Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán
Mục đích của việc ban hành Pháp lệnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm toán Nhà nước; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật.
Đánh giá cao sự phối hợp giữa Ủy ban Pháp luật và Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, đến giờ này về cơ bản dự thảo Pháp lệnh này có thể thông qua được. Góp ý thêm để hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước, bà Nga cho biết còn băn khoăn về Điều 9 và Điều 10. Dự thảo Pháp lệnh cơ bản đã đầy đủ về các hành vi vi phạm hành chính so với Luật Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, có 2 hành vi đề nghị làm rõ thêm. Khoản 3, Điều 9 quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng về hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu. Khoản 4, Điều 9 thì xử phạt từ 30-50 triệu đồng về hành vi từ chối cung cấp thông tin, tài liệu.
“Chúng tôi thấy quy định cần phải quy định rõ ràng hơn về việc thế nào là không cung cấp thông tin, tài liệu và thế nào là từ chối cung cấp thông tin, tài liệu và hiện nay hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu bị phạt 20-30 triệu đồng, trong khi từ chối cung cấp thông tin, tài liệu bị xử phạt 30-50 triệu đồng thì cần làm rõ lý do vì sao hành vi từ chối lại xử phạt nặng hơn hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu”, bà Nga đề xuất.
Tương tự như vậy, Khoản 3, Điều 10 quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi không trả lời và giải trình các vấn đề theo yêu cầu. Khoản 4 thì phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi từ chối trả lời và giải trình các vấn đề theo yêu cầu. Bà Nga cho rằng, quy định này là chưa rõ ràng, khi nào là không trả lời, khi nào là từ chối trả lời và lý do làm sao mà hành vi không trả lời thì chúng ta lại phạt nhẹ hơn hành vi từ chối trả lời.
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, việc chuẩn bị dự thảo Pháp lệnh đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và tài liệu rất đầy đủ. Cơ bản tán thành với dự thảo Pháp lệnh, tuy nhiên ông còn băn khoăn việc dự thảo Pháp lệnh không quy định việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với một số hành vi như: từ chối gửi báo cáo hoặc không cung cấp hoặc từ chối cung cấp thông tin, tài liệu, không trả lời hoặc từ chối trả lời và giải trình.
“Khoản 3, khoản 4, Điều 10 chỉ quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính trong trường hợp có cung cấp nhưng chưa đầy đủ, không chính xác hoặc có sai lệch thông tin, tài liệu, tôi cho rằng như vậy là chưa đầy đủ, chưa tương xứng và chưa xử lý triệt để hành vi vi phạm hành chính, không đáp ứng được yêu cầu khôi phục lại trật tự quản lý hành chính Nhà nước do hành vi hành chính vi phạm gây ra”, ông Cường nhấn mạnh và cho rằng: Theo nguyên tắc tại Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử lý 1 lần. Như vậy, trong trường hợp này, cơ quan ra quyết định xử phạt thì người vi phạm buộc nộp phạt là xong và họ vẫn không thực hiện trách nhiệm phải gửi báo cáo, phải trả lời, phải cung cấp thông tin. Đây chính là việc mà phạt cho tồn tại. Như vậy là chưa thực sự hợp lý, không những thiếu tính răn đe mà còn tạo ra kẽ hở để cá nhân, tổ chức lợi dụng, không gửi báo cáo, không cung cấp thông tin, tài liệu nhằm che đậy vi phạm khác.
“Công văn góp ý của Chính phủ cũng có đề cập, tuy nhiên chưa thấy tiếp thu, giải trình. Tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với từng hành vi vi phạm, đảm bảo các trật tự, trật tự quản lý hành chính Nhà nước phải được thực thi”, ông Cường nhấn mạnh.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường bày tỏ cơ bản tán thành với các nội dung trong Báo cáo thẩm tra về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước của Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên, ông Cường cho biết để hoàn thiện dự án Pháp lệnh này, cơ quan soạn thảo cũng cần tính toán, bổ sung một số nội dung…
Liên quan đến Điều 13 quy định về hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán, ông Cường cho biết dự thảo Pháp lệnh đang quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, nội hàm về tài chính công, tài sản công có phạm vi rất lớn. Trong khi biện pháp khắc phục dự thảo Pháp lệnh quy định là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán Nhà nước quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Do vậy, ông Nguyễn Phú Cường băn khoăn, nội dung này có nên quy định chi tiết hơn hay không, có nên quy định hướng dẫn thêm hay không.
Liên quan đến nội dung về hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường bày tỏ băn khoăn về các nội dung mức phạt tiền như quy định trong dự thảo Pháp lệnh, bởi có chỗ thì quá nhẹ, có chỗ lại quá nặng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu thêm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Pháp luật - cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc ban hành Pháp lệnh đến nay là rất cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, Kiểm toán Nhà nước sắp bước sang tuổi 30 nhưng đến nay chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Điều này cũng cho thấy đây là lĩnh vực khó và phức tạp.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, cơ bản nội dung dự thảo Pháp lệnh được quy định tương đối tốt. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện để ban hành. Ban hành Pháp lệnh sớm được ngày nào thì có ý nghĩa với hoạt động kiểm toán Nhà nước ngày đó.
Cho ý kiến về các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn về phạm vi quy định xử phạt; làm rõ giữa xử phạt theo quy định của Pháp lệnh này với xử phạt theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Lưu ý về tính khả thi, phù hợp của các quy định, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề nên chăng quy định về phạt vi phạm đối với những vấn đề đã có quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, những nội dung nào cần Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định cũng cần nêu ngay trong Pháp lệnh này để có căn cứ xử phạt. Do đó, phải rà soát nội dung nào quy định trong Pháp lệnh, nội dung nào giao Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định. Cùng với đó, quy định kỹ lưỡng về mức độ vi phạm, hành vi vi phạm, gắn với đó là phải ngang bằng với nhau về quyền và trách nhiệm của người thực thi nhiệm vụ kiểm toán, của các đơn vị có liên quan đến hoạt động kiểm toán, đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng góp ý vào một số điều khoản cụ thể như giải thích từ ngữ về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước, về cách thức thực hiện xử phạt hành chính…
Trước đó, phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên thường kỳ tháng 2/2023 diễn ra trong 3 ngày với các nội dung lớn, quan trọng. Thời gian diễn ra phiên họp chỉ có 3 ngày nhưng nội dung rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan hữu quan bố trí, sắp xếp thời gian họp theo quy định để kỳ họp có chất lượng cao nhất...