Ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn
SHB vừa được NHNN chấp thuận việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2022. Theo đó, SHB sẽ chào bán hơn 533 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 100:20 với giá chào bán dự kiến là 12.500 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, SHB sẽ phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ thực hiện 15%. Ngoài ra, ngân hàng này sẽ phát hành 45,12 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Sau khi thực hiện 3 phương án trên, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng từ 26.674 tỷ đồng lên 36.459 tỷ đồng. Đại diện SHB cho biết, số vốn tăng thêm ngân hàng mở rộng quy mô cho vay khách hàng doanh nghiệp, cá nhân.
Nhiều ngân hàng khác như OCB, Kienlongbank, SeABank, Techcombank, ACB, MSB… cũng đã được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ.
Đại diện OCB cho biết, ngân hàng tăng vốn điều lệ từ hơn 13.698 tỷ đồng lên hơn 17.808 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành 30% cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngân hàng kỳ vọng, việc này sẽ giúp nâng cao năng lực tài chính, tăng trưởng quy mô và năng lực cạnh tranh của ngân hàng...
Thống kê sơ bộ trong năm 2022, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 NHTM cổ phần. Đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của các NHTMCP đạt 416,9 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.488,2 nghìn tỷ đồng.
Ảnh minh họa. |
Với khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, hoạt động tăng vốn cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Theo báo cáo cập nhật mới nhất của NHNN, tính đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của nhóm Big 4 Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV là 180.300 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 7.060.300 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo 4 NHTM nhà nước triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính. Hiện NHNN đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước.
Đối với việc tăng vốn điều lệ của BIDV, Vietcombank, VietinBank, NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này. Trong đó, BIDV có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng, lên 61.208 tỷ đồng; Vietcombank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 8.566 tỷ đồng, lên 55.891 tỷ đồng; VietinBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 5.694 tỷ đồng, lên 53.751 tỷ đồng.
Ông Trần Tánh - Phó Phòng phân tích và nghiên cứu CTCK Yunata đánh giá, thời điểm này việc đẩy mạnh tăng vốn là cần thiết. Hiện thị trường có nhiều biến động, ngân hàng nào tăng vốn mạnh sẽ có bộ đệm tốt hơn chống đỡ những rủi ro. Lãnh đạo các ngân hàng cũng cho biết, việc tăng vốn điều lệ giúp họ củng cố tiềm lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR), đáp ứng kế hoạch tăng trưởng trong kinh doanh. Nhất là việc áp dụng theo chuẩn Basel II, Basel III đòi hỏi vốn ngày càng lớn.
Tăng vốn cũng là nhiệm vụ các TCTD thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Theo đề án, đến năm 2025, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu là 15.000 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings cho rằng, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh những năm gần đây, đòi hỏi các ngân hàng phải mở rộng quy mô vốn, đảm bảo các tỷ lệ về an toàn. Mặc dù thời gian vừa qua hệ thống ngân hàng đã nỗ lực lớn trong việc bổ sung vốn, nhưng theo tính toán của tổ chức này, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn cần bổ sung vốn lên tới 10,7 tỷ USD (tương đương 2,9% GDP) để đảm bảo khoản dự phòng rủi ro cho khoản vay có vấn đề và duy trì hệ số CAR ở mức 10%.
Có thể thấy việc tăng vốn là cần thiết và các ngân hàng đang rất nỗ lực để tăng năng lực tài chính. Có nhiều phương án tăng vốn như phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên... Tuy nhiên, diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng trong hệ thống nhất là kế hoạch bán vốn cho NĐT nước ngoài.
Một chuyên gia chứng khoán cho biết, nguồn cung cổ phiếu tăng mạnh sẽ tạo áp lực lên sức cầu, nhất là khi thị trường chứng khoán có diễn biến giảm điểm, tâm lý NĐT không tích cực, từ đó gây áp lực đáng kể lên giá cổ phiếu nói chung.
Thời điểm này, giá cổ phiếu ngân hàng đang giảm rất mạnh so với mức đỉnh năm 2022. Chỉ số VN-Index hiện giảm 27% so với đỉnh năm 2022, nhưng giá nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm 30 - 40%, thậm chí có cổ phiếu giảm 50%.
Với giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức thấp như vậy, ông Tánh cho rằng, các ngân hàng không mặn mà bán vốn cho NĐT ngoại mà chủ yếu tăng vốn qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu ESOP…
“Trừ ngân hàng nào kẹt lắm mới phải cố gắng bán vốn cho NĐT ngoại. Còn ngân hàng không vướng mắc gì họ không vội vàng bán vốn cho NĐT ngoại trong năm nay mà sẽ trì hoãn sang năm sau”, ông Tánh nhận định.