Ngành công nghiệp TP.HCM: Thay đổi để phát triển bền vững
Khách hàng tại TP.HCM đang chuộng bất động sản nào? TP.HCM: Nhiều giải pháp triển khai Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường TP.HCM: Hơn 30,75% doanh nghiệp cắt giảm lao động |
Qua quá trình phát triển gần 50 năm, ngành công nghiệp sản xuất của TP.HCM đang dần lạc hậu, mức thâm dụng lao động cao, giá trị gia tăng thấp. Do vậy, thời điểm này rất cần phải thay đổi tư duy, hành động của lãnh đạo các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố để phát triển sản xuất công nghiệp.
TP.HCM là một trong những trung tâm lớn về công nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, tỷ trọng công nghiệp TP.HCM trong cơ cấu công nghiệp cả nước có xu hướng giảm dần. Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, giai đoạn 2016-2021 công nghiệp TP.HCM tăng trưởng 2,67%/năm, công nghiệp cả nước tăng trưởng 6,8%/năm. Cả thời kỳ 2011-2021 công nghiệp thành phố chỉ tăng 4,11%, trong khi công nghiệp cả nước tăng bình quân 7,07%/năm. Đặc biệt, năm 2021 ngành công nghiệp của TP.HCM giảm sâu trong khi cả nước tăng trưởng 4,47%/năm.
TP.HCM hướng đến phát triển hiện đại, công nghệ cao nhưng vẫn đặt trọng tâm cho phát triển sản xuất |
Nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế chỉ ra là do hạ tầng kỹ thuật của thành phố đang quá tải nhưng nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng chưa tương xứng. Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TP.HCM giai đoạn 2016-2020 ước khoảng gần 1.830.000 tỷ đồng, song khả năng ngân sách thành phố hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Điều này khiến cho việc xây dựng hạ tầng thành phố gặp nhiều trở ngại, gây ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ phát triển ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế TP.HCM nói chung.
Các chuyên gia cho rằng, để tạo đà tăng trưởng trở lại cho ngành công nghiệp, thành phố cần kiến tạo lại không gian mới cho công nghiệp phát triển. TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất, thành phố cần xác định mục tiêu phát triển là các ngành, lĩnh vực khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó, phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics, trung tâm tài chính quốc tế, công nghiệp công nghệ cao, chuỗi công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Song song với đó, cần tập trung đầu tư, thúc đẩy kết nối hạ tầng với các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, ĐBSCL, Tây Nguyên và Nam Trung bộ, bao gồm hạ tầng giao thông, logistics, kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa, kết nối hạ tầng công nghiệp, kết nối về môi trường... Đặc biệt, kết nối hệ thống giao thông thành phố với tuyến đường sắt vận tải hàng hóa và cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải, đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, các tuyến đường bộ cao tốc; phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á sẽ tạo động lực tăng trưởng mới mạnh mẽ cho thành phố cũng như cho cả khu vực.
Theo TS. Huỳnh Thanh Điền (Trường đại học Nguyễn Tất Thành), thành phố nên xác định các lĩnh vực nghiên cứu giải pháp công nghệ, thiết kế, sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ công nghệ cao làm mũi nhọn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, xây dựng các cụm ngành công nghiệp mở theo hướng liên kết vùng, đảm bảo tính kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực của thành phố với doanh nghiệp vệ tinh ở các tỉnh lân cận, nhằm tạo sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp TP.HCM đến các doanh nghiệp vệ tinh. Riêng với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP.HCM, cần hướng đến năng lực cạnh tranh toàn cầu, thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, công nghệ, luôn cập nhật những phát minh sáng chế.
“Việc chuyển đổi 17 KCX-KCN đang hoạt động của TP.HCM cũng như đầu tư những KCN mới theo hướng sinh thái không những giúp thành phố giữ chân doanh nghiệp đang đầu tư tại đây mà còn gia tăng sức hấp dẫn cho làn sóng đầu tư mới. Bởi xu hướng áp dụng rào cản xanh đã phổ biến trên toàn cầu…”, bà Trương Thị Ái Nhi, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn góp ý.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, dù TP.HCM hướng đến phát triển hiện đại, công nghệ cao nhưng vẫn đặt trọng tâm cho phát triển sản xuất.
“Trên cơ sở góp ý từ các chuyên gia, TP.HCM sẽ có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ và chuyển đổi các KCN đã lạc hậu, tạo quỹ đất, xây dựng thêm các KCN theo hướng khu sinh thái, hướng doanh nghiệp sản xuất theo kinh tế tuần hoàn. Và quan trọng hơn, sự chuyển đổi này sẽ được bắt đầu từ những thay đổi trong tư duy, hành động của lãnh đạo các cấp, các ngành, trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố”, ông Hoan khẳng định.