Ngân hàng sẵn sàng cung ứng vốn xanh
Doanh nghiệp đi tìm “vốn xanh” Khó huy động vốn xanh vì thiếu quy định pháp lý |
Phát triển xanh là tất yếu
Thị trường tín dụng xanh hiện nay đã có sự tham gia của nhiều ngân hàng như: BIDV, HDBank, Nam A Bank, MB… Các ngân hàng cho vay sẽ xem xét các yếu tố như đầu ra sản phẩm doanh nghiệp trên thị trường, định hướng phát triển, báo cáo tài chính... Nếu các yếu tố này đều minh bạch, rõ ràng ngân hàng sẽ rất thuận lợi trong phân tích, xem xét dự án để đi đến quyết định cung tín dụng. Tuy nhiên, thực tế đa số doanh nghiệp, nhất là các DNNVV thường báo cáo tài chính không rõ ràng minh bạch khiến ngân hàng lo ngại rủi ro.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tín dụng xanh và tín dụng thông thường không có khác biệt trong quy chế cho vay, chỉ là phân biệt phân loại nợ theo mục đích của dự án, phương án xanh. NHNN khuyến khích các TCTD huy động nguồn vốn xanh và tích cực cho vay các dự án xanh. NHNN rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng phù hợp mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon, hướng tới tăng trưởng xanh như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; NHNN đã rà soát, bổ sung nội dung về tín dụng-ngân hàng xanh vào Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng...
Tín dụng ngân hàng vẫn là chủ lực trên thị trường vốn |
Trong triển khai thực tế của các TCTD, theo ông Lệnh, vấn đề quan trọng vẫn là nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào và các chính sách phát triển kinh tế xanh; các tiêu chí, tiêu chuẩn và thông tin giúp cho việc đánh giá hiệu quả của dự án, phương án sản xuất xanh… làm nguồn thông tin, dữ liệu để TCTD phân tích, đánh giá, thẩm định cho vay dự án xanh, cũng như xây dựng quy trình tín dụng phù hợp và các biện pháp quản lý, quản trị rủi ro hiệu quả.
Tại Tọa đàm kinh tế tuần hoàn - trung hoà carbon do Câu lạc bộ Báo chí phát triển xanh hướng đến NetZero Carbon (Green Media HUB) vừa được tổ chức đầu tuần này, ông Don Lam, Tập đoàn
VinaCapital dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, ước tính từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần lượng vốn đầu tư khoảng 370 tỷ USD để triển khai đồng thời lộ trình chống biến đổi khí hậu và trung hòa phát thải carbon.
Tuy nhiên, hiện thị trường vốn của Việt Nam vẫn chưa phát triển, nên nguồn cung ứng vốn cho nền kinh tế dựa chủ yếu vào ngân hàng. Thế nhưng vốn ngân hàng bản chất là ngắn hạn, trong khi vốn đầu tư cho các dự án xanh lại có thời hạn khá dài. Vì thế, theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu xanh.
Sức ép phát triển xanh từ hàng hóa xuất khẩu
Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) cho biết, những năm qua Sở đã thực hiện quy định báo cáo phát triển bền vững đối với doanh nghiệp niêm yết. Trong Sổ tay tài chính, cơ quan quản lý đã yêu cầu có thêm phần đánh giá về phát thải khí nhà kính do Ủy ban Chứng khoán tổ chức bình chọn. Kết quả, trong hơn 500 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thực hiện báo cáo thì có 98 doanh nghiệp có chính sách liên quan giảm phát thải, trong đó 66 doanh nghiệp có biện pháp thực hiện cụ thể. Theo Thông tư 96/2021/TT-BTC về việc công bố thông tin tổng mức phát thải khí nhà kính có ba mức độ phải công bố bao gồm: mức độ 1, 2, 3 thì có 12 doanh nghiệp đáp ứng được mức độ 1 và 2, 7 doanh nghiệp công bố đạt tiêu chí 3 mức độ theo Thông tư 96/2021/TT-BTC.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, phát triển xanh được khởi xướng từ các quốc gia phát triển ở châu Âu đang đặt ra nhiều thách thức cho các nước đang phát triển phải thực hiện các tiêu chuẩn xanh. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào các quốc gia có các tiêu chí xanh khắt khe, nếu không đáp ứng được sẽ phải chịu mức thuế cao ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh giá cả trên thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh xung đột tại nhiều nơi trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và lạm phát toàn cầu đang ở mức cao. Trong nước nhiều doanh nghiệp hiện nay đang loay hoay với trả nợ trái phiếu; thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp nợ nhà thầu, nhà thầu nợ vật liệu xây dựng; tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tăng… khiến tín dụng ngân hàng nói chung và tín dụng xanh không có tốc độ tăng trưởng tốt như trước đây. Trong khi đó hạn định thực hiện các tiêu chí xanh của châu Âu đang tới gần, tạo sức ép rất lớn từ bên mua hàng của các doanh nghiệp Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong xu hướng phát triển xanh, doanh nghiệp sẽ cần lưu ý thực hiện thêm các báo cáo môi trường để bên cung cấp vốn nhận biết được thế nào là doanh nghiệp có kế hoạch phương án xanh, dự án xanh. “Theo tôi doanh nghiệp cần có tín chỉ môi trường, tín chỉ carbon, tín chỉ đa dạng sinh học đi kèm với báo cáo tài chính. Yêu cầu hạch toán và kiểm toán carbon trong các dự án liên quan đến môi trường sẽ mang lại giá trị cho doanh nghiệp không chỉ là chi phí, mà còn hướng tới bán tín chỉ carbon và báo cáo mức độ giảm carbon. Bởi nguyên tắc của phát triển xanh là bên phát thải sẽ phải trả phí và các khoản chi trả khác cho dịch vụ sinh thái, hướng đến bán tín chỉ carbon...", ông Thọ nêu ý kiến.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Bộ chỉ tiêu này được xây dựng hài hòa với các tiêu chuẩn phân loại xanh của châu Âu, IFC và các tổ chức tài chính quốc tế khác. Về lâu dài, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết thêm, chúng ta cần từng bước xây dựng sàn giao dịch carbon và nhập vào sàn chứng khoán, bởi thị trường chứng khoán có kinh nghiệm và có sẵn hệ thống thực hiện thanh toán bù trừ và một hệ thống kiểm toán sẽ tốt hơn tạo ra một thị trường carbon riêng.