sang cơ chế CSTT kết hợp điều hành theo giá và điều hành theo lượng thì việc điều hành CSTT đã có sự chủ động, linh hoạt hơn và về cơ bản đã đạt được các mục tiêu CSTT đặt ra trong từng thời kỳ.
Các công cụ CSTT ngày càng được hoàn thiện và phát huy hiệu quả trong điều hành của NHNN. Tuy nhiên, do điều hành CSTT vẫn phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu như vừa kiểm soát lạm phát, vừa bảo đảm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô...nên một số thời điểm đã gây khó khăn cho NHNN trong việc đưa ra các quyết định chính sách để hạn chế các xung đột giữa các mục tiêu. Chẳng hạn như trong bối cảnh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023, NHNN vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải phấn đấu giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm 0,5-1%/năm trong giai đoạn 2022-2023); trong khi đó, rủi ro lạm phát có nguy cơ tăng cao khi giá nguyên, nhiên, vật liệu của thế giới ở mức cao, áp lực phục hồi nền kinh tế, độ trễ của các gói kích thích kinh tế, xu hướng thắt chặt CSTT của nhiều quốc gia...
ThS. Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ chủ nhiệm đề tài trao đổi kết quả nghiên cứu |
Ngoài ra, việc điều hành của NHNN chịu tác động nhiều chiều của các yếu tố như: thách thức từ những biến động phức tạp, khó lường của tài chính toàn cầu, CSTT của NHTW các nước, việc điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý, chính sách đầu tư công... đã gây áp lực lớn và phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành của NHNN.
Theo nhóm nghiên cứu, khuyến nghị của IMF đối với các quốc gia mới nổi và đang phát triển trong quá trình hiện đại hóa CSTT, chuyển từ điều hành khối lượng sang điều hành theo lãi suất và từ các phân tích, đánh giá nêu trên cho thấy các điều kiện để NHNN có thể áp dụng để chuyển đổi từ điều hành từ lượng sang giá đó là: Thị trường tiền tệ cần hoạt động hiệu quả, thông suốt và truyền dẫn lãi suất lãi suất đến nền kinh tế; NHNN cần được đạt mức độ độc lập nhất định trong điều hành và quyết định các vấn đề liên quan đến CSTT để theo đuổi mục tiêu lạm phát và giảm áp lực thực hiện các mục tiêu khác; NHNN có khả năng dự báo cầu thanh khoản thị trường tiền tệ để đáp ứng kịp thời, giúp giữa ổn định thị trưởng theo mục tiêu đặt ra.
Đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo |
Do đó, nhóm nghiên cứu đề ra một số giải pháp hoàn thiện các công cụ chính sách tiền tệ của NHNN thời gian tới. Cụ thể, nhóm giải pháp liên quan đến lãi suất chính sách của NHNN như: Xác định lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở là lãi suất chính sách; thiết lập hành lang cho lãi suất liên ngân hàng; xây dựng mô hình dự báo lãi suất chính sách trên cơ sở mô hình kinh tế vĩ mô theo quý. Bên cạnh đó, xem xét việc tiến tới bỏ biện pháp thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD...