Ngân hàng tích cực gia cố bộ đệm
Ngân hàng gia cố “bộ đệm” phòng ngừa rủi ro Ngân hàng gia cố bộ đệm vốn để mở rộng kinh doanh |
Gấp rút hoàn thành kế hoạch tăng vốn
Bước vào những tháng cuối năm, các ngân hàng gấp rút hoàn thành kế hoạch tăng vốn như đã đề ra. BIDV vừa chốt ngày hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12,69% vào 29/11. Sau đợt chia cổ tức, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 50.585 tỷ đồng lên hơn 57.004 tỷ đồng. Cũng trong quý cuối năm này, VietinBank có kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 11,7% từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế và sau trích các quỹ năm 2020. Dự kiến, vốn điều lệ của VietinBank tăng từ hơn 48.000 tỷ đồng lên trên 53.700 tỷ đồng. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18,1%, Vietcombank cũng đã chính thức tăng vốn điều lệ lên 55.890 tỷ đồng.
Dự kiến, vốn điều lệ của VietinBank tăng từ hơn 48.000 tỷ đồng lên trên 53.700 tỷ đồng |
Không riêng các NHTM có vốn Nhà nước, ở khối NHTMCP hoạt động tăng vốn rất sôi động, như OCB với tỷ lệ chia cổ tức 50% bằng cổ phiếu; HDBank tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu; SHB tỷ lệ 18% bằng cổ phiếu... Sau khi hoàn thành phát hành 295.200.000 cổ phiếu tương đương tỷ lệ 14,5% để trả cổ tức năm 2022 và phát hành 118.201.732 cổ phiếu thưởng tương đương tỷ lệ 5,8%, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng hơn 4.134 tỷ đồng, từ gần 20.403 tỷ đồng lên 24.537 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng này còn dự kiến chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ hơn 4,6% và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP) để tăng vốn điều lệ lên tối đa 25.903 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngày 14/11/2023, Thống đốc NHNN Việt Nam cho phép VPBank tăng vốn điều lệ từ 67.434 tỷ đồng lên 79.339 tỷ đồng. HĐQT VPBank trước đó đã công bố nghị quyết sửa đổi vốn điều lệ của ngân hàng sau khi hoàn thiện thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) trong tháng 10 vừa qua.
Quan sát trên thị trường, phương án tăng vốn của nhiều ngân hàng cũng có sự khác biệt. Có ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành ESOP, hay tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, chào bán thêm cổ phiếu…
Việc đẩy mạnh tăng vốn giai đoạn cuối năm theo đánh giá của giới chuyên môn nhằm chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh năm tới, đồng thời giúp các ngân hàng tăng cường năng lực tài chính. Bởi thực tế, dù đã tích cực tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính trong thời gian qua nhưng so với các ngân hàng trong khu vực, nhìn chung các ngân hàng Việt vẫn đang mỏng vốn, hệ số an toàn vốn (CAR) thấp hơn nhiều so với khu vực.
Theo số liệu của NHNN, tính đến tháng 9/2023, hệ số CAR trung bình áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của nhóm ngân hàng Nhà nước ghi nhận ở mức 9,25%; nhóm NHTMCP ở mức 11,50%, thấp hơn nhiều so với ngân hàng trong khu vực. CAR bình quân của Indonesia là 22,6%; Philippines là 17,2%; Singapore là 17,1%; Thái Lan 19,6%; Malaysia 18,5%. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực đã áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III. Trong khi các ngân hàng của Việt Nam đa phần vẫn đang trong giai đoạn triển khai Basel II, chỉ có một vài ngân hàng đã bắt đầu tiệm cận Basel III.
Lưu ý nữa, kinh tế trong nước và hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp thời gian qua đang chịu những tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 đã làm suy giảm khả năng trả nợ của các hộ gia đình và doanh nghiệp, khiến nợ xấu có xu hướng gia tăng.
Những yếu tố trên đã thúc các ngân hàng lớn, nhỏ liên tục đẩy mạnh hoạt động tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính tạo bộ đệm dày dặn xử lý những vấn đề, khó khăn đã, đang và sẽ xuất hiện trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất định.
Theo Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings, tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh những năm gần đây của Việt Nam đặt ra thách thức lớn cho các ngân hàng trong việc đảm bảo an toàn vốn. Fitch Ratings nhận định hệ thống ngân hàng Việt Nam cần bổ sung vốn tới 10,7 tỷ USD (2,9% GDP) để đảm bảo dự phòng rủi ro và duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 10%.
Ngân hàng hấp dẫn NĐTNN
Từ thực tế trên cho thấy, việc tiếp tục tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính rất cần thiết đối với các ngân hàng. Trong thời điểm hiện tại, theo đánh giá của giới chuyên môn, tăng vốn thông qua bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có thực lực mạnh là giải pháp hiệu quả, sớm giúp các ngân hàng nội đạt được mục đích tăng vốn. Không chỉ tăng quy mô vốn, sức cạnh tranh, vốn ngoại còn giúp ngân hàng tái cấu trúc, tối ưu hóa chi phí, từ đó tăng thêm hiệu quả hoạt động.
Tất nhiên, để thu hút được NĐTNN, ngân hàng phải có sự hấp dẫn nhất định đối với họ như về triển vọng kinh doanh, tổng thể chất lượng quản trị của ngân hàng, chất lượng tài chính… Điều này không phải ngân hàng nào cũng làm được. Hơn thế việc bán vốn cho các NĐTNN không dễ, bởi vẫn có sự giằng co về giá, tỷ lệ sở hữu và quy trình thẩm định, phê duyệt khắt khe, nhất là đối với các NHTMCP Nhà nước.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, các ngân hàng trong nước muốn thu hút được NĐTNN cần phải có kết quả hoạt động tốt, có năng lực quản trị vững vàng, minh bạch… Điều mà NĐTNN quan tâm khi đầu tư vào ngân hàng, không phải là lợi nhuận cao, mà là lợi nhuận ổn định, bền vững. Tuy nhiên theo TS. Nghĩa, so với các ngân hàng trong khu vực, thì tỷ suất sinh lời của các ngân hàng Việt Nam hiện khá cao, triển vọng tăng trưởng của thị trường khá hấp dẫn. Đây là lý do các ngân hàng nước ngoài rất quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.
Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở khi ngoài các thương vụ đã hoàn tất, còn một số thương vụ khác đang trong quá trình thương thảo, tìm hiểu. Đơn cử, với thông báo về việc bán 20% cổ phần cho NĐTNN, SHB đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo ước tính của Reuters, thỏa thuận tiềm năng có thể định giá SHB ở mức 2 - 2,2 tỷ USD. Nếu mức định giá này được thông qua và thương vụ bán 20% cổ phần thực hiện thành công, SHB sẽ thu về hàng trăm triệu USD.
Một số ngân hàng khác như LPBank, Vietcombank, BIDV… cũng đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho NĐTNN. BIDV đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch bán 9% vốn cho NĐTNN. Vietcombank dự kiến phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho NĐTNN và đang ở bước thuê tổ chức tư vấn.
Ngoài ra, một số ngân hàng có “sức khỏe” tài chính tương đối tốt mà vẫn còn dư địa room ngoại như VIB (20,5%), OCB (22%), Techcombank (22,47%), MB (23,23%). Hiện tại, còn một số ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp, gần như chưa sử dụng đến room ngoại như SeABank, Nam A Bank…
Bà Trần Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng Dịch vụ tài chính, Khối Dịch vụ nghiên cứu thị trường và tư vấn FiinGroup Việt Nam nhận định, ngân hàng vẫn luôn là trụ cột của nền kinh tế và có tiềm năng tăng trưởng cao. Những thách thức ngắn hạn lại chính là thời cơ thu hút các nhà đầu tư chiến lược chất lượng muốn “kết hôn” lâu dài.