Ngân sách hụt thu vì thoái vốn chậm
Còn 91 doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong quý IV/2020 | |
Thoái vốn Nhà nước không thể vội vã | |
Hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn – nhiệm vụ khó khả thi |
Trông đợi vào Sabeco
Theo Nghị quyết số 26 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016-2020, nguồn thu từ cổ phần hóa nộp về ngân sách nhà nước để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250.000 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2019, Bộ Tài chính đã chuyển 50.000 tỷ đồng và 8 tháng đầu năm 2020 đã chuyển 6.500 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước. Luỹ kế từ năm 2016 đến tháng 6/2020, đã có 211.500 tỷ đồng được chuyển từ Quỹ vào ngân sách nhà nước, đạt 85% kế hoạch. Như vậy, trong năm nay, số còn lại phải chuyển từ Quỹ vào ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 26 của Quốc hội là 38.500 tỷ đồng.
Nguồn thu ngân sách từ cổ phần hóa đang trông đợi vào thương vụ thoái vốn tại Sabeco |
Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến trong trường hợp thực hiện thành công việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP trong quý III/2020 thì nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn năm 2020 là 42.200 tỷ đồng. Thậm chí, con số này có thể đạt trên 45.000 tỷ đồng nếu các bộ, ngành và địa phương quyết liệt chỉ đạo triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng lộ trình cùng với xu hướng phục hồi của thị trường tài chính, chứng khoán.
Tuy nhiên, nhiều khả năng mục tiêu thoái vốn sẽ khó hoàn thành khi mà hiện điều kiện thị trường không mấy thuận lợi và Sabeco cũng không phải trong thời điểm phong độ nhất. Tác động của Nghị định 100 về phòng chống tác hại từ rượu, bia và dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay khiến tiêu thụ nội địa các sản phẩm nước giải khát suy yếu. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư tham gia rót vốn vào Sabeco phải cân nhắc và tính toán thận trọng.
Trong khi đó, bên cạnh Sabeco thì đến thời điểm hiện nay các DN lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), MobiFone, Agribank... hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để tiến hành xác định giá trị DN.
Từ năm 2016 đến nay, cả nước có 177 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa nhưng cũng mới chỉ có 37 DN được đưa vào danh mục cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, số DN được cổ phần hóa mới đạt 28% kế hoạch. Số DN còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch từ nay đến hết năm 2020 là 91 DN và rất khó để hoàn thành.
Cần sòng phẳng với nhà đầu tư
Để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn ở các DNNN, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg phê duyệt danh mục có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Theo đó, hết năm 2020, cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ thực hiện thoái vốn tại 120 DN. Trong đó, 4 tổng công ty thuộc quyền quản lý của Bộ Xây dựng sẽ được chuyển giao sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thực hiện thoái vốn nếu không hoàn thành việc này trước 30/11/2020.
Ở góc độ pháp lý, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất một loạt các giải pháp để hoàn thiện thể chế về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN khi tiến hành cổ phần hóa. Trong đó tập trung mạnh vào việc xây dựng Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), ngoài các giải pháp tháo gỡ những nút thắt về tài chính DN, thì góc độ chế tài cũng cần được chú trọng. Bởi hiện nay, mặc dù các quy định pháp luật đều đặt ra yêu cầu phải xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân chậm trễ, chây ỳ trong hoạt động thoái vốn, nhưng Bộ Tài chính không thể thực hiện được, vì không có thẩm quyền.
Ngoài ra, theo các chuyên gia tài chính, những quy định về giá bán cổ phần đối với các DN chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch cổ phiếu cũng đang có nhiều bất cập. Cụ thể, trong trường hợp giá sàn giao dịch cổ phiếu của công ty cổ phần cao hơn giá thanh toán đã được xác định từ trước thì nhà đầu tư phải thanh toán tiền mua cổ phần theo giá sàn. Ngược lại, nếu giá sàn thấp hơn giá thanh toán, thì nhà đầu tư phải trả tiền theo giá thanh toán đã được xác định từ trước. Đây là sự bất hợp lý và được cho là không công bằng đối với các nhà đầu tư. Tương tự quy định chuyển nhượng vốn nhà nước tại DN đã niêm yết, cũng có điểm chưa hợp lý. Nhà đầu tư phải trả tiền theo giá khởi điểm nếu giá khởi điểm cao hơn giá sàn và phải trả tiền theo giá sàn nếu giá sàn cao hơn giá khởi điểm. Điều này khiến các nhà đầu tư đã trúng đấu giá công khai hoặc ký hợp đồng chuyển nhượng sẽ bị thiệt hại vì phải thanh toán cho nhà nước số tiền lớn hơn so với giá đặt mua đã trúng trong các phiên đấu giá cổ phần.
Vì thế Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ quy định này trên nguyên tắc sòng phẳng theo cơ chế thị trường và thực tế hiện nay trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 32/2018/ND-CP, quy định (tại Tiết c Điểm 1 Khoản 13) liên quan đến giá sàn và giá thanh toán cũng đã được cắt bỏ. Vì vậy, “khi Nghị định mới được thay thế Nghị định 32/2018/NĐ-CP được thông qua, các nhà đầu tư tham gia cổ phần hóa DNNN sẽ thanh toán tiền mua cổ phần theo giá đã trúng đấu giá công khai. Trường hợp mức giá này cao hơn giá sàn, giá khởi điểm, nhà đầu tư quyết định không mua thì sẽ bị mất tiền đặt cọc”, ông Tiến cho biết.