Ngẫm về con số 1.900 tỷ đồng
Không chi các loại tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông | |
Đừng là tiền lệ xấu | |
Chấn chỉnh “rải” tiền lẻ tại các đền, chùa |
Dịp Tết Nguyên đán này, việc các NH tiếp tục không chi các loại tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng trở xuống, mà chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông nhưng đủ tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân được xem là đúng đắn.
Thực ra chủ trương giảm in số lượng tiền mệnh giá nhỏ đã được thực hiện trong gần 5 năm trở lại đây. Và việc không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán đã góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam, đồng thời tiết kiệm chi phí xã hội.
Ảnh minh họa |
Theo NHNN, trong dịp Tết Nguyên đán 2017, sẽ tiết giảm được chi phí phát hành tiền khoảng gần 400 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức chi phí tiết kiệm được từ khi thực hiện chủ trương này (từ năm 2013) lên đến 1.900 tỷ đồng. Con số này thực sự rất có ý nghĩa khi thời gian vừa qua Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong những dịp lễ, Tết.
Đặc biệt mới đây, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 11- CT/TW về việc tổ chức Tết Nguyên đán năm 2017, trong đó Ban Bí thư yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo và được hầu hết các tỉnh, thành phố hưởng ứng thực hiện.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no” nên con số tiết kiệm được từ việc không in tiền lẻ mới càng thêm ý nghĩa. Nó càng thiết thực hơn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, và chúng ta đang dốc sức hỗ trợ người dân các vùng chịu thiên tai vượt qua khó khăn.
Thực tế cho thấy, tiền mới mệnh giá nhỏ phần lớn được người dân sử dụng trong dịp Tết để đi lễ chùa đầu năm. Vẫn biết rằng, đi lễ chùa là một nét đẹp văn hóa của người dân, nhưng hình ảnh những đồng tiền rải ở khắp các nơi thờ tự trong đền chùa, thậm chí để tiền rơi xuống đất, bị giẫm đạp lên, lại là phản cảm. Bên cạnh đó, thì việc rải tiền lẻ quá nhiều còn gây khó khăn và lãng phí cho công tác kiểm đếm tiền mặt.
Đại diện lãnh đạo chi nhánh một NHTM ở tỉnh Bắc Ninh – địa phương có nhiều đền chùa, từng chia sẻ rằng, thường sau khi kết thúc mùa lễ hội, nhà chùa lại nhờ cán bộ NH mang máy đếm tiền đến tận nơi để hỗ trợ kiểm đếm, có khi mất cả tuần. Ngoài ra, còn một sự lãng phí nữa khó đong đếm được, là các chi nhánh NHNN phải dành diện tích kho quỹ khá lớn cho việc bảo quản tiền mệnh giá nhỏ và chi phí nhân công kiểm đếm.
Rõ ràng việc NHNN hạn chế in tiền mệnh giá nhỏ cũng đã mang lại hiệu ứng tích cực, nhất là khi cơ quan này đã và đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch, Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tiết kiệm, hợp lý. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2015 Ban Bí Thư trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 41- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Trong đó có yêu cầu quản lý, sử dụng đồng tiền Việt Nam trong lễ hội theo đúng quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng đặt hòm công đức và đặt tiền lễ tuỳ tiện. Đến nay, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương cũng đã chú trọng hơn tới công tác tổ chức lễ hội, cũng như việc sử dụng tiền lẻ trong các hoạt động liên quan. Các điểm đổi tiền lẻ ngang nhiên ngay trước cổng đền chùa đã không còn diễn ra; các đền chùa cũng đặt các hòm công đức ở những ban chính để phục vụ người dân; hoạt động lễ hội đi vào nền nếp hơn.
Như vậy có thể thấy, con số 1.900 tỷ đồng nói trên không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về mặt kinh tế, mà nó còn nhấn mạnh về một hiệu ứng xã hội, góp phần nâng cao văn hóa sử dụng đồng tiền của người dân.