Giúp người lao động bị ảnh hưởng trong mùa dịch
Dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế và xã hội, trong đó, ngành công nghiệp ô tô cũng điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.
Đơn cử, Toyota Việt Nam sẽ tạm dừng sản xuất bắt đầu từ ngày 30/3/2020. Thời gian sản xuất trở lại sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, nhu cầu thị trường, tình hình chuỗi cung ứng, tồn kho của các đại lý và quy định của Chính phủ. Trước đó, Tập đoàn Ford Motor cũng đã chính thức thông báo nhà máy lắp ráp xe Ford Hải Dương tại Việt Nam sẽ tạm ngừng sản xuất từ ngày 26/3 và chưa có kế hoạch rõ ràng về thời gian mở cửa trở lại của nhà máy.
Ngay từ đầu, Chính phủ đã xác định tập trung thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù đến thời điểm này, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp, người lao động và cả nền kinh tế đang bộc lộ ngày càng rõ.
Để người lao động sống qua mùa dịch |
Kết quả khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy, có đến 720 doanh nghiệp (chiếm 60%) cho biết sẽ giảm doanh số 50%. Nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng, thì gần 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản, do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động và tiền lãi vay. Với tình hình này, khả năng các doanh nghiệp này ngừng sản xuất là rất lớn, có thể ảnh hưởng đến nhiều triệu lao động, chứ không chỉ riêng thiệt hại của doanh nghiệp, Ban IV nêu.
Thực tế, tác động của dịch Covid-19 đến lao động - việc làm được thể hiện rõ thông qua các chỉ số về bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng 2/2020 là 47.164 nghìn người, tăng 59,2% so với tháng 1/2020 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng 2/2019 là 27.755 người), theo Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.
Nếu như trong tháng 2, mới có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất thì bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia dự báo, thị trường lao động quý II cũng như cả năm 2020 sẽ có nhiều biến động do số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa, thu hẹp chuỗi sản xuất ngày một tăng. Tuy nhiên, bộ phận người lao động này vẫn còn may mắn bởi họ còn có cơ hội được nhận bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động và có thể được đào tạo, nâng cao tay nghề hoặc có thể chuyển sang ngành nghề khác, duy trì được thu nhập, đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình.
Diễn biến dịch còn phức tạp – khó lường, đặc biệt để khống chế dịch bệnh, nhiều ngành kinh doanh đã phải tạm dừng hoạt động. Lúc này, không chỉ doanh nghiệp không thể kinh doanh, mà còn những phận người yếu thế dễ bị tổn thương đang bị những tin tức về dịch bệnh che mờ. Đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp…
Được biết, Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đang thống kê số liệu về lao động tự do, lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh... bị ảnh hưởng, để giúp họ vượt khó. Theo đó, về chính sách tín dụng, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất: đối với người lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với thời hạn vay tối đa là 12 tháng, lãi suất 3,96%/năm, bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam.
Việc hỗ trợ này sẽ hướng tới khoảng 350.000 lao động với mức vay bình quân 30 triệu đồng/người và 20.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mức vay bình quân 500 triệu đồng/cơ sở. Số tiền huy động cần khoảng 20.000 tỷ đồng, do vậy kinh phí cấp bù lãi suất khoảng 800 tỷ đồng - ông Dung cho biết.
Bên cạnh đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đang cùng các địa phương khẩn trương khảo sát đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19, để có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ trúng và đúng, do nguồn lực có hạn, nên chính sách hỗ trợ cũng cần minh bạch và công bằng.
Vẫn hàng vạn người lao động đang mất việc, bị giảm hoặc mất thu nhập do dịch Covid-19, nhưng không được hỗ trợ như người đi làm công ty, hưởng lương ngân sách, Thủ tướng cho rằng, tình thế cấp bách hiện nay đòi hỏi chúng ta phải lo cho cuộc sống nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm, thu nhập để bảo đảm đời sống ở mức cơ bản tối thiểu, Chính phủ sẽ quyết định gói hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Dự kiến, tổng số tiền ước tính ban đầu để hỗ trợ vào khoảng 28 – 30 nghìn tỷ đồng, cả ngân sách trung ương và địa phương. Cụ thể như hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo 1 triệu đồng/người/tháng, trước mắt hỗ trợ 3 tháng (tháng 4, 5, 6). Hỗ trợ cho một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng.
Hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể phải tạm ngừng kinh doanh gặp khó khăn nhất do Covid-19 với mức 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng 4, 5, 6. Hỗ trợ người lao động tự do không có hợp đồng, mất việc hoặc không có việc làm, mức 1 triệu đồng/người/tháng, trong 3 tháng 4, 5, 6.
Hỗ trợ người lao động có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp nhưng phải nghỉ việc, làm việc bán thời gian, nghỉ không lương giảm thu nhập thì mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng (tức 50% lương tối thiểu), trước mắt hỗ trợ cho 3 tháng 4, 5, 6.