Nắn lại “méo - tròn” Fintech
“Sân chơi” và luật chơi cho fintech Tăng cường tài chính số thúc đẩy tài chính toàn diện Rộng đường phát triển cho vay trực tuyến |
Nhân viên thẩm định công ty fintech gọi điện trực tuyến, xác minh thông tin khách hàng. |
Nhu cầu vay vốn thường trực
Chị Lê Xuân (27 tuổi) làm nghề kinh doanh ở chợ. Mỗi tháng, chị thường có nhu cầu vay thêm khoảng 30-50 triệu đồng, hoặc có lúc chỉ thiếu hụt 10 triệu đồng để nhập thêm hàng mới.
Không chỉ chị Xuân, với những người có nhu cầu chữa bệnh hoặc cần nguồn tài chính trang trải gấp thì sự có mặt kịp thời của các công ty fintech (công nghệ tài chính) trở thành cứu cánh, giúp người vay vượt qua khó khăn trước mắt kịp thời.
Thực tế cho thấy, nhu cầu vay vốn là thường trực. Bên cạnh cho vay cá nhân để phục vụ những mục đích khác nhau, nguồn vốn từ các công ty tài chính cũng hỗ trợ đáng kể với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Việc nắm bắt cơ hội đối với cá nhân hay bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều quan trọng. Trong trường hợp cần kíp nhưng thiếu hụt một khoản tiền, họ sẽ ưu tiên thu xếp tài chính để giải quyết ổn thỏa công việc trước, dù mức lãi suất có thể cao hơn lãi suất ngân hàng”, anh Trần Văn Phước, chủ một chuỗi cửa hàng thực phẩm cho hay.
Theo lời kể của anh Phước, cuối năm 2022, khi “room” tín dụng hạn hẹp và dòng tiền trong công ty căng thẳng, anh phải vay từng chục triệu đồng để trả lương, thưởng cho nhân viên và thanh toán tiền hàng cho đối tác. Nếu không có nguồn cho vay từ công ty tài chính hay các công ty fintech, anh Phước sẽ gặp khó khăn lớn và ảnh hưởng đến uy tín trong kinh doanh.
Tờ Tech Asia mới đây dẫn một báo cáo năm 2022 của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy phân khúc cho vay tại Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 56% trong giai đoạn 2022-2025.
Fintech và những sự “ngộ nhận”
Sự xuất hiện và tồn tại của những công ty cho vay trực tuyến có ý nghĩa rất lớn trong đời sống kinh tế - xã hội hiện đại, nơi mà các giao dịch phát sinh thường xuyên, điều kiện tiếp cận internet, công nghệ của người dân ngày một thuận tiện.
Việt Nam hiện có khoảng 160 công ty hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó, phân khúc chủ yếu của thị trường fintech Việt Nam hiện vẫn là dịch vụ thanh toán trong khi các dịch vụ khác như cho vay ngang hàng, quản lý tài sản, quản lý dữ liệu, chấm điểm tín dụng, quản lý đầu tư, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính những doanh nghiệp nhỏ và vừa… còn tương đối sơ khai.
Tốc độ thanh toán nhanh (các khoản thanh toán ngang hàng P2P), thuận tiện trong quản lý tài chính cá nhân, khả năng tiếp cận các khoản vay (tài trợ cộng đồng, crowdfunding) là những đặc điểm nổi trội trong hoạt động của các công ty fintech, nơi cung cấp các ứng dụng chuyên sâu về dịch vụ tài chính. Nhờ các ứng dụng này mà chi phí của người sử dụng được giảm mạnh. Tại một số công ty tài chính, việc đáp ứng nhu cầu các khoản vay chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 15 phút, điều gần như không tưởng nếu như đi vay theo các hình thức truyền thống.
Đây cũng chính là lý do fintech trở thành xu thế chủ đạo trên thị trường dịch vụ tài chính những năm qua, thúc đẩy các ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Cuộc đua tranh giành thị phần trên thị trường fintech sôi động hơn bao giờ hết.
Việc áp dụng những ứng dụng hay sáng tạo trong công nghệ kỹ thuật hiện đại vào lĩnh vực tài chính đã dẫn đến sự ra đời của những phần mềm, ứng dụng trực tuyến nhằm phục vụ các hoạt động tài chính, tiền tệ, ngân hàng. Sự phát triển của fintech càng trở nên mạnh mẽ đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Tuy nhiên, đi kèm sự thuận thiện sẽ là tính chất đắt đỏ của lãi suất, mà một số người đi vay thường coi khoản chênh lệch lãi này là chi phí cơ hội để “được việc”. Đối tượng khách hàng chính của các công ty tài chính là những người thu nhập thấp, có nhu cầu vay “nóng”, ngắn hạn. Thông thường, những người này không có lịch sử tín dụng và không đạt tiêu chí về tài sản thế chấp để vay. Theo các chuyên gia tài chính, đơn vị nào chấp nhận rủi ro càng lớn khi đưa ra ít điều kiện, chuẩn tín dụng thì mức lãi suất tương ứng sẽ càng cao.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng trên thực tế, các công ty tài chính thường tuân thủ về lãi suất tối đa (20%/năm), tuy nhiên những khoản “vay nóng” thường chỉ có thời hạn rất ngắn 1-3 tháng và tính lãi suất theo ngày. Ngoài lãi suất thì các khoản vay còn có thêm các loại phí như phí thẩm định hồ sơ, phí dịch vụ, phí tư vấn… Một số đơn vị cho vay còn yêu cầu thêm phí bảo hiểm cho khoản vay.
Thông thường, khi khách hàng vay trong khoản thời gian ngắn, chỉ vài ngày đến 1 tháng thì lãi suất theo ngày nhân lên, tính ra con số tuyệt đối sẽ là con số khách hàng có thể chấp nhận được trong bối cảnh cần vay “nóng”. Tuy nhiên, trường hợp khách hàng không giữ đúng cam kết, để thời gian nợ kéo dài. Lúc này phát sinh lãi suất trên khoản chậm thanh toán, cộng thêm phí phạt trễ hạn tăng dần, dẫn đến tổng số tiền lãi và phí phải trả ngày càng cao, có thể lên đến hàng trăm phần trăm một năm, vượt quá khả năng chi trả của khách hàng.
Đáng chú ý, hiện đang tồn tại một xu hướng khá nguy hiểm là trên các trang mạng xã hội gần đây xuất hiện các nhóm về tín dụng, rủ nhau vay để bùng nợ, dạy nhau cách “xù” tiền, dùng sim ảo vay tiền… Nếu như trong mối quan hệ giữa các ngân hàng và bên vay nợ, khi bên vay bị mất khả năng thanh toán thì ngân hàng có quyền phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Còn trong quan hệ dân sự thông thường, việc “đứng cho vay, quỳ đòi nợ” là phổ biến. Chính vậy, rủi ro mất vốn đối với các công ty tài chính khi cho vay dưới chuẩn, không có tài sản đảm bảo là rất cao. Chính vì hành vi của nhóm đối tượng khách hàng này dẫn đến việc các đơn vị cho vay phải duy trì mức lãi suất cao để bù lại chi phí rủi ro mà họ phải chịu.
“Miếng bánh” lợi ích trong kinh doanh dịch vụ cho vay tài chính không hẳn “dễ nuốt” khi mà việc thu hồi nợ cũng bị giới hạn bởi những vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin khách hàng, chưa kể đến những vấn đề liên quan đến đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật nếu đòi nợ một cách gắt gao.
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý
Fintech phát triển sôi động thời gian qua nhưng còn nhiều bất cập, thị trường “thượng vàng hạ cám” với một vài “con sâu làm rầu nồi canh” đang ảnh hưởng đáng kể đến cái nhìn của người dân với các công ty tài chính.
Giới chuyên gia đánh giá, môi trường pháp lý đối với hoạt động fintech chưa rõ ràng và hoàn thiện thực sự là khó khăn đối với việc phát triển hệ sinh thái. Cơ sở pháp lý chưa quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ cũng như mô hình hoạt động, hành lang pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty fintech. Điều này làm cho các công ty có thể có tâm lý e ngại đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới do lo ngại sự bất ổn của môi trường pháp lý.
Chính vì vậy, nên chăng cần có những tiêu chí nhằm sàng lọc các công ty cho vay trực tuyến được phép hoạt động dựa trên vốn điều lệ tối thiểu, bề dày hoạt động, năng lực đội ngũ quản lý. Bên cạnh đó, để tránh những tình huống phát sinh tiêu cực trong quan hệ cho vay - đòi nợ như thời gian qua, cần quy định mức lãi, phí tối đa mà khách hàng phải thanh toán khi trả trễ, cho phép các công ty fintech sử dụng dịch vụ của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) để ngăn ngừa trường hợp khách hàng bị quá tải với các khoản vay cũng như các quy định về minh bạch thông tin với khách hàng, yêu cầu bảo mật thông tin khách hàng… Có như vậy, lành mạnh hóa hoạt động fintech cũng chính là chặn đà “lây lan” của tín dụng đen, giảm bớt các hệ lụy xấu cho xã hội và nền kinh tế.
Để chủ động trong định hướng phát triển fintech tại Việt Nam, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính (Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017 của Thống đốc NHNN) tập trung cho các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho fintech ở Việt Nam. Tháng 6/2019, NHNN đã nghiên cứu, hoàn thiện Đề án Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Tháng 5/2020, Ban Chỉ đạo fintech của NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về Sandbox nhằm hoàn thiện hệ sinh thái fintech, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai công nghệ mới và thúc đẩy hợp tác giữa các công ty fintech và hệ thống ngân hàng. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã khẳng định việc cần khuyến khích hợp tác trong mối quan hệ cạnh tranh lành mạnh giữa ngân hàng và các công ty fintech và cần ban hành chuẩn kết nối giữa các tổ chức tín dụng với các tổ chức công nghệ tài chính. |