Ngân hàng nâng cao năng lực, phát triển bền vững
SCB triển khai dự án "đánh giá chênh lệch và xây dựng lộ trình triển khai tuân thủ Basel II" | |
Tăng vốn điều lệ giải tỏa nhiều áp lực cho ngân hàng | |
Sacombank quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế |
Nâng cao năng lực
Mới đây, Nam A Bank và KPMG đã ký kết triển khai và áp dụng Basel III tại Nam A Bank. Trước đó trong năm 2021, ngân hàng này đã được NHNN công nhận tuân thủ ba trụ cột theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN (theo chuẩn mực Basel II). SCB cũng phối hợp với KPMG để hiện thực hoá mục tiêu chinh phục Basel IRB (Basel II nâng cao). Đại diện SCB cho biết, ưu tiên hàng đầu của ngân hàng này trong năm nay là chú trọng quản trị rủi ro, đáp ứng tuân thủ các quy định của NHNN. MSB cũng thông tin ngân hàng dự kiến hoàn thành việc lập Báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế IFRS trong năm 2022…
Việc áp dụng Basel II, hướng tới Basel III là chiến lược dài hạn của các ngân hàng Việt Nam. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu: Đến năm 2025, tất cả NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao tại NHTM Nhà nước nắm cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn.
Nam A Bank và KPMG đã ký kết triển khai và áp dụng Basel III |
Theo các chuyên gia, tuân thủ các chuẩn mực này không chỉ nhằm đáp ứng quy định từ cơ quan quản lý mà quan trọng hơn là gia cố nền tảng giúp cho sự phát triển bền vững, lành mạnh của từng ngân hàng. Dù các tiêu chí đặt ra rất khắt khe và ngân hàng khi áp dụng cũng gặp không ít khó khăn về kỹ thuật và chi phí, xây dựng hệ thống dữ liệu nhằm phục vụ việc đánh giá và kiểm soát rủi ro… song thực tế cho thấy, năng lực quản trị rủi ro của mỗi ngân hàng được cải thiện rõ rệt, làm dày bộ đệm vốn, hỗ trợ hoạt động kinh doanh toàn diện hơn.
Như tại VIB, lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ nhờ tiên phong trong áp dụng phương pháp quản trị theo Basel II, Basel III, IFRS… mà ngân hàng đã củng cố thêm nền tảng để giúp cho việc theo đuổi chiến lược kinh doanh bền vững, giữ vị thế ngân hàng bán lẻ hàng đầu thị trường. Ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng giám đốc VIB cho biết, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) năm 2021 của ngân hàng này ở mức hơn 11%, tỷ lệ cho vay tiền gửi (LDR) ở mức 71%. Năng lực quản trị được đánh giá cao đã giúp cho VIB được nhận hạn mức tín dụng dài hạn từ IFC và ADB. Năm 2021, tổng doanh số giải ngân cho VIB thông qua bảo lãnh của IFC trong GTFP (Chương trình tài trợ thương mại toàn cầu) là hơn 242 triệu USD - tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. Hay với MBBank, ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, Basel II đã giúp cho MBBank hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 20% những năm qua, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu 300%, hệ số CAR khoảng 11%...
Chuyên gia nhìn nhận, nỗ lực triển khai và áp dụng các tiêu chuẩn của Basel II những năm qua đã góp phần tạo nên sự chuyển biến lớn đối với hệ thống ngân hàng, mang lại những kết quả tích cực trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống TCTD tại Việt Nam.
Có thể nói, sau 4 năm thực hiện Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về cơ bản ngành Ngân hàng đã đạt được các mục tiêu tại Đề án, trừ một số mục tiêu bị ảnh hưởng do tác động của đại dịch Covid-19. Theo đó, quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành tiếp tục được củng cố, nâng cao; từng bước hình thành đồng bộ các chuẩn mực, thiết chế an toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam…
Nền tảng phát triển bền vững
Thực tế, đảm bảo quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel đã tạo thành “tấm khiên” giúp ngân hàng thêm sức chống chịu trước các rủi ro, thách thức, biến động khó lường cả trong và ngoài nước. Đơn cử như tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động ngân hàng thời gian qua cho thấy ngân hàng nào càng củng cố được tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực quản trị rủi ro thì giảm thiểu được ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. Đây cũng là lý do vì sao các ngân hàng rất nỗ lực để có thể sớm nhất áp dụng chuẩn nâng cao theo Basel II IRB, tiến tới Basel III.
Thêm nữa, chuyên gia cho rằng, những ngân hàng nào đảm bảo được các yêu cầu về quản trị rủi ro theo quy định của NHNN (theo chuẩn Basel II) sẽ có những lợi thế hơn trong xét duyệt cấp room tín dụng so với các ngân hàng còn lại. Năm 2021, một số ngân hàng đã được cơ quan quản lý chấp thuận nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, và đây đều là những ngân hàng đã đáp ứng được chuẩn Basel II, tích cực giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp…
“Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 dự kiến ở mức 14%, room tín dụng là không quá dồi dào, NHNN cũng kiểm soát rất chặt chẽ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng phân bổ cho các ngân hàng để đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả nhất. Bởi vậy, có được lợi thế gia tăng room tín dụng là không dễ, buộc các ngân hàng phải nỗ lực để củng cố hiệu quả hoạt động của mình”, chuyên gia nêu quan điểm.
Ở góc độ NHTM, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank nhận thấy, việc ngân hàng sớm áp dụng các chuẩn mực quốc tế sẽ khiến vị thế của các ngân hàng Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước nâng lên rất nhiều, giúp ngân hàng có cơ hội tiếp cận với những dòng vốn rẻ từ các tổ chức, nhân lên cơ hội đón dòng đầu tư nước ngoài. TPBank cũng là ngân hàng có tham vọng khi cho biết sẽ hướng tới các chuẩn mực cao hơn như Basel IV, sau khi đã áp dụng Basel III và đáp ứng tiêu chuẩn báo cáo tài chính IFRS 9.
Tiến trình tái cơ cấu hệ thống vẫn còn cả chặng đường dài, đòi hỏi từng ngân hàng phải không ngừng nỗ lực để củng cố năng lực quản trị, điều hành, tăng sức đề kháng của mình. Năm 2022, NHNN vẫn sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó tập trung xử lý các TCTD yếu kém; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, phát triển hệ thống các TCTD đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.