Ngành da giày: Tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA
Theo đại diện Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2021, ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 14,2 tỷ USD, tăng 25,3%. Đây là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên những tháng cuối năm dự báo tình hình sẽ khó khăn hơn và khả năng xu hướng xuất khẩu sẽ giảm xuống. Bởi vậy các doanh nghiệp cần phải có những phương án đối phó với tình hình dịch bệnh diễn biến xấu tới thị trường.
Trong những năm gần đây, xuất khẩu da giày của Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh và ổn định. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có sự chững lại. Tuy nhiên từ đầu năm 2021 đến nay tăng trưởng của ngành da giày đã quay lại quỹ đạo, đặc biệt nhiều doanh nghiệp da giày lớn tại Việt Nam đã có đơn hàng xuất khẩu cho cả quý III và quý IV/2021. Theo đánh giá của các chuyên gia, do các nước xuất khẩu da giày tại Nam Á và Đông Nam Á sụt giảm sản lượng bởi đại dịch Covid-19, đồng thời do lợi ích cắt giảm thuế quan của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã dịch chuyển sang sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời các doanh nghiệp trong ngành đã tận dụng tốt các ưu đãi trong các FTA (nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA). Với đà tăng trưởng này, dự kiến cả năm 2021 ngành da giày Việt Nam có thể xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, tăng 15-16% so với năm 2020.
Ước tính xuất khẩu da giày tháng 7 và 7 tháng năm 2021 |
Theo số liệu thống kê, dự kiến kim ngạch xuất khẩu da giày tháng 7/2021 tăng 25,5%, trong đó giày dép tăng 27% và túi xách tăng 18,3%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 14,2 tỷ USD, tăng 25,3%, trong đó xuất khẩu giày dép đạt 12,14 tỷ USD tăng 28,2% và xuất khẩu túi xách đạt 2,02 tỷ USD tăng 10%. Tổng kim ngạch xuất khẩu da giày vào 5 thị trường lớn nhất của Việt Nam (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) chiếm 81% tổng trị giá xuất khẩu da giày của Việt Nam, trong đó giày dép chiếm 80,7% và túi xách chiếm 82,6%. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, với giày dép chiếm thị phần 39,8% và túi xách chiếm 43,2% tổng trị giá xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam. Tiếp theo là EU chiếm thị phần 23,4% về giày dép và 23,5% về túi xách. Các thị trường khác là Trung Quốc (9,6% và 4,6%); Nhật Bản (4,9% và 8,8%) và Hàn Quốc (3,3 và 3,8%).
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu giày dép sang hầu hết các thị trường chính đều tăng. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5/2021 dịch Covid bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng mạnh đến sản xuất và suy giảm xuất khẩu da giày của Việt Nam trong các tháng cuối năm. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” dẫn đến bị thiệt hại lớn. Còn tại các doanh nghiệp còn hoạt động, sản xuất gặp khó khăn do phải giảm 50% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu, đồng thời phát sinh nhiều chi phí để thiết lập các biện pháp phòng chống Covid, xét nghiệm, tiêm chủng cho người lao động…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Hiện việc phát triển nguyên phụ liệu vẫn chủ yếu phụ thuộc vào khối đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư trong nước nguồn lực yếu, ít doanh nghiệp đủ khả năng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu... Trong khi đó một số quy định mới như yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu tại chỗ phải đóng thuế nhập khẩu mới được làm thủ tục nhận hàng và làm thủ tục hoàn thuế nếu sản phẩm được xuất khẩu, hay phải thực hiện thêm nhiều thủ tục hành chính làm cản trở đến quá trình cung ứng nguyên phụ liệu cho sản xuất...
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho biết, mặc dù các doanh nghiệp trong ngành đều có sự tăng trưởng nhưng vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thời gian qua Hiệp hội đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, cung cấp thông tin thị trường. Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế đình trệ, Hiệp hội đã phối hợp với Bộ Công thương và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế trực tuyến, phổ biến cho các doanh nghiệp về cách tiếp cận các ưu đãi trong các hiệp định thương mại…
Trước mắt các doanh nghiệp trong ngành đang rất mong chờ sự vào cuộc hỗ trợ của Chính phủ có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung để duy trì lực lượng sản xuất. Bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay các doanh nghiệp da giày cần tiết giảm chi phí, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và lực lượng lao động, để sau khi đại dịch được khống chế có thể phục hồi ngay sản xuất và xuất khẩu, tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định FTA (nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA). Doanh nghiệp đặc biệt lưu ý các biện pháp phòng tránh Covid-19 theo hướng dẫn của Chính phủ và các địa phương đối với các các khu công nghiệp, để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.